Chất vấn Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Đại biểu chưa hết lo lắng

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận
TP - “Trong cái mênh mông khổ sở của giáo dục và đào tạo, chúng ta chỉ lựa chọn 3 cái là tuyển sinh đầu cấp, thi tốt nghiệp, đánh giá học trò để chất vấn”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng mở đầu phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận.

Thực tế chất vấn diễn ra cho thấy, dù Bộ trưởng Luận đã liên tiếp đưa ra những phân tích, kiến giải để trấn an nhưng ĐB vẫn chưa thôi lo lắng…

Lo tỷ lệ tốt nghiệp thấp

Đề cập đến việc tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông (THPT) quốc gia, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Trịnh Ngọc Thạch phản ánh, trước đây khi địa phương tổ chức, kết quả tốt nghiệp luôn đạt ở mức cao 98-99%. Nhưng năm nay khi thực hiện kỳ thi THPT quốc gia, các trường ĐH lại chủ trì tổ chức các cụm thi. Điều này khiến nhiều người dân lo ngại vì các trường ĐH làm quá nghiêm sẽ dẫn tới kết quả tốt nghiệp sụt giảm. “Bộ trưởng nghĩ sao về vấn đề này”, ông Thạch nêu câu hỏi.

“Việc đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30, bên cạnh mặt tích cực thì cũng vẫn còn rất nhiều ý kiến trái chiều. Thực tế có trường em nào cũng được khen, rất dễ dãi nhưng có trường lại rất khắt khe. Nhiều bậc phụ huynh không biết con mình học lực thế nào vì không có xếp loại học khá, giỏi”.

ĐB Nguyễn Văn Minh (TPHCM)

Giải đáp lo lắng trên, ông Luận cho biết đã tính toán đến việc sẽ có barem điểm kỹ càng, để học sinh thi cử một cách nghiêm túc.

“Chúng tôi quan niệm quá trình thi cử nghiêm túc cũng là một hoạt động giáo dục quan trọng, chúng ta không để chỗ cho những sự không trung thực, gian lận trong thi cử. Đã gọi là tốt nghiệp phổ thông thì sẽ hướng đến phần lớn thí sinh chứ không thể có sự thay đổi đột ngột ở đây được”, ông Luận nói.

Vị Tư lệnh ngành Giáo dục cũng gửi lời trấn an đến các học sinh rằng: “Hãy yên tâm ôn tập, làm bài một cách cố gắng nhất. Sẽ không có cú sốc đối với xã hội trong quá trình triển khai. Tuy nhiên trả lời trên vẫn không giải tỏa hết lo lắng cho ĐB. “Qua thống kê cho thấy, ở miền núi học sinh chủ yếu đăng ký thi tốt nghiệp vì các em không đủ tự tin để tham dự kỳ thi quốc gia. Cách tổ chức thi theo cụm như vậy có phải là đã lấy đi cơ hội của các cháu hay không?”, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) đặt vấn đề. ĐB Ma Thị Thúy thì lo lắng, việc tổ chức cụm thi THPT quốc gia có thể dẫn đến kết quả các cụm thi khác nhau, không bảo đảm đánh giá thực chất?

“Trong quá trình triển khai đồng loạt, xuất hiện một số trục trặc nhỏ, có chỗ khen thưởng khắt khe quá, có chỗ rộng rãi quá. Có ý kiến gia đình không biết điểm số, không biết kết quả của các cháu. Đây là trục trặc bước đầu, Bộ sẽ có chấn chỉnh”.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận

Trả lời vấn đề trên, Bộ trưởng Luận cho rằng, trước đây, khi đi thi đại học, các cháu phải về Hà Nội, TPHCM, các thành phố lớn nên phải đi quãng đường rất xa. Với cách đổi mới kỳ thi như năm nay, các cháu sẽ đi thi gần hơn vì chúng tôi bố trí thành 38 cụm thi trên cả nước.  Như thế thí sinh không chỉ giảm quãng đường mà giảm cả số lần đi thi, vì năm nay các cháu chỉ phải thi một lần để vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển vào đại học, cao đẳng.

Riêng với các học sinh miền núi, vùng khó khăn, theo ông Luận, Chính phủ đã có quy định về chế độ ưu tiên, ưu tiên khu vực, ưu tiên theo đối tượng… Trong quá trình thi các Hội đồng thi, phúc tra thi cử sẽ được thực hiện nghiêm túc.

Bên cạnh đó, hoạt động thanh tra, kiểm tra không chỉ diễn ra trong kỳ thi mà ngay cả khi thí sinh trúng tuyển  vào trường rồi vẫn được tiến hành. Nếu phát hiện vi phạm vẫn xử lý bình thường. “Cho đến thời điểm này với sự vào cuộc của các địa phương, các đơn vị liên quan nên công tác chuẩn bị đã sẵn sàng. Vấn đề ăn ở của thí sinh đã được tính toán và lường trước”, ông Luận cho hay.

Phụ huynh không biết học lực của con

Chất vấn Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Đại biểu chưa hết lo lắng ảnh 1

ĐB Nguyễn Văn Minh (TPHCM)

Theo ĐB Nguyễn Văn Minh (TPHCM), việc đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30, bên cạnh mặt tích cực thì cũng vẫn còn rất nhiều ý kiến trái chiều. Thực tế có trường em nào cũng được khen, rất dễ dãi nhưng có trường lại rất khắt khe. Nhiều bậc phụ huynh không biết con mình học lực thế nào vì không có xếp loại học khá, giỏi?

Thừa nhận trong quá trình đổi mới còn có những “trục trặc nhỏ”, nhưng ông Luận khẳng định, việc chuyển từ đánh giá học sinh tiểu học qua điểm sang đánh giá nhận xét là một bước chuyển phù hợp với thực tế đang triển khai tại các nước có nền giáo dục phát triển. Phương thức này nhằm thay đổi động lực học tập của các cháu, góp phần hoàn thiện kĩ năng và hình thành phẩm chất của con người.

“Nhờ thực hiện Thông tư 30 việc học thêm, dạy thêm đã giảm đi và giảm được việc mất động lực học của học sinh”, ông Luận nói đồng thời cho biết đang tiếp tục lắng nghe, phân tích kết quả để tập huấn cho thầy cô giáo và đội ngũ quản lý giáo dục ở các cấp, bảo đảm việc đánh giá học sinh tiểu học được triển khai được đồng bộ.

Một vấn đề nữa cũng được ĐB quan tâm là tình trạng xuống cấp của đạo đức và gia tăng tình trạng bạo lực học đường. “Tại sao xếp loại đạo đức của học sinh càng học lên cao thì càng kém, càng có chuyện đánh nhau tung clip trên mạng. Vậy việc giáo dục công dân cho học sinh ở các cấp trong thời gian qua thế nào”? ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) nêu câu hỏi.

Bộ trưởng Luận thừa nhận thời gian qua các nhà trường chỉ chú trọng vào việc dạy các môn học văn hóa theo hướng truyền thụ kiến thức mà chưa chú trọng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh qua việc đổi mới cách dạy học, tổ chức các hoạt động giáo dục đa dạng, giúp học sinh trải nghiệm. Bên cạnh đó, trong đánh giá hạnh kiểm học sinh còn bị lệ thuộc nhiều vào kết quả các môn học văn hóa.

Theo chương trình, hôm nay (13/6) Bộ trưởng Phạm Vũ Luận sẽ tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Sau đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ phát biểu làm rõ một số vấn đề trong phiên chất vấn, đồng thời trả lời trực tiếp chất vấn của các ĐB Quốc hội.

MỚI - NÓNG