Chất tải nhà cao tầng gây ùn tắc giao thông

Cảnh ùn tắc ở ngã tư đường Khuất Duy Tiến và đường Nguyễn Trãi, Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh
Cảnh ùn tắc ở ngã tư đường Khuất Duy Tiến và đường Nguyễn Trãi, Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - “Vào những ngày lễ, tết ở Hà Nội không bị tắc đường, giao thông rất thuận tiện, êm ả, dân cư ở có sao đâu? Bản chất của vấn đề gây ùn tắc là người đi học và đi làm cứ tập trung vào vùng trung tâm”, nguyên Giám đốc Sở QH&KT Hà Nội Nguyễn Văn Hải trao đổi với Tiền Phong bên lề kỳ họp HĐND thành phố ngày 2/12.

Hơn 2.000 tỷ đồng chỉ là chữa cháy?

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Hồng Khanh, trong kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2015, nhiều dự án khu nhà ở, khu đô thị phải dừng chờ điều chỉnh quy hoạch theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và Quy hoạch phân khu đô thị.

Việc điều chỉnh quy hoạch gây áp lực lớn cho nội đô là vấn đề được rất nhiều cử tri quan tâm gửi kiến nghị tới kỳ họp này. Trước áp lực về dân số kéo theo nhiều hệ luỵ, cử tri quận Hoàng Mai không đồng tình với việc thành phố cho phép điều chỉnh quy hoạch, tăng mật độ và nâng tầng các nhà chung cư, các toà cao ốc dẫn tới ảnh hưởng tới mật độ dân cư, các công trình hạ tầng kỹ thuật... Thậm chí cử tri còn đề nghị trước khi quyết định thay đổi quy hoạch, thành phố phải xin ý kiến người dân.

Liên quan đến việc HĐND vừa duyệt chi hơn 2.000 tỷ đồng để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, KTS Trần Huy Ánh cho rằng, trước khi đưa ra giải pháp đó nên công bố bản thảo để đại biểu nghiên cứu, tham khảo các chuyên gia rồi tiến hành tranh luận. “Việc đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng như vậy có phải là cách làm theo kiểu chữa cháy cho những sai lầm về quy hoạch đô thị của Hà Nội trong những năm qua? Đây là việc giải quyết ùn tắc theo kiểu chữa cháy nhiều hơn. Còn để giải quyết ùn tắc kéo dài nhưng không lãng phí thì phải có giải pháp mang tính lâu dài hơn”, KTS Ánh nhìn nhận.

Ùn tắc do quá tải cao ốc

Về vấn đề quá tải cao ốc, gây ùn tắc nội đô, ông Nguyễn Văn Hải, Bí thư Quận ủy Nam Từ Liêm, nguyên Giám đốc Sở QH&KT Hà Nội cho rằng, cần phải xem bản chất gây ùn tắc thực sự do đâu. “Vào những ngày lễ tết ở Hà Nội không bị tắc đường, giao thông rất thuận tiện, êm ả? Tình trạng ùn tắc xảy ra chủ yếu rơi vào các thời điểm bình thường người dân phải đi làm. Vì thế nguyên nhân căn bản là do việc tập trung quá nhiều chỗ làm việc ở trung tâm thành phố, ông Hải nói. Để giải quyết vấn nạn ùn tắc, theo ông Hải, phải thực hiện đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện di dời các cơ sở ra ngoài nội đô. Đồng thời khi làm và điều chỉnh quy hoạch phải tính đến tình trạng quá tải, ùn tắc giao thông, nếu để quá tải cao ốc sẽ gây ùn tắc.

Ngoài ra, theo ông Hải, không có chuyện biến trụ sở các bộ, ngành làm khu đô thị sau khi thực hiện di dời. “Khi di chuyển tất cả trụ sở, cơ quan bộ, ngành ra bên ngoài sẽ ưu tiên cho việc xây dựng công trình công cộng, các tiện ích cho dân cư chứ không dùng để xây dựng nhà ở. Điều đó là chắc chắn”, ông Hải khẳng định.

Từ 2016 tăng hơn 30% học phí các trường công

Nghị quyết về việc phê duyệt mức thu học phí và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân của Hà Nội năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021 đã được HĐND thành phố thông qua chiều 2/12. So với mức thu hiện nay, khung học phí cơ bản được tăng thêm 30%. Hiện tại, mức thu ở vùng thành thị đang là 40.000 đồng/học sinh/tháng, ở vùng nông thôn là 20.000 đồng/học sinh/tháng và miền núi được miễn học phí.

Giải trình cơ sở đề nghị tăng học phí, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ cho biết, dựa trên Nghị quyết về mức học phí do Chính phủ ban hành, Hà Nội luôn chọn mức học phí thấp nhất, phần thiếu sẽ được ngân sách thành phố bù. Cơ chế cấp bù luôn đảm bảo đủ 30% chi cho hoạt động chuyên môn và các hoạt động khác, 70% chi cho lương.  Các khoản thu khác ngoài học phí cũng được quy định rõ trong 10 khoản thu để tránh tình trạng lạm thu.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.