Chàng trai Việt từ thủ khoa Đại học Y Dược TPHCM đến tiến sĩ ở Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Từ chàng trai học trường làng vươn đến “giấc mơ Mỹ”, Phạm Đức Hùng hiện là tiến sĩ, dược sĩ làm việc tại Bệnh viện Nhi Cincinnati (top 3 nước Mỹ). Khi nhắc tới “gia tài” nghiên cứu khoa học, TS Hùng chia sẻ về 16 bài báo quốc tế, gần 20 bài báo trong nước.

Tự lực chạm đến “giấc mơ Mỹ”

Có được vị trí ở hiện tại, TS Hùng thầm cảm ơn sự nỗ lực của chính mình khi sinh ra và lớn lên trong gia đình không có điều kiện, bố mẹ không làm trong giới học thuật.

Phạm Đức Hùng học “trường làng” cấp 1, cấp 2 ở Cần Thơ. Có thời điểm năm lớp 6, lớp 10, Hùng mang tâm lý tự ti và buồn bã khi thành tích của mình thua xa so với bạn bè. Vực lại tinh thần để ôn thi vào 10, chàng trai trường làng khi ấy lại may mắn thi đỗ vào Chuyên Hóa của trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng, Cần Thơ. Nhưng sau đó, Hùng lại khiến gia đình lo lắng khi thường xuyên bị điểm kém trong các bài thi môn chuyên.

Để động viên và tạo động lực học tập cho con, mẹ của Hùng đã tặng con 10 cuốn sách vào đúng ngày sinh nhật của anh. “Trước đó, chưa năm nào tôi được mẹ tổ chức sinh nhật cho. Thế nên, thời điểm tôi học kém nhất, mẹ đặc biệt tặng quà sinh nhật bằng 10 quyển sách khiến tôi bất ngờ và cảm thấy cần “bật lên”, chàng trai 8x nhớ lại”.

Năm học lớp 12, Hùng thi đạt giải Nhất quốc gia môn Hóa và được tuyển thẳng vào trường Đại học Y Dược TP HCM. Sau đó, anh tốt nghiệp thủ khoa Khoa Dược khóa 2003-2008 và bắt đầu lên kế hoạch thực hiện “giấc mơ du học”.

Không có điều kiện đi học thêm tiếng Anh tại các trung tâm lớn, Hùng chọn cách tự học và tiếp cận tài liệu qua mạng xã hội. Anh còn dành thêm thời gian đi dạy thêm vào buổi tối để tích luỹ kinh nghiệm sống và phụ giúp chi phí cho gia đình. Khi nhận chứng chỉ IELTS 6.5 cộng với tấm bằng thủ khoa khoa Dược, Hùng thử nộp hồ sơ xin học bổng Thạc sĩ và ngay lập tức nhận được lời mời từ Đại học Groningen, Hà Lan (nằm trong top 80 thế giới).

Trong 2 năm học Thạc sĩ, Hùng tiếp tục nhận được học bổng nghiên cứu của Đại học Cambridge và Đại học Harvard, Mỹ. Anh đã chọn đến Đại học Harvard, Mỹ nghiên cứu trao đổi trong 8 tháng.

Đến năm 2012, chàng trai 8x tiếp tục nhận học bổng nghiên cứu sinh DBOF 4 năm của Đại học KU Leuven, Bỉ (top 40 thế giới). Tốt nghiệp Tiến sĩ ở Bỉ xong, Hùng nhận được phần thưởng CpG Award của Bệnh viện Nhi Cincinnati (top 3 nước Mỹ) để đến Mỹ làm nghiên cứu sau tiến sĩ. Sau 6 năm học và trải nghiệm văn hoá Châu Âu, anh Hùng đã chính thức bước vào giai đoạn “chinh phục” nước Mỹ.

Chàng trai Việt từ thủ khoa Đại học Y Dược TPHCM đến tiến sĩ ở Mỹ ảnh 1

Tiến sĩ, dược sĩ Phạm Đức Hùng

“Gia tài” nghiên cứu đồ sộ

Khi nhắc tới “gia tài” nghiên cứu khoa học, TS Hùng hài lòng với 16 bài báo quốc tế (ISI), gần 20 bài báo trong nước. Các nghiên cứu của anh xoay quanh nhóm đề tài chính như: Các gene và con đường trong tế bào miễn dịch làm tăng khả năng diệt ung thư của hệ miễn dịch; Mô hình sàng lọc độc chất/hoạt tính trong quá trình phát triển thuốc; Sử dụng cá sọc vằn làm mô hình di truyền của bệnh gan và bệnh động kinh…

Đáng nhớ nhất, TS.DS Hùng tự hào kể về nghiên cứu được đưa vào áp dụng thực tiễn cho các bệnh viện Nhi khoa tại Mỹ. Cụ thể, đó là nghiên cứu tìm và chứng minh vai trò của gene ABCC12 - nguyên nhân gây bệnh viêm gan tắc mật trong gan mới (được đăng trên tạp chí Gastroenterology, Journal of Hepatology và Hepatology). Các bệnh viện Nhi khoa tại nước Mỹ đã đưa gene ABCC12 vào hệ thống tầm soát gene cho các bà mẹ mang bầu có nguy cơ sinh con bị tắc mật, qua đó giúp giảm số trẻ em bị bệnh. Ngoài ra, nghiên cứu cũng tìm ra cơ chế đột biến và cơ chế sinh lý gây bệnh tắc mật, giúp ích trong quá trình phát triển thuốc và phương pháp điều trị.

“Quá trình làm nghiên cứu từ Hà Lan tới Bỉ của tôi gần như không có thành tựu gì đáng kể. Khi tới Mỹ, tôi được lựa chọn các đề tài nghiên cứu đồng nghĩa với việc tôi phải chịu trách nhiệm chính cho kết quả đó. Để các nghiên cứu cơ bản sâu có ứng dụng lâm sàng, thực tiễn ngay lập tức là rất khó”, TS.DS Hùng chia sẻ.

Đến năm 2021, TS Hùng thi đỗ kỳ thi FPGEC (Foreign Pharmacy Graduate Equivalency Certificate: chứng nhận tương đương Dược sĩ tốt nghiệp trường ĐH nước ngoài, tương đương với bằng Tiến sĩ Dược của Mỹ - PharmD). Theo đó, TS. Hùng là người Việt đầu tiên thi đỗ kỳ thi FPGEC theo định dạng mới.

Chàng trai Việt từ thủ khoa Đại học Y Dược TPHCM đến tiến sĩ ở Mỹ ảnh 2

Hiện anh làm việc tại Bệnh viện Nhi top 3 nước Mỹ.

Tìm cách để... cống hiến

Được biết, trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, TS Hùng cũng đã có những đóng góp từ xa về mặt nghiên cứu khoa học và trao đổi chuyên môn với các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành tại Việt Nam.

Về mặt nghiên cứu khoa học, anh có cơ duyên hợp tác với nhóm của TS. Ngô Sơn Tùng tại ĐH Tôn Đức Thắng để nghiên cứu, tìm hợp chất mới chống lại virus SARS-CoV-2, giúp đẩy nhanh quá trình tìm thuốc trị COVID-19. Ngoài ra, nhóm Hippocrates Pharmacy do TS Hùng sáng lập đã tích cực giúp đỡ bà con trong nước giữa lúc đỉnh dịch bằng cách tư vấn, trả lời câu hỏi và giúp người dân tìm hiểu về bệnh, thuốc trị bệnh cũng như các bệnh có liên quan.

Không chỉ đóng góp về mặt chuyên môn, Tiến sĩ Hùng cũng rất quan tâm đến định hướng du học của các bạn trẻ Việt Nam. Anh nhận thấy, người Việt Nam rất giỏi, tiềm năng nhưng số lượng học bổng, vị trí tốt trong trường ĐH hoặc cơ quan lại không bằng các bạn nước ngoài, dẫn tới cơ hội thăng tiến suy giảm đi so với nước bạn rất nhiều.

“Tôi dấy lên suy nghĩ rất đơn giản: càng nhiều người Việt đi trước thành công sẽ càng có ích cho thế hệ đi sau, người Việt lúc nào cũng có tinh thần chia sẻ và giúp đỡ nhau, mọi người dù ở đâu cũng sẽ hướng về quê hương đất nước”, TS Hùng khẳng định.

Vì thế, trong hơn 10 năm nay, anh đã giúp khoảng 100 bạn trẻ khác nhau đạt các học bổng lớn, mỗi năm giá trị học bổng lên tới 7 triệu đô. Có được bí quyết, cẩm nang du học sau nhiều năm tiếp xúc, làm việc với vô vàn sinh viên, TS Hùng đã “thai nghén” thành công cuốn sách “Bước ra thế giới – Cẩm nang du học và săn học bổng” để trở thành tài liệu “gối đầu giường” cho các bạn sinh viên muốn săn học bổng hoặc cho các vị phụ huynh muốn tìm hiểu để xây dựng hồ sơ học thuật từ sớm. Chỉ trong 10 ngày, cuốn sách của anh đã nhận được sự ủng hộ tích cực từ bạn trẻ Việt Nam.

TS.DS Phạm Đức Hùng muốn truyền đến các bạn trẻ thông điệp ngắn gọn nếu muốn bước ra thế giới để “hoà nhập nhưng không hòa tan”: “Để đi theo con đường nghiên cứu khoa học, bản thân mỗi người trẻ phải có đam mê xuất phát từ động lực nội tại và khát khao thực hiện nó như một sứ mệnh. Cho dù ở bất kỳ đâu trên thế giới, nếu chúng ta muốn cống hiến và hướng về cội nguồn, thì chúng ta đều tìm cách để làm được”.

MỚI - NÓNG