Chàng trai tự đeo biển 'Tôi từng ăn cắp'

Thông qua việc làm và chia sẻ của mình, Tử Dạ (TP.HCM) muốn nhắn nhủ đến cô bé hãy dũng cảm bước qua lỗi lầm, người biết sửa sai mới là người đáng trân trọng.

Những ngày qua, thông tin cùng hình ảnh cô bé mặc đồng phục học sinh bị bắt đeo bảng trước ngực với nội dung "Tôi là người ăn trộm" trong một siêu thị ở Gia Lai, được truyền đi với tốc độ chóng mặt.

Rất nhiều bạn đọc đã thể hiện thái độ bất bình với hành động trừng phạt thiếu tính vị tha của nhân viên siêu thị. Đồng thời, họ cũng cho rằng, đây không phải là cách hay có thể giúp cô bé nhận ra lỗi lầm.

Chàng trai tự đeo biển 'Tôi từng ăn cắp' ảnh 1

Tử Dạ ôm tấm bảng với nội dung "Tôi từng ăn cắp sách" đứng trước nhà sách Nguyễn Huệ thu hút sự chú ý của nhiều người.

Đồng quan điểm với rất nhiều độc giả, Chung Tử Dạ, 8X viết sách, hoạt động truyền thông tại TP.HCM đã mạnh dạn chia sẻ câu chuyện và nói lên quan điểm của mình.

Mở đầu dòng chia sẻ trên trang Facebook cá nhân, Tử Dạ cho biết anh đã từng bắt gặp những tấm bảng với nội dung bêu rếu kẻ ăn cắp như thế ở vài nơi mình đặt chân đến. Anh cảm thấy việc làm ấy là hoàn toàn chấp nhận được bởi nó khiến những kẻ thủ ác chùn tay. Nhưng trường hợp của cô bé bị bắt vì đánh cắp vài quyển sách trong siêu thị lại khiến anh xốn xang, trăn trở. Bởi, nó nhắc anh nhớ đến một kỉ niệm cũ trong quá khứ mà bản thân anh chưa từng dám tiết lộ với ai.

"Năm tôi chừng tuổi đấy, cũng là học sinh, cũng khăn quàng đỏ, tôi cũng đã từng ăn cắp vài quyển sách, và bị bắt!"

Câu chuyện của Tử Dạ bắt đầu vào những năm 2000, thời điểm nhà sách Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM) thời bấy giờ là thiên đường của học sinh ngoại thành như anh.

Tử Dạ nhớ lại: "Lúc ấy tôi 13 tuổi, học rất giỏi và được giáo dục kỹ lưỡng trong một gia đình nề nếp. Tôi nghèo, mẹ tôi vừa ly hôn, một mình nuôi hai con nhỏ và phải gánh nợ sau khi thua lỗ trong việc kinh doanh tại nhà. Lúc ấy mọi thứ còn rẻ, với tôi 2 nghìn đồng mẹ cho để gửi xe và uống nước mỗi ngày là quá đủ, nhưng sách thì lại rất đắt.

Bạn bè tôi nhiều đứa kể rằng đã ăn cắp trót lọt ở nhà sách Nguyễn Huệ rồi khoe đầy những sách truyện và bút màu khiến tôi thích mê. Một buổi chiều nọ, với 7.000 đồng cầm theo để đi lại, tôi đến đó và thó một vài thứ vào chiếc cặp học trò. Hết sức hồn nhiên, tôi đã ăn cắp hai quyển Truyện xứ Lanbiang của Nguyễn Nhật Ánh, nhà văn mà tôi yêu thích, cộng với một hộp sao dạ quang, loại dán trên trần nhà để phát sáng rất đẹp mắt. Tổng giá trị của chúng đến hơn 30.000 đồng, bằng một tháng tiền học thêm của tôi vào lúc ấy. Vốn là một đứa trẻ ở ngoại ô nghèo, tôi không hề biết sự tồn tại của camera an ninh. Tất nhiên, tôi bị tóm cổ ngay lối ra vào.

Bây giờ nghĩ lại tôi rất cảm ơn các chú bảo vệ tốt bụng đã không cột tôi lại và đeo lên tấm biển “tôi là người ăn cắp”. Họ chỉ dọa sẽ giao cho công an và còn cười chọc quê khi tôi khóc nấc đến mức không thở được vì sợ. Sau 30 phút khóc hết nước mắt nước mũi, tôi được thả cùng nhiều lời răn đe và khuyên nhủ. Từ đó, không bao giờ tôi nghĩ lần nữa đến việc lấy một thứ gì đó không phải của mình".

Sau những dòng chia sẻ về câu chuyện có thật của mình. Tử Dạ không ngại ngần đăng tải hình ảnh mình đứng trước nhà sách Nguyễn Huệ cùng tấm biển với nội dung: "Tôi từng ăn cắp sách và bị bắt tại đây". Hành động và những chia sẻ của Tử Dạ nhanh chóng thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng.

"Với tấm ảnh, tôi không cố tình gây sốc hay tạo sự chú ý. Cũng không đủ vĩ đại để mong nó tác động đến cộng đồng. Tôi chỉ muốn cảm ơn những người hơn 10 năm trước đây đã hành xử hết sức rộng lượng và nhân văn đối với một tên trộm. Còn với bé gái trộm sách, hy vọng em cũng mong muốn trở thành một nhà văn, và em có thể liên lạc với tôi nếu em muốn" - Tử Dạ nhắn nhủ với người xem. Anh hy vọng việc mình làm sẽ giúp được cô bé đã trót đánh cắp sách ở siêu thị nhanh chóng lấy lại tinh thần, vững tin hơn vào cuộc sống, tương lai.

Theo Theo Tri Thức
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.