Trao đổi với báo chí sáng nay xung quanh vụ nữ sinh bị gắn biển 'Tôi là người ăn trộm' tại siêu thị siêu thị Vĩ Yên, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, Phó GĐ Sở GD-ĐT Gia Lai Lê Duy Định cho biết 'nếu vụ việc trên là có thật thì không thể chấp nhận hành động này'.
VietNamNet dẫn lời ông Lê Duy Định cho biết, ông đã nắm được sự việc từ chiều 14/4 qua báo chí. Trong sáng nay (15/4), đích thân Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Ngọc Thạch sẽ đến làm việc với nhà trường và các bên liên quan để có thông tin chính xác nhất.
'Nếu sự việc nêu trên là có thật thì rõ ràng không thể chấp nhận hành động của bảo vệ siêu thị này', ông Định bày tỏ quan điểm.
Siêu thị Vĩ Yên, nơi xảy ra vụ việc đáng tiếc. Ảnh: VTC News
Ngày 14/4, ông Nguyễn Hùng Vỹ, quản lý siêu thị Vĩ Yên xác nhận hình ảnh nữ sinh đeo bảng “Tôi là người ăn trộm” gây xôn xao dư luận những ngày qua xảy ra tại siêu thị này.
Tại buổi làm việc với Công an thị trấn Chư Sê chiều 14/4, ông Phan Văn Hải, bảo vệ siêu thị Vĩ Yên, thừa nhận đã cùng ba nhân viên của siêu thị gồm Cưng, An, Tân bắt giữ cháu S. lại.
Sáng nay, trao đổi với PV, cô Nguyễn Công Quỳnh Trang, giáo viên một trường THCS ở huyện Chư Sê, Gia Lai cho biết nữ sinh trong bức ảnh là học trò lớp cô chủ nhiệm.
Cô Trang cho biết, sáng nay, nữ sinh trên vẫn đến lớp nhưng còn lo sợ, không dám tiếp xúc với ai. Chỉ cần đụng đến chuyện chiều 10/4 là em bật khóc.
Hai quyển truyện mà em S rất thích. Ảnh: VTC News
Vụ việc trên xảy ra ngày 10/4, khi nữ sinh S cùng một bạn học đi vào siêu thị Vĩ Yên ở thị trấn Chư Sê mua giấy kiểm tra, S thấy 2 quyển truyện yêu thích về Trạng Quỳnh nên đã giấu vào áo khoác. Tuy nhiên, khi S đi qua khu vực cửa kiểm soát trong siêu thị thì chuông chống trộm báo động. Lập tức, một nhóm người kéo S. qua một bên bắt đầu lục soát khắp người S, phát hiện hai quyển truyện, mỗi cuốn giá 10.000 đồng.
Sau đó, hai nữ nhân viên đã kéo hai tay S. ra, một người khác cầm cuộn băng keo dán chặt hai cổ tay ở hai đầu lan can, ngay giữa lối ra vào chính của siêu thị. Đồng thời, một nữ nhân viên khác cầm tờ giấy có in dòng chữ “Tôi là người ăn trộm” và dán trước ngực S., rồi một nam thanh niên cầm điện thoại chụp hình.
Bức ảnh phản cảm khiến dư luận bức xúc. Ảnh: Facebook
Ngay khi sự việc xảy ra, phụ huynh của em S đã nộp phạt cho siêu thị, xin lỗi về hành vi dại dột của con.
Phụ huynh này cho biết, gia đình đều làm nông, hoàn cảnh khó khăn, tiền bạc chi tiêu, đóng học phí bố mẹ đều đóng hết cho thầy cô nên S. không bao giờ mang tiền theo. Có lẽ vì thế mà cháu không có tiền mua sách, rồi dại dột đi lấy đồ của người ta.
'Sự việc xảy ra, chúng tôi không có mặt ở đó nên không khẳng định con mình đúng hay sai. Chúng tôi cũng chỉ biết khuyên cháu, nếu làm sai thì phải biết dũng cảm nhận lỗi” - phụ huynh chia sẻ.
Theo Thạc sĩ xã hội học Trần Đình Dũng, tội của đứa trẻ quá nhỏ so với hình phạt của người lớn. Với hành vi phạt đứa bé, người lớn ở đây đang gây nên “tội” và cái tội này quá lớn dù họ nghĩ họ vô tội, họ có quyền. Vậy là tội ăn cắp lại bị trừng phạt bằng một tội khác lớn hơn: tội hủy hoại nhân cách của một con người.
'Thay vì cảm hóa, người ta đã chọn cách dễ nhất là trừng phạt đứa trẻ mà không nghĩ rằng tổn thương này sẽ theo em suốt đời, không ai có thể lôi những ký ức đau buồn này ra khỏi đầu một đứa trẻ. Trừng phạt sẽ khiến đứa trẻ hoặc co lại, sợ hãi, hoặc sẽ hằn học, thù hận, đấu đá với xã hội, với cuộc đời', ông Dũng nói.