Chàng trai Nùng lan tỏa tình yêu sáo trúc

0:00 / 0:00
0:00
Văn Bảo thường mượn tiếng sáo để trải lòng
Văn Bảo thường mượn tiếng sáo để trải lòng
TP - Yêu tiếng sáo từ thuở chăn trâu, cắt cỏ, chàng trai người Nùng tập tành học cách thổi sáo, chế tác, lan tỏa tình yêu sáo trúc.

Chàng trai ấy là Hoàng Văn Bảo (SN 1986, xã Cư Prông, huyện Ea Kar, Đắk Lắk). Anh Bảo đã có chục năm kinh nghiệm chế tác sáo trúc. Anh cho biết bén duyên với sáo trúc khi còn là một cậu bé chăn trâu, cắt cỏ ở làng quê. Từ đó, cây sáo cứ song hành bên Bảo cho đến khi trưởng thành. “Mình sống nội tâm nên thường mượn tiếng sáo để giãi bày tâm tư, suy nghĩ bản thân. Những lúc vui hay buồn, mình thường mang sáo ra thổi, nhất là những đêm trăng thanh vắng. Thời gian thoi đưa, cuộc sống mưu sinh đè nặng lên vai, song mình vẫn dành thời gian cho tình yêu sáo trúc”, Văn Bảo tâm sự.

Sau những giờ lên rẫy, Văn Bảo lại thổi sáo và học cách chế tác loại nhạc cụ này. “Khi mới tự nghiên cứu chế tác, mình gặp nhiều khó khăn từ khâu chọn trúc, nứa đến cách đo kích cỡ, khoảng cách các lỗ, thẩm âm... Mình phải làm nhiều lần mới thành công”- anh Bảo nhớ lại và cho biết, để làm được cây sáo tốt, người làm cần tìm hiểu rõ bản chất về âm sắc, các yếu tố ảnh hưởng cụ thể, các dòng nhạc, cách điều chỉnh luồng hơi, … Các tài liệu về chế tác sáo trúc không nhiều nên anh chủ yếu vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Lúc đầu anh chỉ làm sáo để thỏa mãn đam mê. Đến năm 2015, khi tay nghề làm sáo được nâng lên, đạt chuẩn âm thanh để hòa tấu, anh chế tác nhiều hơn để phục vụ nhu cầu của những người cùng đam mê. Anh Nông Thanh Long, chủ cửa hàng “Nhạc cụ 63 Phố” ở đường Lê Duẩn, phường Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột) thường xuyên nhập sáo của Văn Bảo cho biết: “Sáo anh Bảo chế tác bền, đẹp, âm thanh chuẩn, được nhiều khách hàng ưa chuộng. Đặc biệt, giá mỗi cây sáo dao động từ vài trăm ngàn đồng tuỳ loại, rất bình dân, phù hợp với túi tiền các đối tượng khách hàng”.

Sáo trúc do anh Bảo chế tác đã có mặt tại nhiều nơi trên cả nước. Anh cho hay, có tháng khách đặt mua cả trăm cây sáo, nên phải làm ngày, đêm mới kịp để giao cho khách. Dù gấp, anh vẫn giữ đúng tiêu chí, đặt chất lượng lên hàng đầu, đó cũng là cách anh thể hiện sự tôn trọng và tình yêu với sáo trúc.

Những lúc ngẫu hứng, Văn Bảo hay quay video cảnh thả hồn theo sáo trúc rồi đăng lên facebook, zalo cá nhân. Hình ảnh làng quê thanh bình hiện lên mộc mạc cùng tiếng sáo réo rắt của chàng trai người Nùng đã thu hút sự chú ý và yêu mến của cộng đồng mạng, nhất là các bạn trẻ. “Cuộc sống hiện đại có nhiều thú vui hấp dẫn các bạn trẻ. Để tiếng sáo không bị quên lãng, mình trực tiếp thổi những bài ca trữ tình rồi phát lên mạng xã hội, góp phần bảo tồn, lan tỏa tình yêu sáo trúc. Thật vui khi nhiều bạn trẻ tương tác với mình”.

MỚI - NÓNG