Chuyện vượt khó làm giàu và mô hình chăn nuôi gà đồi sinh học của chàng nông dân trẻ Nguyễn Văn Nhị nức tiếng ở đất Quảng Trạch, Quảng Trị.
Sinh ra trong gia đình nghèo khó, cơm không đủ ăn, nhà cửa lụp xụp, cậu bé Nhị chỉ học hết THCS rồi rời ghế nhà trường để mưu sinh. Làm quần quật nhưng nghèo đói vẫn bủa vây đã không ngừng hun đúc cho anh tinh thần không ngừng nỗ lực và quyết tâm "làm giàu chính đáng bằng mọi giá".
Năm 2009, anh Nhị được tham gia khóa học đào tạo về vi sinh vật quốc tế ở trường ĐH Nông nghiệp I (nay là Học viện Nông nghiệp). "Trong hai năm vừa học vừa làm ở Hà Nội, một gói mì tôm tôi phải ăn một ngày nghĩa là phải bẻ đôi chia hai bữa, xin cơm nguội của sinh viên và ngủ miễn phí ở dưới chân cầu thang. Mục tiêu của tôi là phải lấy được chứng nhận về vi sinh vật", anh Nhị chia sẻ.
Năm 2012, anh Nhị trở về quê hương và triển khai nuôi Gà đồi sinh học với quy mô nhỏ để tìm hiểu thị trường và lên kế hoạch bắt tay hợp tác với các đối tác tiêu thụ sản phẩm. Với tinh thần quyết tâm không từ bỏ, cùng sự hỗ trợ của T.Ư Đoàn và chủ trương chính sách phát triển kinh tế địa phương, anh đã đứng dậy sau những thất bại và thành công.
Năm 2018, anh Nhị ký kết được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm khá ổn định với đối tác. Đồng thời, anh nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất thành công thức ăn sinh học, hoàn thiện quy trình chăn nuôi Gà đồi sinh học Nhị Nguyễn đạt hiệu quả cao và chính thức mở rộng triển khai mô hình “Liên kết nuôi và tiêu thụ Gà Đồi Sinh Học Nhị Nguyễn” trên địa bàn Quảng Bình.
Đến nay, anh Nhị có tổng hơn 3 vạn gà sinh học, trong đó có một trại chính 4.000 con và hơn 20 trại mô hình liên kết trên địa bàn toàn tỉnh. Anh cho biết, với sản lượng bình quân 4 tấn gà thịt/tháng, xuất ra thị trường cấp cho các đối tác, các cửa hàng thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ ở hầu hết các tỉnh thành từ Hà Nội đến Đà Nẵng, mô hình có tổng doanh thu 6 tỷ đồng/năm, lợi nhuận 480 triệu đồng/năm; tạo việc làm cho 3 lao động thường xuyên với mức lương 8 triệu đồng/tháng, cùng 50 lao động thời mục.
Thêm chương trình, hoạt động cụ thể hóa công tác tài năng trẻ
Anh Nhị cho biết, "Để đạt được những kết quả trên, bên cạnh những khát vọng, những ước mơ làm giàu cháy bỏng của bản thân; từ một nông dân nghèo, bằng cấp không, trình độ chuyên môn không, tôi đã đi lên từ hai bàn tay âm nợ, hành trang để tôi lập nghiệp là hai chữ quyết tâm.
Bên cạnh đó, nhờ sự hỗ trợ của các ban ngành đoàn thể, những định hướng đúng đắn của địa phương, sự bám sát, tạo điều kiện kịp thời của T.Ư Đoàn đã giúp tôi khơi dậy được những khả năng, trí tuệ sáng tạo trong công cuộc sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình và xã hội".
Anh Nhị kỳ vọng: "Thời gian tới T.Ư Đoàn sẽ tổ chức nhiều hơn nữa các diễn đàn, các hội thảo quốc gia, cụ thể hóa công tác tài năng trẻ bằng các chương trình hoạt động; tổ chức nhiều hơn nữa các giải thưởng dành cho các cá nhân tiêu biểu xuất sắc để nhằm phát hiện, chăm lo bồi dưỡng, động viên và phát huy tài năng trẻ nông thôn nói riêng và Việt Nam nói chung".