Tham dự diễn đàn có đại biểu một số bộ, ban, ngành cùng 79 đại biểu về dự Đại hội Tài năng trẻ lần này. Đồng chủ trì diễn đàn gồm 3 Tiến sĩ: Nguyễn Thúy Chinh (Viện Kỹ thuật nhiệt đới, Viện Hà lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Phạm Thị Hồng Hà (Viện Sử học Việt Nam), Phạm Văn Việt (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TPHCM).
Phát biểu đề dẫn, Tiến sĩ Nguyễn Thúy Chinh cho biết, Việt Nam trong bất kỳ giai đoạn lịch sử nào cũng luôn đặc biệt coi trọng vai trò, vị trí của nhân tài đối với sự phát triển quốc gia, chấn hưng đất nước, vì "hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh rồi lên cao, nguyên khí thì thế nước yếu rồi xuống thấp”.
Với vai trò là tổ chức chính trị - xã hội của thanh niên Việt Nam, đại diện chăm lo và bảo vệ quyền lợi chính đáng của thanh niên, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh luôn xác định công tác phát hiện, chăm lo bồi dưỡng và phát huy tài năng trẻ có ý nghĩa chiến lược, tạo nền tảng phát triển đội ngũ nhân tài cho đất nước. Đặc biệt, năm 2009, T.Ư Đoàn đã tổ chức Hội thảo quốc gia “Tình hình tài năng trẻ và công tác tập hợp, kết nối tài năng trẻ Việt Nam” và kế hoạch định kỳ 5 năm tổ chức Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam nhằm đánh giá công tác tài năng trẻ, tuyên dương các tài năng trẻ có thành tích đặc biệt xuất sắc và tổ chức các diễn đàn để các tài năng trẻ đóng góp, thảo luận, hiến kế phát triển đất nước và đề xuất các giải pháp chăm lo, phát triển tài năng trẻ Việt Nam trong từng giai đoạn.
Chia sẻ tại đây, đại biểu Phan Duy Anh (Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TPHCM) cho rằng, một người được coi là nhân tài không phải chỉ do có phẩm chất, năng lực gì, mà quan trọng hơn, là phẩm chất và năng lực ấy có được thể hiện trong những việc ích quốc lợi dân hay không. Nếu có năng lực mà không làm được những việc có lợi cho dân, cho nước, thì không đủ để được coi là nhân tài.
Theo đại biểu Duy Anh, để hoàn thành tốt công tác đào tạo nhân tài cần phải xác định rõ mục tiêu đào tạo. Mục tiêu đào tạo nhân tài là học thức, đạo đức, tác phong và năng lực công tác. Nhằm thực hiện tốt những mục tiêu này, cần có nội dung đào tạo, huấn luyện trước hết phải thiết thực, cơ bản, toàn diện trong việc trang bị kiến thức, kĩ năng và thái độ. Muốn dùng nhân tài đúng trước hết phải phụ thuộc vào người cán bộ lãnh đạo quản lý.
Tại diễn đàn, Tiến sĩ Nguyễn Thị Trang (Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính, Học viện Hành chính Quốc gia, Bộ Nội vụ) đã đề xuất 2 nhóm giải pháp chăm lo, bồi dưỡng và phát huy tài năng trẻ trong giai đoạn 2020-2025 của ngành Nội vụ và của Việt Nam.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Trang, cần chú trọng công tác phát hiện tài năng trẻ từ thực tiễn nền giáo dục và thực tiễn hoạt động tuyển dụng. Tài năng của con người có thể hình thành qua quá trình học tập mà nên hoặc là thiên bẩm. Như vậy, việc phát hiện tài năng trẻ có thể thực hiện từ rất sớm ngay từ giáo dục mầm non. Nếu các em nhỏ được phát hiện tài năng và có chương trình giáo dục hợp lý sẽ kích thích sự sáng tạo, tư duy tạo tiền đề cho các em phát huy tài năng.
Bên cạnh đó, cần đảm bảo cơ chế đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ theo đặc thù riêng. Tránh tình trạng đào tạo lệch chuẩn (có năng khiếu mà thiếu văn hóa và ngoại ngữ), chú trọng phát hiện bồi dưỡng và phát huy tài năng tại các vùng sâu, vùng xa. Mặt khác, cũng cần có cơ chế đãi ngộ đối với những tài năng “không còn trẻ” như các vận động viên đã từng có những cống hiến lớn cho đất nước nay đã giải nghệ do tuổi tác hoặc chấn thương…
Tham dự diễn đàn, đại biểu Vũ Thu Thảo (Sinh viên Học viện Chính sách và Phát triển) đưa ra một số kiến nghị như các cấp bộ Đoàn chủ động tham mưu, trao đổi với các đơn vị đang quản lý tài năng trẻ để hỗ trợ, đầu tư điều kiện học tập, công tác phù hợp với chuyên môn, giúp tài năng trẻ tiếp tục phát triển. Tổ chức các diễn đàn, đối thoại chuyên sâu, tạo môi trường để các tài năng trẻ, nhà khoa học trẻ phát huy trí tuệ và sức lực, thể hiện trách nhiệm trong việc giải quyết các vấn đề lớn của đất nước. Tổ chức Đoàn trực tiếp tuyển dụng các tài năng trẻ vào các vị trí phù hợp trong hệ thống; chủ động giới thiệu tài năng trẻ để các cơ quan, đơn vị tuyển dụng.