Đất lành chim đậu
Đang kinh doanh tại thành phố Đà Lạt, nhưng khi đãi tiệc để cảm ơn nhóm khách hàng thân thiết, chị Võ Thu Hương (chủ khách sạn Tulip xanh) lại đưa mọi người vào tận quán K’Be Wood Fired Pizza & BBQ ở huyện Lạc Dương, cách trung tâm thành phố mười mấy cây số.
Chủ quán là James Reelick, cao lênh khênh và trông khá trẻ so với tuổi 54 của mình. Ông đội mũ cao bồi, mặc áo kẻ caro, quần jeans wax. Reelick sinh ra và lớn lên ở bang Connecticut - nơi có thu nhập bình quân đầu người và chỉ số phát triển con người cao nhất nước Mỹ. Ông nói từng làm việc trong công ty chuyên trồng hoa của gia đình sau khi tốt nghiệp đại học ngành thảo mộc. Sau đó học thêm về xây dựng và chuyển sang làm việc cho một số công ty bất động sản. Mê leo núi, Reelick rong ruổi qua nhiều nước rồi đến Việt Nam, mạo hiểm chinh phục những đỉnh cao dọc dài nước ta.
“Đường lên các đỉnh núi Bidoup, Lang Biang… ở Lạc Dương, Lâm Đồng là tuyệt vời nhất, bởi không khí trong lành, gió cao nguyên lồng lộng và cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Cồng chiêng, rượu cần và thức ăn cũng rất đặc sắc, hiếm nơi nào sánh được. Người dân hiền lành, thân thiện. Đây còn là nơi khởi thủy của Đà Lạt - vùng đất có khí hậu mát lành và đậm phong cách văn hóa Tây phương nhất Việt Nam”, Reelick giải thích lý do ông bám trụ vùng đất này suốt mấy năm qua.
Còn một lý do đặc biệt nữa. Đó là cũng trên đỉnh Lang Biang huyền thoại, ông tìm thấy nửa kia của cuộc đời mình - chị Nguyễn Thị Liên. Reelick bảo cuộc gặp gỡ định mệnh với Liên càng khiến ông gắn bó với vùng đất này, không muốn rời xa. Họ đã có với nhau bé gái xinh xắn, đáng yêu Reelick Nguyen Ann Trưng. “Khi tìm hiểu về lịch sử và văn hóa Việt Nam, anh ấy rất nể phục hai nữ anh hùng Trưng Trắc và Trưng Nhị nên quyết định đặt tên con như vậy”, chị Liên vui vẻ kể.
Khi quyết định chọn buôn làng của người K’Ho dưới chân núi Lang Biang làm quê hương thứ hai, Reelick đã thử làm nhiều nghề để kiếm sống nhưng đều thất bại. Sau đó, ông cùng già làng Krajăn Plin rong ruổi khám phá các buôn làng Tây Nguyên, thưởng thức đủ món nướng từ thịt, cá đến rau, củ. “Thật không thể tưởng tượng khi cơm được nấu bằng cách cho gạo nếp vào ống nứa rồi nướng trên bếp than hồng. Cháo và canh rau cũng được nấu theo cách tương tự nên có hương vị đặc biệt không lẫn vào đâu”, Reelick tấm tắc khen.
Mê mẩn các món nướng độc đáo của người K’Ho, Reelick chợt nhớ đến cái lò nướng pizza bằng gỗ mà ông từng nhìn thấy khi nghỉ ở Mỹ. Ông liền bỏ ra mười mấy triệu đồng, tự tay thiết kế, xây dựng lò nướng hình trụ, cao chừng 3m bằng tôn, thiếc và gạch chịu nhiệt. Gần đỉnh lò, ông treo đầu trâu với cặp sừng cong vút như cách trang trí thường thấy ở quán ăn tại các thị trấn trong phim cao bồi miền viễn Tây. Lò được làm nóng bằng cách đốt củi trong buồng. Trong lò luôn có mấy hòn than đỏ; khi mở cửa để bỏ các thanh củi vào thì gió cũng ùa vào thổi bùng lên ngọn lửa, không phải thổi lửa cực nhọc.
K’Ho hóa món ăn Âu-Mỹ
Khi chị Hương hào hứng gọi món pizza, tôi hơi thất vọng vì sợ rằng sẽ phải đợi lâu trong khi bụng đói cồn cào. Tuy nhiên, cái cách Reelick nhồi bột mì rồi dùng tay khéo léo kéo bột và dàn đều đế bánh thành hình tròn dẹt trên không như làm xiếc đã cuốn hút tôi. Ông đặt bánh bột mì vào khay inox, rưới một ít dầu ô liu rồi nước sốt cà chua lên mặt bánh, sau đó xếp cà chua, hành tây, phô mai mozzarella (làm từ sữa trâu) và húng quế lên, rắc một ít lá oregano thái nhỏ, sấy khô để pizza có hương vị đặc trưng. Reelick cho biết, chiếc bánh vừa nướng được làm theo khẩu vị người Mỹ.
Tuy nhiên, ông còn có nhiều biến tấu để hợp khẩu vị khách hàng đến từ các nước khác mà vẫn đúng chất pizza. Người Âu thường đề nghị cho thêm xúc xích, cá hồi hun khói, người Việt thích nấm, hải sản, ớt Đà Lạt, còn người K’Ho thích thịt heo hun khói… Reelick cũng là người đầu tiên ở thị trấn miền núi Lạc Dương bán bánh giao tận nhà. “Thành phố New York của chúng tôi trở thành nơi tiêu thụ pizza lớn nhất thế giới một phần là nhờ tiện ích của việc giao bánh tận nhà”, ông hào hứng nói.
Nhiệt độ trong lò rất cao, có thể lên đến 300 - 400 độ C, nên chỉ sau vài phút là bánh chín đều, bề ngoài khô và dẻo, các loại thực phẩm giữ nguyên màu sắc, hương vị. Ổ bánh được đặt trên một miếng gạch để giữ nhiệt. Chị Hương, người từng thưởng thức pizza tại Mỹ, Úc và một số nước khác, khen mềm, thơm, hợp khẩu vị hơn ở các nước khác vì được bổ sung nguyên liệu Việt.
Đôi vợ chồng Mỹ-Việt tâm sự, chính họ cũng không ngờ loại bánh đặc thù văn hóa Âu - Mỹ lại sớm trở thành món khoái khẩu ở thị trấn miền núi còn khá hoang sơ này. “Văn hóa có thể khác nhau, nhưng quê hương tôi và quê hương bạn đều trên con đường hội nhập vào thế giới rộng lớn”, Reelick lý luận. Chị Liên giải thích đơn giản hơn: “Thị trấn này có nhiều khách du lịch trong và ngoài nước và họ rất thích pizza. Có lẽ vì thế mà kích thích tò mò và tạo nên sự cộng hưởng với người địa phương chăng? Người địa phương thân mật gọi James là ông Tây pizza và anh ấy rất thích biệt danh này”.
Ngoài pizza, Reelick còn chế biến một số món nướng từ bò, dê, gà, heo thả rông của người K’Ho, đặc biệt là thịt hun khói. Nhờ lò nướng và bí quyết tẩm ướp gia vị nên các món ăn có mùi vị lạ, hấp dẫn. Thấy cả con heo khoảng 30kg được quay vàng ươm trong lò, chúng tôi liền gọi món này, nhưng Reelick lắc đầu. “Khách hàng đặt mua nguyên con rồi”, ông giải thích. Món khoai tây nướng của cũng rất ngon: thơm thơm, bùi bùi, đậm đà. “Rửa sạch củ khoai, để nguyên vỏ luộc chín rồi tẩm một số loại gia vị xung quanh củ khoai, sau đó cho vào khay đút lò nướng thêm vài phút”, Reelick chia sẻ kinh nghiệm.
Tên quán ăn của James khá dài; người dân trong vùng chỉ gọi là quán K’Be nghe rất gần gũi. James cho biết chữ “K’” thường được dùng để gắn với tên người K’Ho, còn chữ “Be” là cách mà người nước ngoài gọi chung những loại thịt có thể nướng ở Việt Nam. Cái tên ấy cũng góp phần giúp cặp vợ chồng Việt - Mỹ hòa nhập đời sống của người bản địa và chiếc lò nướng độc đáo mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình 5 người của họ, kể cả hai con riêng của chị Liên.
Reelick còn dựng 2 nhà sàn và 1 nhà dài theo kiến trúc truyền thống của người K’Ho làm nơi dừng chân cho khách; đồng thời mở thêm dịch vụ cắm trại, homestay. Những ngôi nhà tranh vách nứa nhỏ bé cùng vườn rau, giàn bầu, chuồng heo xung quanh và cách tiếp đón xởi lởi, mộc mạc của vợ chồng ông khiến chúng tôi có cảm giác như đang ở trong làng của người bản địa. Khách ruột của Reelick là các nhóm phượt, CLB môtô và người nước ngoài. Sau khi thưởng thức những món ăn ngon miệng, khách mặc sức tham quan, chinh phục các đỉnh núi cao nhất Nam Tây Nguyên như Bidoup 2.287m, Lang Biang 2.167m; giao lưu văn hóa cồng chiêng…