2022 là năm biến động của tổ chức Miss Universe (MU). Cuộc thi sắc đẹp lần đầu bán cho người nước ngoài sau 70 năm do người Mỹ làm chủ. Dùng hơn 20 triệu USD để tiếp quản MUO, chưa đầy nửa năm, bà Anne Jakrajutatip đưa ra nhiều chính sách để thu hồi vốn và thu lợi, mở đầu bằng chiến lược yêu cầu các nước đấu thầu để giành quyền cử đại diện đến Hoa hậu Hoàn vũ. |
Chính sách của bà Anne khiến nhiều giám đốc quốc gia, đơn vị từng nắm giữ bản quyền Miss Universe ở các nước bất bình. Hiện, Việt Nam, Mauritius, Seychelles, Ghana đều tuyên bố không cử đại diện đến Hoa hậu Hoàn vũ. Puteri Indonesia - đơn vị nắm giữ MU suốt hai thập kỷ - dù yêu cầu nâng giá gấp 10 lần năm 2022 vẫn mất bản quyền vào tay công ty khác. Trên mạng xã hội, khán giả gọi bà Anne là "khắc tinh" của các giám đốc quốc gia, áp lực phải thật nhiều tiền mới nắm được bản quyền, mặc kinh nghiệm tổ chức và thời gian gắn bó. |
Một số người cho rằng Anne Jakrajutatip vốn là doanh nhân, việc bỏ ra 20 triệu USD mua lại tổ chức đang trên bờ vực xuống cấp là quyết định táo bạo, trong khi Miss Universe dưới sự điều hành của IMG đang thua lỗ. Chiến lược mới để kiếm tiền là bước đầu mang đến lợi nhuận cho tổ chức. |
Theo Guardian, Anne Jakrajutatip lớn lên trong gia đình trung lưu. Do nữ tính từ nhỏ, cô thường xuyên bị bắt nạt và kỳ thị, bị quấy rối tình dục. Sau khi đọc bài báo về Oprah Winfrey - tỷ phú từng bị lạm dụng tình dục, lớn lên ở khu ổ chuột - Anne nhận thấy truyền thông và kinh doanh là con đường duy nhất giúp cô được tôn trọng. |
"Đạt được danh tiếng và trở thành doanh nhân là lối thoát duy nhất để người chuyển giới như tôi được tôn trọng. Trong mắt người khác, tôi là kẻ kỳ lạ. Để được xem trọng, tôi phải thành công", Anne chia sẻ với Guardian. |
Sau nhiều năm, Anne phấn đấu và mở công ty truyền thông nổi tiếng ở Thái Lan. Bà còn là ngôi sao truyền hình thực tế, nhà hoạt động vì quyền phụ nữ chuyển giới. Sau khi mua lại Miss Universe, Anne nói bà muốn thay đổi tất cả. Kỷ nguyên đàn ông làm chủ tổ chức đã chấm dứt. Bà là người mở ra thời kỳ Hoa hậu Hoàn vũ do phụ nữ làm chủ sau 71 năm. |
Sau khi tiếp quản Miss Universe, bà Anne mở rộng phạm vi thí sinh, lần đầu cho phép phụ nữ đã kết hôn và sinh con tham gia. Nữ tỷ phú chuyển giới cho biết Miss Universe là chương trình có đến 70-80% là khán giả nữ, người thuộc cộng đồng LGBTQ+ quan tâm và ủng hộ. |
Anne Jakrajutatip cho biết bà sẽ thay đổi khi nắm Miss Universe. Sẽ không ai bị bỏ lại phía sau dù là nam giới hay phụ nữ. "Tôi có trách nhiệm bảo vệ thí sinh, đặc biệt là đội ngũ trong hậu trường. Bất kỳ bạn là ai, dù là đàn ông, phụ nữ, người thuộc cộng đồng LGBTQ+, mọi cáo buộc, quấy rối sẽ hoàn toàn không xảy ra trong thời kỳ Miss Universe do tôi nắm quyền. Nếu có có, tôi sẽ làm đến cùng", bà giải thích. |
Anne Jakrajutatip cũng khẳng định Miss Universe không coi thường phụ nữ hay để mua vui cho đàn ông. "Cuộc thi sẽ nâng cao tinh thần, trao quyền cho phụ nữ. Họ sẽ nâng cao tiếng nói của mình thông qua trí tuệ và sắc đẹp. Việc diễn đồ bơi trên sân khấu để chứng minh rằng họ tập luyện, chăm sóc bản thân thế nào. Trong thời đại của mình, tôi sẽ khiến Miss Universe thành công. Bạn biết đó tôi không hề ngậm thìa vàng, tôi đã làm việc cật lực để đó được hôm nay", Anne nói thêm. |
Tuy nhiên, với một số người, chiến lược muốn vực dậy Miss Universe của Anne Jakrajutatip đang đi quá nhanh và xảy ra một số vấn đề. Đơn vị giữ bản quyền Hoa hậu Hoàn vũ tại Việt Nam cho rằng định hướng kinh doanh mới của bà Anne không phù hợp với tổ chức, trong khi giám đốc quốc gia của Mauritius, Seychelles và Ghana đều từ bỏ vì cảm thấy không được tôn trọng vì bà Anne xem đồng tiền lớn hơn mối quan hệ nhiều năm. Hiện nữ tỷ phú chưa lên tiếng về việc chỉ đưa bản quyền cho công ty có nhiều tiền hơn. Ngày 24/2, bà Anne sang Việt Nam để ra mắt đơn vị mới vừa đàm phán thành công bản quyền Miss Universe Vietnam 2023. |