Chấm dứt tiêu hoang

Chấm dứt tiêu hoang
TP - Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ cuối tuần qua, những áp lực mới, những kịch bản tăng trưởng đối với từng bộ, ngành, lĩnh vực và cả những vướng mắc cùng các biện pháp tháo gỡ… được các thành viên Chính phủ bàn tính chi tiết.

Thông điệp xuyên suốt tại nhiều kỳ họp của Chính phủ, bộ, ngành thêm một lần nữa được Thủ tướng Chính phủ nhắc lại: Tập trung tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí cho doanh nghiệp, hỗ trợ kịp thời cho sản xuất, nhất là phí, thuế, tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại…

Sau 7 tháng đầu của năm, hầu bao ngân sách trung ương đã bội chi hơn 87.000 tỷ đồng với tổng chi ngân sách luỹ kế sau 7 tháng ước khoảng hơn 695.000 tỷ đồng. Nhìn vào các con số có thể thấy gánh nặng trả nợ tiếp tục đè nặng lên ngân sách. Sau 7 tháng, chi tiêu thường xuyên tiêu tốn 511.290 tỷ đồng, trong khi các khoản chi cho đầu tư phát triển đạt gần 120.000 tỷ đồng.

Dù chiếm số tiền không lớn nếu so với tổng số tiền chi nhưng khoản tiền chi trả nợ, lãi vay lên tới 62.290 tỷ đồng (khoảng gần 3 tỷ USD) là con số khá lớn trong bối cảnh có tổng cộng 20 tỉnh, thành báo cáo thu chưa đảm bảo tiến độ dự toán năm. Tính bình quân, mỗi tháng ngân sách phải dành gần 9.000 tỷ đồng để trả nợ cũng là một áp lực khá lớn với Bộ Tài chính trong việc đảm bảo nguồn thu để đáp ứng chi tiêu của quốc gia.

Lời khẳng định “Thủ tướng không yêu cầu ép sản xuất bằng mọi giá để thua lỗ” đi kèm một loạt chỉ đạo về điều hành chính sách tiền tệ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giảm thuế phí, cải cách thủ tục hành chính… cho thấy quyết tâm lớn của Chính phủ trong việc tạo dựng môi trường kinh doanh mới, thuận tiện hơn cho doanh nghiệp. Đề bài đã được chỉ rõ, giờ chỉ là thời điểm hành động. Việc xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ, thu hồi tài sản nhiều nghìn tỷ đồng vốn nhà nước bị thất thoát hoặc bị chôn vùi trong các dự án thua lỗ của ngành công thương và các ngành khác sẽ là giải pháp đi kèm việc Chính phủ phải tính tới việc chặt chẽ hơn nữa trong quản lý chi tiêu. Việc Chính phủ, bộ ngành “thắt lưng buộc bụng” để dành tiền cho thúc đẩy kinh tế và cả trả nợ là việc được nhiều nước trên thế giới thực hiện trong từng giai đoạn. Việc chấm dứt chi tiêu hoang, quản chặt chi tiêu công sẽ giúp đất nước, ngân khố không bị thâm thủng vì những thói quen ném vào các dự án “khủng” của những quan chức “sâu mọt” như từng xảy ra trước đây ở nhiều lĩnh vực ngành công thương thời gian qua.

MỚI - NÓNG