Và đây không phải là trường hợp cá biệt, nếu không muốn nói là tương đối phổ biến. Không chỉ ông phó chủ tịch xã mà ngay từ cấp thấp nhất trong hệ thống hành chính của xã hội ta là ông trưởng khối phố hay trưởng thôn, chuyện tương tự hằng ngày vẫn xảy ra. Nếu gia đình anh không đóng đủ các khoản đóng góp, thậm chí trong đó không ít khoản được coi là “tự nguyện” (ủng hộ người nghèo, phòng chống bão lụt, an ninh trật tự…) thì kiểu gì khi cần xác nhận của trưởng thôn hay trưởng khối phố cũng hoặc là phải đóng đủ những khoản “còn thiếu” hoặc sẽ bị gây khó dễ.
Không bàn đến số tiền gia đình cô gái phải đóng là to hay nhỏ, việc “bút phê” mang tính “trừng phạt” của ông phó chủ tịch xã đã phản ánh tư duy quản lý của nhiều “công bộc” . Có lẽ trong một bộ phận cán bộ, nhất là cán bộ hành chính, thường xuyên tiếp xúc với dân, công việc của họ mang tính ban phát bởi họ đang “làm quan” thay vì làm “công bộc” của dân. Khi “hệ quy chiếu” của cán bộ được định hướng theo tư duy ban phát, xin-cho, quyền lực thay vì phục vụ, kiến tạo thì hành vi của cán bộ khó mà chuẩn mực, đúng đắn.
Điều đáng ngại là trong khi chính quyền ở cấp trung ương đang quyết liệt thúc giục cho một hệ thống chính quyền kiến tạo, chính quyền đúng nghĩa “công bộc” thì tinh thần này dường như chưa thực sự lan tỏa đến các cấp thấp hơn. “Chính phủ thông minh”, “chính phủ điện tử”, “công nghiệp 4.0”… sẽ chỉ là những mỹ từ nếu tinh thần kiến tạo, tư duy làm bệ đỡ cho mọi sự phát triển, tinh thần phục vụ của hệ thống công quyền không thấm nhuần xuống tận những cán bộ ở cấp cơ sở nhỏ nhất. Chính phủ điện tử, chính phủ thông minh hay gì đi nữa đều hướng tới một mục đích là phục vụ người dân, phục vụ xã hội tốt hơn. Và nếu tư duy này thường trực trong đầu ông phó chủ tịch xã nọ thì chắc chắn sẽ không có những dòng bút phê vô lối và vô cảm như vậy.