'Chai thơ', 'áo thơ' và những dải lụa thơ

200 câu thơ chọn lọc được viết lên những dải lụa. Ảnh: Nhụy Nguyên
200 câu thơ chọn lọc được viết lên những dải lụa. Ảnh: Nhụy Nguyên
TP - Những giải lụa thơ, "áo thơ", "chai thơ", những "Vườn thi ca" và Đêm Thơ Hoàng Cung... đã trở thành nơi thơ ca thăng hoa, kết tụ giữa thi nhân và bè bạn.

Hưởng ứng Festival Huế, "Vườn thi ca" là một chương trình sắp đặt ấn tượng diễn ra tại công viên Tứ Tượng, từ ngày 16 đến 19/4 (thêm một chương trình thơ cũng diễn ra tại đây vào chiều ngày 19). Đây là sự giao hòa của khoảng 200 câu thơ chọn lọc từ tuyển tập "700 năm thơ Huế” và trên Tạp chí Sông Hương, thơ vừa sáng tác của nhiều tác giả trong nước.

Triển lãm thủ bút xuất phát từ ý tưởng của nhà thơ Hải Trung. Cách dăm năm về trước, Hải Trung đã chọn thơ do chính các tác giả tự viết trên giấy, sau đó scan, vào vi tính trình bày thành một trang thơ dành cho số báo Xuân Thừa Thiên - Huế, khá ấn tượng. Phát triển không gian này, anh đã dùng thủ bút của các nhà thơ xứ Huế in lên từng tấm lớn triển lãm tại tòa soạn Tạp chí Sông Hương.

Festival Huế 2014 lần này ý tưởng đó được nâng lên với hàng trăm tấm vải lụa nhiều màu: trắng, hồng, xanh nhạt, khổ 50cm x 1,5m được tự tay mỗi tác giả viết bằng bút lông với mực tàu, treo phất phơ ở công viên Tứ Tượng trong 4 ngày. Tứ Tượng là công viên nhỏ khá lãng mạn có nhiều cây cổ thụ, mùa hè vẫn xanh mát; cạnh bên là đường phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu lung linh về đêm và thật đẹp khi mở góc nhìn về phía cầu Trường Tiền mỗi sáng mù sương. Đây là một không gian thực sự có duyên với thơ.

'Chai thơ', 'áo thơ' và những dải lụa thơ ảnh 1
'Chai thơ', 'áo thơ' và những dải lụa thơ ảnh 2

200 câu thơ chọn lọc được viết lên những dải lụa. Ảnh: Nhụy Nguyên

Festival những mùa trước đã có cuộc sắp đặt thơ; rồi nhân kỷ niệm 30 năm Sông Hương ra số báo đầu tiên, anh em tòa soạn mượn ý tưởng "Áo thơ" của nhà thơ Lê Huỳnh Lâm tại đây.

Ý tưởng ban đầu của tác giả là thơ viết trên áo giấy, sau đó căng áo trên những thanh tre hình thập giá ghép thành hình chim lạc, chỉ tưởng tượng cũng thấy chất phù du, huyền ảo. Lúc triển khai Ban tổ chức quyết định viết thơ trên áo phông, để tác giả có cái lưu làm kỷ niệm... Nhớ có một kỳ Festival khác, thơ được viết và cuốn lại bỏ vào chai treo lơ lửng giữa trời; phải khó lắm mới khèo ra được, vậy mà sau một ngày đêm, nửa số chai chỉ còn xác vô hồn.

"Thủ phạm" phần nhiều là nam thanh nữ tú. Tôi từng chứng kiến một đôi nam nữ, cô nàng bảo em thích bài thơ này; giữa trời nắng như nung, anh chàng dùng cái que khèo cả tiếng đồng hồ mới lấy ra được để tặng người yêu. Cũng dễ thương đấy chứ. Sợ mất Áo thơ, và sẽ rất khó khăn để treo lại những chiếc áo đúng hình chim lạc, anh em phải trực đêm để giữ nguyên hiện trường.

Thơ đã khoác một tấm áo "bình dân" hơn để hòa nhập vào công chúng, cũng không vì thế mà giảm đi thần sắc giữa phù hoa đô hội.

Một đêm dài, với nhiều khuôn mặt thân quen chuyện trò đến khuya, vài ly rượu nồng rồi lăn ra ngủ giữa tiếng muỗi vo ve, và gió từ Sông Hương lùa vào se lạnh... Chiều hôm sau, lễ bế mạc vừa xong, những chiếc áo được gỡ xuống, tác giả người lưu giữ, người thì lấy đó làm quà tặng cho đối tượng tri âm. Tôi may mắn lọt vào tay tấm áo có câu thơ của Trịnh Công Sơn: “Áo xưa dù nhàu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau"; có lẽ là câu ý nghĩa nhất trong gần hai trăm câu thơ khác.

Để có những dải lụa thơ treo ở công viên Tứ Tượng những ngày này, ở tòa soạn luôn để sẵn mực tàu bút lông, phông cũng được căng để làm nền cho những dải lụa, tác giả nào đến chơi hoặc sáng sáng cà phê ở quán ngay cạnh liền được mời vào tự biên tự diễn, thỏa sức sáng tạo từ thơ của mình.

Thời @ bàn phím, lâu lâu có người chữ đẹp hào hoa liền bị giữ lại nhờ viết thêm những câu thơ mà tác giả hoặc đã mất, hoặc không thể đến Huế tham dự mùa thơ lần này. Có người đã a lô nhờ bạn, xong nghe bảo thằng ấy "viết như gà bươi..." liền đổi ý tìm người khác; có người thì ngược lại, bảo "mày viết cho tao, chữ ra sao cũng được, thơ hay mà ngại gì... Hi.". Nhiều họa sĩ cũng "bay vào" dùng bút lông tung tẩy, cả minh họa bên những nét chữ.

Buổi treo đầu tiên, sáng sớm, nhiều người thong dong thể dục đã đứng lại lần lượt đọc những câu thơ trong sự thú vị, đôi khi phải chau mày mới lần ra nghĩa, bởi ngoài kiểu ngắt dòng "tùy tiện" ra, nét chữ của mỗi tác giả xấu đẹp khác nhau. Chiều khai mạc, đông đảo văn nghệ sĩ đến dự trong nỗi hân hoan; nhiều người dắt tay người thân đến chỉ câu thơ của mình; có người từ xa đến Huế, cứ ngẩn ngơ lạc giữa vườn thơ...

Nhắc đến chương trình thơ Huế không thể bỏ qua Đêm Thơ Hoàng Cung - chương trình sớm trở thành đặc sản văn hóa tinh thần của giới văn nghệ sĩ Huế. Đêm thơ đầu tiên diễn ra vào trung tuần tháng 4/2007, nhân hưởng ứng "Ngày thơ Việt Nam" với một sân khấu trang nhã với chiếc quạt lớn làm nền... Chương trình thơ từ đó được tổ chức đều đặn, khi là giới thiệu một tác giả cận đại gắn bó sâu đậm với Huế nhân dịp sinh nhật, một tác giả là hội viên đang sinh hoạt, hoặc theo chủ đề... Ấn tượng nhất là ở "chiếu thả thơ".

Mô phỏng không gian cụ Nguyễn Tuân đã miêu tả rất chi tiết trong truyện ngắn, một số người am hiểu được giao nhiệm vụ thiết kế sân khấu cho phù hợp, nhất là viết kịch bản... Từ các nhà thơ cao niên cho tới giới thơ trẻ đều hào hứng tham gia mà không ngại "dốt". Thơ được chọn rất phong phú và phần nhiều là những câu thơ hay của vua, hoàng thân cho đến các tác gia như Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Huy Cận...

Thật khó nơi nào đẹp và ý nghĩa hơn khi tổ chức đêm thơ trước sân điện Thái Hòa. Một không gian mênh mông, thoáng mát, gợi nhiều xúc cảm với người dự thính. Hơn thế, Điện Thái Hòa là nơi "trưng bày" đến 191 bài thơ Hán cổ một cách trang trọng và đến nay vẫn là một di sản tinh thần quý giá. Thơ xưa hòa quyện thơ nay, thơ hòa quyện với nhạc, giọng ngâm du dương khiến Cố đô như được sống lại thời khắc thanh khiết nhất của vương triều...

MỚI - NÓNG