Bố mẹ cần kiên trì?
Có con vừa vào lớp 1 của trường tư ở khu vực quận Cầu Giấy, vợ chồng chị Nguyễn Thị Giang, (Hoàng Mai, Hà Nội) không yên tâm để con tự học nên đều cắt cử nhau học cùng với con làm bài tập buổi tối ở nhà. Con viết chậm, cộng với việc vừa tập viết chữ, làm bài môn Toán, tiếng Anh, nếu không ngồi cùng con thì con không chịu làm bài.
Chị Giang cho biết, dù rất muốn con tự ngồi bàn, tự học, tự làm bài và bố mẹ chỉ soát bài xem con làm đúng chưa nhưng nếu không ngồi cùng thì đến 10h đêm còn không xong. Chưa kể, làm bài xong con không nhớ cất bài, hôm sau lại bị bêu lên sổ đầu bài ở lớp.
Trái ngược với chị Giang, nhà chị Nguyễn Thùy Linh ở Láng Hạ có con học ở trường tiểu học Thành Công (Hà Nội) cho rằng, việc học là việc của con và chấp nhận con có thể viết xấu, làm bài sai hay bị nêu tên trước lớp.
“Việc để con tự học bài, tự soạn bài vở mang đi là tôi quan điểm muốn con có ý thức làm việc và việc gì cũng làm đến nơi đến chốn thì khi học hành, con cũng rất trách nhiệm và tận tâm. Chứ ngồi học với con thì kết quả sẽ tốt hơn, nhưng mà con dễ ỷ lại”- chị Linh nêu quan điểm.
Cô Đỗ Thùy Dung, giáo viên dạy Hóa- Sinh của trường THCS ở Hoài Đức, Hà Nội cho biết, chị cũng có hai con đang học cấp 1 và cấp 3. Tuy nhiên, chị đã phải rèn con tự học bài, làm việc nhà ngay từ bé.
“Việc để con mới vào lớp 1 vừa bỡ ngỡ phải tự học cũng là cách dạy con chịu trách nhiệm, sống và làm việc có trách nhiệm. Tôi cho rằng việc vô cùng quan trọng đòi hỏi sự kiên trì của bố mẹ từ ngày đầu tiên con chào đời. Thậm chí, chấp nhận con điểm không cao, bài làm không tốt bằng bạn có bố mẹ kèm cặp khi học tối ở nhà, nhưng tôi chấp nhận”- chị Dung nhấn mạnh.
Chuyên gia 'mách nước': Đừng chạy theo con để làm hộ con
Vậy làm thế nào để đến giờ học, trẻ tự giác ngồi vào bàn khi học? Việc này tưởng dễ mà làm đau đầu không ít các bậc phụ huynh.
TS Vũ Thu Hương, một chuyên gia giáo dục độc lập độc lập cho rằng, việc dạy con có tinh thần trách nhiệm cần thực hiện ngay từ khi còn nhỏ.
TS Hương cho rằng, khi con còn nhỏ, cha mẹ cần phải yêu cầu con tự làm chứ không phải chạy theo mà làm hộ con.
Mặt khác cũng theo TS Hương, khi con bắt đầu đi học mầm non, từ việc mặc quần áo, xỏ dép, đeo balo, cha mẹ hãy để con tự làm. Trách nhiệm của chính con, hãy để con tự mình gánh vác. Việc cha mẹ (hoặc ông bà) luôn làm hộ con những điều rất nhỏ nhặt như vậy không phải là thương con, yêu con mà là chưa làm tốt trách nhiệm dạy dỗ con.
Ngoài ra, cũng theo vị chuyên gia này, khi con vào trường tiểu học, cha mẹ đừng cho con học trước để con có ưu thế hơn với bạn bè. Tham gia vào cuộc cạnh tranh công bằng (dù con có thiệt hơn các bạn học trước 1 tí) cũng là để con làm quen với xã hội tương lai (vốn đã thiếu công bằng). Con chiến đấu hết mình và thành công, đấy là mục tiêu cần cố gắng chứ không phải là con cần có điểm số đẹp hơn hay lời phê hay hơn các bạn khác.
“Khi con đi học tiểu học, dù là xếp sách vở, gọt bút chì, mặc đồng phục, hay làm bài tập cô giao, cha mẹ hãy để con tự làm và tự chịu trách nhiệm nếu hoàn thành không tốt. Nếu cô giáo phạt, đừng xin xỏ, hãy để con tự trả giá với các hành vi do chính mình gây ra. Đây chính là cách hay nhất để con nhận thức trách nhiệm của bản thân và thực hiện mọi việc cho tốt”- vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Chị Lê Thu Hà, người có nhiều bài viết, sách chia sẻ về quá trình dạy con tư vấn, cha mẹ nên rèn nếp học cho con từ nhỏ. Cha mẹ quy định đến giờ con phải ngồi vào bàn học, cất hết đồ chơi đi để trẻ tập trung.
Cũng theo vị phụ huynh này, thời gian đầu, cha mẹ có thể cùng chơi, cùng đọc sách, cùng học, khuyến khích con khám phá những cái mới. Điều quan trọng là cha mẹ phải xác định được điểm mạnh, điểm yếu của con.