Cha mẹ phân vân chuyện tiêm vắc-xin cho con

Cha mẹ phân vân chuyện tiêm vắc-xin cho con
'Được tư vấn kỹ nhưng em vẫn rất lo. Mẹ chồng và mẹ đẻ đều bảo nguy hiểm lắm, không nên tiêm', chị Quỳnh Vân đắn đo.

Sau khi xảy ra sự việc ba trẻ sơ sinh tại Quảng Trị tử vong chỉ sau ít phút được tiêm văcxin viêm gan B, nhiều bà mẹ tỏ ra lo lắng, ngần ngại khi quyết định có cho con tiếp tục tiêm chủng hay không. Nếu không tiêm ngừa thì lo lắng con sẽ nhiều nguy cơ mắc bệnh, còn nếu tiêm thì lại sợ các biến chứng khó lường có thể xảy đến. Chọn lựa thế nào cho hợp lý là bài toán khiến nhiều bậc cha mẹ đau đầu.

Cha mẹ phân vân chuyện tiêm vắc-xin cho con ảnh 1

Trong các ý kiến trái chiều về chuyện tiêm văcxin hay không, có rất nhiều người ủng hộ nên tiêm, nhưng phải lựa chọn loại thuốc tốt, nhập ngoại dù giá thành cao, chứ không phải là những loại thuốc miễn phí, tiêm tại phường hoặc các cơ sở y tế nhỏ. Nhưng ngược lại cũng nhiều người cho rằng, nếu cha mẹ không mắc bệnh, cụ thể là viêm gan B, thì nguy cơ con nhiễm là rất ít, vì thế họ từ chối tiêm phòng.

Như trường hợp chị Kiều Oanh, sinh con lần đầu tại bệnh viện phụ sản Hà Nội. Trước khi sinh, chị có làm thủ tục nhập viện và biết kết quả xét nghiệm viêm gan B của mình âm tính, như thế nguy cơ lây sang con sẽ không xảy ra nên chị quyết định chưa vội tiêm văcxin viêm gan B sơ sinh cho con. Chị Oanh giải thích:

"Tất nhiên, tôi không hiểu rõ về văcxin bằng các bác sĩ, nhưng vì lo lắng vụ việc vừa xảy ra nên buộc phải tìm hiểu. Tôi có đọc đường lây truyền của virus viêm gan B, biết rõ gia đình không có ai bị bệnh này nên chắc chắn con không có khả năng lây bệnh. Tôi sẽ chờ một thời gian nữa, cho con cứng cáp rồi sẽ tiêm mũi tổng hợp (gồm có cả văcxin viêm gan B)".

Theo các chuyên gia về dịch tễ cho biết, nếu mẹ có HbsAg âm tính (HbsAg viết tắt từ tiếng Anh là "Hepatitis B surface antigen", là một chất có ở bề mặt virus), thì không cần quá vội vàng. Khi các bà mẹ mang HbsAg dương tính, bác sĩ mới khuyên tiêm ngay văcxin trong vòng 24 giờ sau sinh. Ngoài ra, việc tiêm văcxin hay không còn phụ thuộc vào kết quả kiểm tra sức khỏe ở trẻ sau sinh. Một số trẻ mới sinh ra khỏe mạnh nhưng có thể phát bệnh ngay lập tức, sau 6-7h ra đời. Vì thế, bước kiểm tra sức khỏe trước khi tiêm phòng là vô cùng cần thiết, để tránh tác động của văcxin lên căn bệnh vừa xuất hiện, gây ra biến chứng khó lường.

Tuy vậy, một số bà mẹ dù bị mắc viêm gan B mãn tính vẫn rất lo sợ, không dám tiêm cho con ngay sau sinh vì lo sợ sự việc tương tự như vụ việc tại Quảng Trị. Khi chị Quỳnh Vân, chuẩn bị sinh con tại bệnh viện Việt Nhật, đem vấn đề lo lắng này hỏi bác sĩ chuyên khoa thì được khuyên cần phải tiêm để đảm bảo an toàn cho con. Tuy nhiên, nên chọn văcxin chất lượng cao, cụ thể là loại của Bỉ. "Dù được tư vấn kỹ càng nhưng em vẫn rất lo. Mẹ chồng và mẹ đẻ em đều bảo nguy hiểm lắm, không nên tiêm. Nhưng không tiêm mà sau này phát bệnh thì gian nan lắm".

Theo một chuyên gia về dịch tễ học, chuyên về văcxin, thì tất cả các loại thuốc không ai dám khẳng định là an toàn tuyệt đối. Bất cứ thuốc gì cũng phải qua kiểm nghiệm thực tế, đánh giá qua một thời gian dài và tính toán tỷ lệ rủi ro, sau đó mới được lưu hành. Dù văcxin có rủi ro, nhưng tỷ lệ ở mức cho phép và khi cân nhắc "thiệt, hơn" thì vẫn nên dùng. Giữa cái được là rất nhiều trẻ nhỏ được tiêm, tránh được nguy cơ bệnh tật, với cái mất là tỷ lệ thất bại rất nhỏ, dù thực sự, đây là điều không may và không ai muốn.

Theo Ngoisao.net

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.