'Cha mẹ đẻ' vắc xin COVID nhận Giải thưởng VinFuture

0:00 / 0:00
0:00
TP - GS Katalin Kariko, Phó Chủ tịch cấp cao của BioNTech, người đặt nền móng cho công nghệ mRNA (làm nên các loại vắc xin Pfizer/Moderna) cùng hai cộng sự hôm qua trở thành chủ nhân Giải thưởng VinFuture, một trong các giải thưởng KHCN giá trị nhất thế giới với phần thưởng 3 triệu USD.

Công trình cứu mạng

Vào 6h31 giờ GMT (13h31 giờ Việt Nam) ngày 8/12/2020 tại bệnh viện địa phương ở Coventry, miền trung nước Anh, cụ bà Margaret Keenan trở thành người đầu tiên được tiêm mũi vắc xin Pfizer, đánh dấu bước ngoặt trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 trên toàn cầu khi vắc xin chính thức được sử dụng đại trà. Tính đến nay, hàng tỷ liều vắc xin Pfizer và Moderna được các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, sử dụng để phòng chống đại dịch.

Nhiều năm trước, GS Katalin Kariko bắt tay nghiên cứu mRNA, công nghệ nền tảng của hai loại vắc xin trên. Ý tưởng ban đầu bị nhiều người coi là viển vông, thiếu thực tế. Hành trình nghiên cứu và phát triển công nghệ sau đó vô cùng chông gai, thử thách cho đến thành công ngày hôm nay.

Với kết quả nghiên cứu tạo nền tảng giúp loài người chống lại đại dịch COVID-19, GS Kariko cùng các cộng sự là GS Drew Weissman (chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y, Đại học Pennsylvania (UPenn, Mỹ) và GS Pieter Cullis (Giám đốc Viện Khoa học Sự sống tại Đại học British Columbia (UBC, Canada) được nhận giải thưởng chính của Giải thưởng VinFuture mùa đầu tiên. Lễ trao giải diễn ra tối qua (20/1) tại Nhà hát lớn Hà Nội. Đây là một trong những giải thưởng khoa học công nghệ giá trị nhất thế giới hiện nay.

Vượt qua 599 dự án tranh giải đến từ hơn 70 quốc gia ở tất cả các châu lục, công trình nghiên cứu về mRNA xứng đáng được vinh danh bởi thực hiện đúng sứ mệnh của giải thưởng này là thúc đẩy khoa học phụng sự nhân loại, tôn vinh những công trình khoa học kiệt xuất có tính ứng dụng cao, có thể tạo ra sự thay đổi tích cực cho cuộc sống của hàng triệu người trên thế giới.

VinFuture nhận trọng trách và thách thức

Ngoài giải thưởng chính, VinFuture còn trao 3 giải đặc biệt, mỗi giải trị giá 500.000 USD dành cho các nhà khoa học nữ, các nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển và các nhà khoa học nghiên cứu những lĩnh vực mới.

Hạng mục nhà khoa học nữ được trao cho nhà khoa học người Mỹ gốc Trung, GS Zhenan Bao của Trung tâm Shriram, Khoa Kỹ thuật hóa học, Đại học Stanford (Mỹ). Bà là người tiên phong nghiên cứu về phát triển thiết bị điện tử giống như da người và một loạt ứng dụng của các thiết bị này trong y tế và năng lượng. Xuất phát từ nghiên cứu khoa học cơ bản, bà đã phát triển một loạt mô hình phân tử cho các vật liệu điện tử hữu cơ mới và các phương pháp chế tạo các vật liệu này. Bà có hơn 700 bài báo khoa học được trích dẫn, tham khảo và hơn 100 bằng sáng chế tại Mỹ.

'Cha mẹ đẻ' vắc xin COVID nhận Giải thưởng VinFuture ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính và nhóm tác giả giành giải thưởng chính của VinFuture lần thứ nhất

Hạng mục dành cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển được trao cho cặp vợ chồng đến từ Nam Phi là GS Quarraisha và GS Abdool Karim. Bà Quarraisha là nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm, hiện giữ chức Giám đốc khoa học Trung tâm Nghiên cứu AIDS tại Nam Phi (CAPRISA) và là Phó Hiệu trưởng phụ trách Y tế châu Phi của Đại học Kwazulu-Natal (Nam Phi). Bà cũng là giáo sư dịch tễ học lâm sàng tại Trường Y tế Công cộng Mailman thuộc Đại học Columbia (Mỹ). Ông Karim cũng là nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm, giữ chức Giám đốc CAPRISA và nhiều chức vụ khác. Theo cơ sở dữ liệu các ấn phẩm khoa học Web of Science, ông là một trong những nhà khoa học được trích dẫn thường xuyên nhất thế giới. GS Karim đóng vai trò tiên phong trong cuộc chiến chống COVID-19 của Nam Phi với tư cách là đồng Chủ tịch Ủy ban Cố vấn của Bộ trưởng Nam Phi về COVID-19.

Năm 2010, vợ chồng nhà khoa học Nam Phi dẫn đầu một thử nghiệm lâm sàng mang tính bước ngoặt bước đầu cho thấy thuốc ARV có thể ngăn ngừa lây truyền HIV qua đường tình dục. Họ đã chứng minh gel Tenefovir ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm HIV và nguy cơ mắc bệnh mụn rộp sinh dục ở phụ nữ. Nghiên cứu của họ đã cung cấp bằng chứng cho thấy Tenofovir có thể phòng ngừa lây nhiễm HIV, qua đó đặt nền móng cho phương pháp điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP).

“Hai năm qua, nhất là trong thời khắc khó khăn nhất của dịch bệnh, cả nhân loại đã đặt niềm tin, hy vọng và trông chờ vào các nhà khoa học để tìm ra vắc xin, thuốc chữa, phòng chống COVID-19. Vắc xin được ví như là lá chắn thép của nhân loại để vượt qua đại dịch. Cả thế giới biết ơn, ngưỡng mộ các nhà khoa học - những người đã thực hiện sứ mệnh cao cả của mình. Chúng ta có mặt ở đây hôm nay bình yên, an toàn cũng chính nhờ các nhà khoa học, nhờ vắc xin và thuốc đặc trị. Hôm nay chúng ta tôn vinh những công trình đoạt giải thưởng là tôn vinh những giá trị khoa học đóng góp cho nhân loại, tôn vinh những nhà khoa học đã ngày đêm nghiên cứu bằng trí tuệ vượt trội, trái tim nhiệt huyết và khát vọng cống hiến cho loài người”, Thủ tướng Phạm Minh Chính (phát biểu tại Lễ trao giải VinFuture)

Năm 2015, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị áp dụng PrEP với thuốc Tenefovir dạng uống là biện pháp phòng ngừa HIV tiêu chuẩn cho người có nguy cơ lây nhiễm cao. PrEP hiện được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới, góp phần ngăn chặn lây lan HIV trên toàn cầu.

Hạng mục dành cho nhà khoa học nghiên cứu những lĩnh vực mới được trao cho GS.TS Omar Yaghi, Phòng thí nghiệm Quốc gia thuộc Đại học California-Berkeley (Mỹ). Ông là nhà hóa học được trích dẫn nhiều thứ hai trên thế giới giai đoạn 2000-2010 và được xếp ở vị trí thứ 2 trong danh sách 100 nhà hóa học hàng đầu thế giới của thập niên qua. Ông là nhà khoa học tiên phong trong việc khám phá và phát triển vật liệu khung hữu cơ-kim loại (MOFs) có tiềm năng cải thiện cuộc sống hằng ngày của hàng triệu người. Phát minh của GS Yaghi về MOF và COF có ý nghĩa lớn trong việc làm sạch môi trường, mang lại bầu không khí sạch hơn, nguồn năng lượng sạch hơn và nguồn nước sạch hơn. Ngoài ra, máy thu nước MOF của GS. Yaghi đã được chứng minh là có tiềm năng cung cấp nước sạch mọi lúc mọi nơi, nhờ đó giúp con người có thể tự chủ về nguồn nước.

GS Sir Richard Henry Friend (Đại học Cambridge, Anh), Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture, nói rằng, các giải thưởng được tôn vinh thể hiện đúng sứ mệnh khoa học vì con người. Theo ông, ở phương Tây, người ta thường có xu hướng phân biệt giữa khoa học nền tảng thuần túy và khoa học ứng dụng. Khoa học thuần túy thường được coi là đỉnh cao và chúng ta có thể bỏ qua sự sáng tạo và xuất chúng ẩn sau nhiều công nghệ mang lại lợi ích cho tất cả chúng ta. “Chúng ta cần tôn vinh mối liên hệ giữa sự đổi mới có tầm nhìn xa và tác động thực sự mà khoa học có thể mang lại đối với một toàn cầu bền vững. Giải thưởng VinFuture đã nhận trọng trách và thử thách này”, GS Friend nói.

MỚI - NÓNG