CDC Hà Nội đánh giá nguy cơ trong Bệnh viện Bạch Mai là rất cao

Ảnh: Mạnh Thắng
Ảnh: Mạnh Thắng
TPO - Theo Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm, nguy cơ ở trong bệnh viện Bạch Mai là rất cao, do lượng bệnh nhân nặng đang điều trị trong viện rất nhiều.

Trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội chiều tối 27/3, ông Dương Đức Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ngay sau 2 trường hợp mắc COVID-19, bệnh viện đã khởi động tất cả các quy định về cách ly. Đợt đầu tiên, 160 cán bộ được phân loại là F1 đều có sức khỏe tốt, xét nghiệm lần 2 đều âm tính.

Sau đó đến đợt 2 (bệnh nhân 133 – PV), bệnh viện đánh giá cả Khoa Thần kinh là ổ dịch. Ngay trong đêm đã phong tỏa ngay, cách ly toàn bộ nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà.

“Kết quả thì nhân viên y tế thì âm tính hết. Hiện tại đang tổ chức cách ly trong khu này là 322 người, có 22 nhân viên, 36 bệnh nhân và 64 người nhà. Hiện tại sức khỏe của nhân viên y tế tốt, người nhà không có vấn đề gì. Có 3 bệnh nhân là bệnh nhân nặng, tai biến đang hôn mê đang điều trị, tiên lượng nặng. Các trường hợp này đã được xét nghiệm, thì âm tính”, ông Hùng nói.

Ông Hùng cũng cho biết, đến chiều 27/3, bệnh viện đã lấy 5 nghìn mẫu xét nghiệm, toàn bộ nhân viên, người lao động, bệnh nhân của tất cả các khoa còn lại và người nhà. Bệnh viện cũng đóng băng toàn bộ bệnh nhân không cho ra viện, đợi có kết quả xét nghiệm xong mới ra viện.

Ông Hùng cho rằng, trong Bệnh viện Bạch Mai có những địa điểm cách biệt, nhưng liên quan đến thời gian cả chục ngày, không dám khẳng định những người ở đây có đi lại hay không. Vì thế, bệnh viện coi là tất cả đều có nguy cơ, cho kiểm soát toàn bộ. Bệnh viện cũng xét nghiệm định lượng kháng thể xem là nhiễm trước hay sau khi vào bệnh viện.

Tại cuộc họp, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho rằng, liên quan đến các ca dương tính (3 ca phát hiện đến ngày 27/3 – PV), trên địa bàn Hà Nội có 3 ổ dịch tại cộng đồng. “CDC Hà Nội phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai đã bao vây khoanh vùng xử lý ổ dịch ở Bệnh viện Bạch Mai và ổ dịch tại cộng đồng theo chỉ đạo của Bộ Y tế”, ông Cảm nói.

Ông Cảm cho biết, theo yêu cầu của Chủ tịch UBND thành phố, qua rà soát, tất cả những trường hợp người bệnh đã được ra viện của Bệnh viện Bạch Mai trong vòng 10 ngày qua, từ 15 đến 25/3, bước đầu xấp xỉ 1.500 người. Những người này sẽ được cách ly, lấy mẫu bệnh phẩm theo quy định.

“Theo thông báo của Bệnh viện Bạch Mai thì trong 10 ngày vừa qua, có 14.000 người trên địa bàn Hà Nội đến khám ngoại trú ở Bệnh viện, chúng tôi đang sàng lọc những trường hợp này để tiếp tục khuyến cáo họ tự cách ly. Nếu ho, sốt khó thở thì lập tức báo cho y tế để điều tra, giám sát, lấy mẫu bệnh phẩm”, ông Cảm nói.

Theo thông tin ông Cảm cung cấp, năng lực xét nghiệm của Bệnh viện Bạch Mai chỉ được 100 – 200 mẫu. Bệnh viện đã đề nghị Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương hỗ trợ xét nghiệm. Ngày 27/3, Bệnh viện Bạch Mai đề nghị Hà Nội hỗ trợ xét nghiệm. “Xin phép Hà Nội lo toàn bộ phần bên ngoài gần 2.000 mẫu và những ổ dịch liên quan. Còn trong bệnh viện đề nghị cơ sở thuộc T.Ư, trên địa bàn có 8 cơ sở tất cả hỗ trợ”, ông Cảm nói.

Ông Cảm cũng cho biết, CDC Hà Nội đề xuất đánh giá nguy cơ ở trong Bệnh viện Bạch Mai là rất cao, vì trong viện bệnh nhân nặng rất nhiều, nếu xảy ra dịch thì tỷ lệ tử vong cao.

“Mỗi ngày trung bình 2000 – 3000 ra vào thì nguy cơ lây ra cộng đồng cũng rất cao. Chúng tôi đề xuất bệnh viện không nhận bệnh nhân vào điều trị và bệnh nhân đang điều trị ở đó không nên chuyển đến các bệnh viện khác của Hà Nội. Cần tiếp tục điều trị, chỉ cho ra viện khi đã có kết quả xét nghiệm âm tính”, ông Cảm nói thêm.

MỚI - NÓNG