Nằm ở cuối làng Thuận An (xã Tam Anh Bắc, huyện Núi Thành, Quảng Nam) cây sưa có tán rộng 500 m2 đang vào mùa thay lá. Cây cao 40 m, đường kính thân đoạn to nhất khoảng 4 m, 3 người ôm không xuể.
Ông Nguyễn Văn Ba cho hay cây sưa đã trải qua 6 thế hệ. Ảnh: Sơn Thủy
Ông Nguyễn Văn Ba (62 tuổi) cho biết, ông là thế hệ thứ 6 trong gia đình chứng kiến sự phát triển của cây sưa này. Khi ông lớn lên đã thấy cây sưa to mấy người ôm, bên gốc cây có một miếu thờ, tuy nhiên do cây mọc lan ra khiến ngôi miếu hư hỏng, gia đình ông quyết định dời miếu vào phía trong khoảng 5 m.
''Ông cha tôi kể lại, khi đến vùng đất này lập nghiệp, xây dựng nhà cửa đã lập miếu thờ và mang cây sưa về trồng cạnh bên. Qua gia phả để lại, xác định cây sưa có tuổi đời trên 250 năm', ông Ba nói và cho biết thêm cây sưa phát triển hoàn toàn bằng tự nhiên, không có sự can thiệp của con người như dùng phân bón hay cắt tỉa cành.
Từ ngày gỗ sưa có giá trị, nhiều thương lái từ Hà Nội, Sài Gòn đổ xô về xem và thuyết phục gia chủ bán, nhưng ông Ba luôn dành cho họ câu trả lời quen thuộc là "có trả cả núi tiền cũng không bán vì cây tượng trưng cho truyền thống gia đình và cũng là hình ảnh quen thuộc của làng Thuận An".
Ông Ba có năm người con, tất cả đều đã thành lập gia đình, vợ chồng ông kiếm sống qua ngày bằng mấy sào lúa và chăn nuôi nhỏ.
''Nghèo nhưng nhất quyết không bán cây. Trừ khi nhà nước lấy đất, cần chặt hạ cây sưa thì chúng tôi đồng ý, còn không thì giữ đến đời con, đời cháu...", ông Ba nói.
Rêu phong bám đầy thân cây. Ảnh: Sơn Thủy
Anh Nguyễn Văn Thi (con trai ông Ba) cho hay trải qua thời gian nhiều cành bị chết khô, phía ngoài có chỗ mục nhưng lõi trong cây sưa vẫn rất cứng. ''Thứ lõi này đốt lửa cho mùi thơm dễ chịu.
Do cây nằm bên miếu thờ nên không ai dám đến chặt phá. Khoảng tháng 3 âm lịch hằng năm cây nở hoa rất đẹp'', anh Thi nói.