Đồn Pò Mã trong chiều tắt nắng, Hoàng Thái Sơn (SN 1996, dân tộc Tày) rành rẽ giới thiệu bộ sưu tập gần chục loại sáo khác nhau như: Sáo trúc ngang, sáo Mèo nam, sáo Mèo nữ; Tiêu Bát khổng… Đến khi xem Sơn biểu diễn và phiêu cùng giai điệu bản nhạc, chàng chiến sỹ ấy như hóa thân thành một nghệ sỹ thực thụ! “Nghe âm thanh của sáo trúc, tôi cảm thấy được sự bình yên, sâu lắng. Mỗi khi chơi sáo, tôi cảm thấy tinh thần hưng phấn, tập trung hơn” - Sơn bộc bạch.
Sơn cho biết, trước khi nhập ngũ đã làm quen và tập chơi sáo được hơn một năm. Cậu là con cả trong gia đình có 2 anh em, ở xã Tân Văn (huyện Bình Gia, Lạng Sơn). Mong muốn trở thành người lính thực thụ, tốt nghiệp cấp 3 năm 2014, Sơn đăng ký thi Trường Sỹ quan Chính trị nhưng không đỗ. Trong thời gian ở nhà, Sơn đã yêu và bén duyên với cây sáo khi nghe một người bạn gần nhà đang theo học sáo chuyên nghiệp biểu diễn. “Tôi nghe nhiều thành quen và cuốn hút lúc nào không hay, rồi quyết tâm học thổi sáo cho bằng được”, Sơn nói.
Không đăng ký trường lớp hay khóa học nào về nhạc cụ, Sơn chủ yếu tự mày mò tài liệu và hướng dẫn trên diễn đàn về sáo trên mạng internet, các video được chia sẻ trên youtube. Đồng thời dành dụm tiền mua sáo về tập. “Trong các loại sáo tôi tập, sáo trúc ngang là khó học nhất đòi hỏi nhiều kỹ thuật như miết ngón, ngân hơi, đánh lưỡi kép, đánh lưỡi đơn… Tôi mất gần ba tháng để thổi lên tiếng và đúng tông”, Sơn chia sẻ. Đến nay, Sơn đã dùng sáo biểu diễn nhiều ca khúc, trong đó chơi hay nhất là bài “Xuân về trên bản Mông”. Cậu đã tham gia biểu diễn trong các buổi giao lưu ở UBND xã Đội Cấn, giao lưu với trường học trên địa bàn đóng quân dịp Tết Trung thu mới đây.
Sơn chia sẻ mong muốn lớn nhất là sẽ tiếp tục gắn bó môi trường quân đội. “Từ khi bước vào môi trường quân đội, tôi thấy bản thân chững chạc hơn, trưởng thành hơn trong suy nghĩ, tính tự lập được rèn giũa, biết làm thêm nhiều việc. Đơn vị là mái nhà chung ấm áp, luôn tận tình chỉ bảo giúp đỡ tôi từ những việc làm nhỏ nhất”- Sơn nói.