Cầu thủ Việt Nam: Bao giờ cho đến ngày xưa

 Lứa cầu thủ Thể Công đi tập huấn tại CHDCND Triều Tiên năm 1967 đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng người hâm mộ với lối chơi hào hoa, đẹp mắt
Lứa cầu thủ Thể Công đi tập huấn tại CHDCND Triều Tiên năm 1967 đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng người hâm mộ với lối chơi hào hoa, đẹp mắt
TP - Nghi án cá độ, dàn xếp tỷ số của một số cầu thủ V.Ninh Bình ở AFC Cup 2014 khiến dư luận bàng hoàng. Người ta lại có thêm lý do ngoảnh mặt với bóng đá nội, cũng như nhớ về một thời oai hùng của bóng đá Thể Công xưa.

Sau những kết quả thất vọng liên tiếp của ĐTQG và ĐT U23 QG trong vòng 2 năm qua thì bây giờ tới lượt bóng đá ở cấp CLB cũng sinh chuyện, dù rằng vụ tiêu cực bóng đá năm 2005 mới kết thúc chưa được 10 năm và rất nhiều người thực việc thực của thời kỳ đấy vẫn đang thi đấu hoặc hoạt động trong đời sống bóng đá Việt Nam hiện tại.

Chứng kiến những câu chuyện đáng buồn như thế, những người nặng lòng hoài cổ lại nhớ tới cái thời ngày xưa, khi những cầu thủ áo lính của Thể Công chinh phục hoàn toàn tình yêu và sự ngưỡng mộ của người hâm mộ trong nước cũng như bạn bè quốc tế.

Họ chinh phục tình yêu của người hâm mộ bằng lối chơi hào hoa đẹp mắt dựa trên nền tảng thể lực tuyệt vời, điều mà có đốt đuốc giữa ban ngày thì cũng không thể tìm thấy ở sân cỏ Việt Nam ngày nay, cho dù bóng đá Việt Nam đã bước qua năm chuyên nghiệp thứ 14.

Trong rất nhiều cuộc trò chuyện với chúng tôi, các cựu danh thủ thuộc thế hệ những năm 70, 80 của thế kỷ trước đều có chung nhận định rằng cầu thủ bây giờ có điều kiện hơn các bậc cha anh ngày trước rất nhiều.

Lẽ ra trong hoàn cảnh như thế thì năng lực chuyên môn, nền tảng thể lực cũng như tư cách đạo đức của họ cũng không thể kém hơn ngày xưa, nhưng có vẻ như càng ngày người ta càng chứng kiến nhiều câu chuyện trái ngược.

Do ảnh hưởng từ sự suy thoái của nền kinh tế mấy năm gần đây nên thị trường chuyển nhượng cầu thủ bây giờ không còn bùng nổ như trước. Điều đó đồng nghĩa với việc các cầu thủ đã khó khăn hơn để kiếm được những khoản thu nhập khổng lồ.

Tuy nhiên, về cơ bản thì nghề đá bóng vẫn đủ để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hằng ngày cho các cầu thủ, thậm chí là ở mức độ khá cao so với mặt bằng chung của xã hội.

Thế nhưng, lạ là rất nhiều cầu thủ chỉ bảo đảm thể lực để thi đấu được khoảng 2/3 thời gian chính thức, sau đấy chủ yếu là đi bộ trên sân. Đấy còn chưa kể tới việc không ít cầu thủ Việt Nam hiện tại đều có cuộc sống khá phức tạp bên ngoài sân cỏ, và thậm chí nhiều người còn bập vào những thú vui rất có hại cho sức khỏe cầu thủ như bia rượu, chất kích thích.

Không chỉ có các cầu thủ trưởng thành hay đã thành danh mới có lối sống như vậy mà rất nhiều cầu thủ từ khi còn khoác áo các đội U đã tiêm nhiễm lối sống thiếu lành mạnh.

Một cầu thủ hiện vẫn đang là tuyển thủ QG từng kể cho chúng tôi nghe rằng khi tham gia một giải trẻ QG ở độ tuổi ngoài 20, cầu thủ này và các đồng đội cùng trang lứa hầu như tối nào cũng tiệc tùng và còn gọi thêm cả “bạn gái” từ bên ngoài vào để góp vui, nhưng cuối cùng vẫn đoạt được chức vô địch.

Với bóng đá Việt Nam hiện tại, thật khó có thể tìm được cầu thủ nào đã hết giờ tập còn nán lại sân tập riêng hoặc tập thêm những bài vở đặc biệt như thế hệ cha anh ngày xưa.

Cầu thủ Việt Nam: Bao giờ cho đến ngày xưa ảnh 1 Các cựu danh thủ Ba Đẻn, Vũ Mạnh Hải vẫn dẻo dai, tài hoa khi thi đấu ở giải lão tướng. Ảnh: VSI

Năm 1967, Thể Công đã cử lứa cầu thủ trẻ khi ấy mới 18 tuổi với những cái tên như Vương Tiến Dũng, Nguyễn Trọng Giáp, Bùi Ngọc Chi, Nguyễn Văn Nhật, Nguyễn Thế Anh, Nguyễn Viết Cầu, Phan Văn Mỵ, Vũ Mạnh Hải, Bùi Xuân Thêu… sang CHDCND Triều Tiên tập huấn trong thời gian 2 năm. Và khi trở về, họ đã giúp Thể Công trở thành đội bóng bách chiến bách thắng ở sân cỏ quốc nội trong một thời gian rất dài.

Đội bóng này thậm chí còn gây tiếng vang cả trên bình diện quốc tế, khi chỉ chịu thua đội Quân đội CHDCND Triều Tiên với 11 cầu thủ từng tham dự World Cup 1966 với tỷ số 2-3 hoặc thắng đội Bát Nhất, đương kim vô địch giải VĐQG Trung Quốc, với tỷ số 4-1 ngay tại Bắc Kinh trong chuyến tập huấn tại đây năm 1974.

Thể Công còn gây tiếng vang cả trên bình diện quốc tế, khi chỉ chịu thua đội Quân đội CHDCND Triều Tiên với 11 cầu thủ từng tham dự World Cup 1966 với tỷ số 2-3 hoặc thắng đội Bát Nhất, đương kim vô địch giải VĐQG Trung Quốc, với tỷ số 4-1 ngay tại Bắc Kinh trong chuyến tập huấn tại đây năm 1974.

40 năm sau, Thể Công lại gửi một lứa cầu thủ trẻ tài năng khác sang Bulgaria và Đức tập huấn trong 2 năm 2006 và 2007 với hy vọng sẽ có một thế hệ xuất chúng như những Thế Anh, Cao Cường của thế kỷ 20.

Nhưng tiếc là 20 cầu thủ đi châu Âu ngày ấy của Thể Công bây giờ chỉ vài người còn có được chỗ đứng chính thức trong các đội bóng tại V-League như Quốc Long, Ngọc Duy (Hà Nội.T&T), còn phần lớn đều chỉ sắm vai dự bị như Quang Vinh, Minh Đức (B.Bình Dương) hoặc thậm chí tệ hơn là biến mất.

Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao cùng với một phương pháp tuyển chọn và điều kiện tập luyện thời sau tốt hơn rất nhiều so với thời trước, nhưng thế hệ cầu thủ sinh năm 1987 đi tập huấn Bulgaria và Đức của Thể Công lại không làm được như các bậc cha anh trong 2 năm ở CHDCND Triều Tiên, dù tất cả đều biết bối cảnh tập luyện ở Đức và Bulgaria tốt hơn rất nhiều so với CHDCND Triều Tiên.

Có lẽ chúng ta sẽ phần nào tìm được câu trả lời khi nghe HLV Vương Tiến Dũng, hiện đang dẫn dắt XSKT.Cần Thơ, kể lại quá trình tập huấn của mình cùng các đồng đội ở CHDCND Triều Tiên năm ấy.

Ông Dũng nhớ lại: “Trước khi lên đường, tôi cũng như các đồng đội ngày đó rất háo hức vì đó lần đầu tiên trong đời được xuất ngoại. Khi sang đến nơi, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vấn đề thời tiết”.

Không những thế, do thời tiết quá khắc nghiệt nên cỏ không thể mọc được trên sân và ông Dũng và các đồng đội phải tập luyện với những mặt sân gồ ghề, lồi lõm vào buổi chiều, còn buổi sáng họ phải tập trong nhà thi đấu để tránh rét.

Điều kiện luyện tập cực kỳ khắc nghiệt tại CHDCND Triều Tiên hóa ra lại là động lực để các cầu thủ Thể Công nhanh chóng tiến bộ, để rồi từ chỗ để thua liên tục trước các đội bóng của CHDCND Triều Tiên trong khoảng một năm đầu tiên ở đây, đội bóng đã có sự tiến bộ thần tốc về chuyên môn khiến các bạn CHDCND Triều Tiên cũng phải ngưỡng mộ và phát động phong trào học tập Thể Công.

Từ tiết lộ của ông Dũng cho tới hiện trạng của lứa cầu thủ Thể Công được đưa đi tập huấn tại Bulgaria và Đức trong 2 năm 2006 và 2007 là đủ giải thích được vì sao thế hệ cầu thủ bây giờ không thể làm được những điều các bậc cha anh ngày xưa từng làm được một cách dễ dàng, cho dù điều kiện tập luyện và sinh hoạt của các cầu thủ thời xưa khó khăn hơn rất nhiều so với thời nay.

Vấn đề có lẽ không phải là môi trường tập luyện như thế nào mà ý chí và quyết tâm phấn đấu của cầu thủ mới làm nên sự khác biệt. Sau 2 năm tập huấn ở CHDCND Triều Tiên, rất nhiều cầu thủ Thể Công đã trở thành trụ cột, thậm chí là huyền thoại của ĐTQG. Còn thử hỏi trong số các cầu thủ Thể Công thế hệ sinh năm 1987, có mấy người bây giờ đang là gương mặt không thể thay thế ở ĐTQG?

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).