Cấu tạo thành ngữ mới

Cấu tạo thành ngữ mới
TP - Thành ngữ tục ngữ dân gian thường dùng cách nói vần vè. Sử dụng hợp cảnh thì gây được ấn tượng. Cách nói vần vè, cũng như ghép vần thành thơ, là một trò chơi với chữ cổ điển bậc nhất của nhân loại, từ khi chưa có chữ viết. Đấy là trò chơi nguyên thủy, khi người ta cần ghi nhớ cần thuộc lòng. Thế là ra đời lối ăn nói dân gian:

Đá thúng đụng nia
Hòn đất ném đi, hòn chì ném lại

Lắng nghe dân gian, học theo dân gian, người viết văn có thể tự tạo ra những câu thành ngữ tục ngữ của riêng mình. Tác giả đã nhiều lần tạo ra những câu theo kiểu:

Bê bô đổ chậu: thành ngữ vẽ ra cảnh một người chăm người ốm, không còn việc gì phải hầu hạ bẩn thỉu mà không đến tay.

Áo toạc nách, quần rách mông: hình ảnh những kẻ ngang tàng, theo mốt bụi, hoặc là kẻ rách rưới thiếu thốn.

Nhưng thành ngữ tục ngữ cũng có loại không chịu được sự xói mòn của thời gian. Nó cũng có lúc hết đát. Ở phương Tây, có người đã lo rằng rồi sẽ có lúc trẻ con thành thị không biết một con gà thực sự như thế nào nữa. Trẻ con chỉ thấy con gà khi nó đã bị chặt ra, bán trong cửa hàng thịt, chỉ còn những miếng lườn, chỉ còn những cái đùi, đầu chân cánh đều bị vứt bỏ. Ở ta càng ngày càng nhiều thanh thiếu niên từ bé chỉ sống ở thành phố, không biết nhiều về làng quê. Có bạn có thể chưa nghĩ ra ngay quả sung là quả gì, và không hình dung ra cảnh nó rụng liên tục, rụng lộp bộp như hiệu ứng dây chuyền. Cũng không biết cây chuối thân thẳng, bị phạt ngang nó sẽ đổ cả cây đánh uỳnh một cái. Không biết thì tất nhiên dù nhà văn có dùng thành ngữ sau cũng không tác động được đến họ: 

Cả đoàn người ngã như sung rụng.
Ông trượt chân, ngã như cây chuối đổ.

Rồi sẽ đến lúc người ta cũng không hiểu được câu mòn như bia đá (trăm năm bia đá thì mòn). Những câu ví von kiểu mòn như đế dép, chắc dễ hiểu hơn, hy vọng là thời thế thay đổi thế nào đi nữa thì người ta vẫn phải dùng giày dép, vẫn nhìn thấy đế giày đế dép bị mòn. Cần cập nhật hơn, có thể tạo ra một thành ngữ khác: như thẻ bị quẹt mòn mã vạch. Nhưng cũng có nguy cơ đến lúc nào đó, người ta không dùng mã vạch nữa, câu ví von lại trở nên khó hình dung.

Cái thời dân tình còn dùng băng cát xét để nghe nhạc, thịnh hành một câu nói: ông ta quên là mình đã nói rồi, cứ tua đi tua lại mãi một chuyện. Ý là ông ta lẩm cẩm, cứ nhắc đi nhắc lại một câu chuyện đã nói nhiều lần. Nhưng thời bây giờ người ta nghe đĩa CD, nghe qua USB, iPod và nhiều thứ khác, khái niệm tua băng đã trở nên không dễ hiểu.

Rồi cái tên mà giới trí thức Mỹ gắn cho cái máy vô tuyến truyền hình: Idiot’s Box, cái hộp của thằng ngu. Thời chiếc tivi trông còn như một cái hộp thì ví như thế dễ hình dung. Nhưng tivi bây giờ màn hình phẳng, chẳng còn như cái hộp, thế hệ trẻ khó mà hiểu tại sao tivi lại bị gọi là cái hộp. Chắc phải gọi nó là cái bảng của thằng ngu, cái rèm của thằng ngu… Sẽ đến lúc nó là cái màn hình trong suốt treo lơ lửng giữa phòng thì không biết sẽ phải gọi là cái gì của thằng ngu nữa.

Dân gian Việt Nam nói:

Chia uyên rẽ thúy, chia loan rẽ phượng.

Tôi cho rằng người đọc thời nay không phải ai cũng hiểu điển cố, không phải ai cũng biết uyên với thúy, loan với phượng. Tôi nối tiếp vào đấy một thành ngữ hiện đại:

Chia uyên rẽ thúy, chia loan rẽ phượng, chia sim rẽ dế.

Dế là cái điện thoại di động theo cách gọi thời thượng. Cái điện thoại di động mà bị chia cách với cái sim thì đúng là sự chia rẽ tàn ác.

Cũng ngại người đọc chưa hình dung được con ong, rồi con cáo nữa, giống như rồi có lúc không biết con gà con vịt nguyên vẹn nó ra làm sao, tôi phải thêm vào câu tục ngữ một vế: 

Nuôi ong tay áo, nuôi cáo trong nhà, nuôi ma trong máy tính.

Câu này chỉ tồn tại trong một văn cảnh của cuốn SBC là săn bắt chuột (2011). Trong ấy có chuyện một con chuột máy tính làm gián điệp, lấy hết thông tin trong máy báo ra cho bọn chuột ngoài đời. Nuôi ma trong máy tính là như vậy.   

Cũng có khi tôi phỏng theo cách dân gian mà tạo ra tục ngữ mới. Để chỉ kiểu nhan sắc hơi man man thổ dân, hơi Digan Tácta như cách nói bình dân, tôi viết: 

Loại dung nhan như cô, giai Tây không bỏ qua, giai ta không khoái.

Thế là được thêm một tục ngữ. Tây không bỏ qua, ta không khoái.

MỚI - NÓNG