Đứng ở đường dẫn lên cầu Nhật Tân (phía Đông Anh) trong vòng nửa tiếng, phóng viên ghi nhận 6 trường hợp không hiểu biển báo, đi nhầm đường. Ông Uyên (60 tuổi), một người dân ở xã Vĩnh Ngọc, Đông Anh đi quá lên gần chân cầu trong khi đường rẽ vào xã cách đó hơn 100 m. Ông cho biết: “Ở ngã ba trước tôi thấy có ngã rẽ, có biển báo nhưng không ghi rõ ràng thông tin nên tôi lại đi tiếp”. Ở đây có mặt 1 thanh tra giao thông huyện Đông Anh, anh này hướng dẫn ông Uyên đường và khuyên ông “đi ngược chiều 1 đoạn”. Mặc dù được sự “ưu ái” của thanh tra giao thông nhưng ông lão quyết định vẫn đi hết 1 vòng cầu để quay lại đường cũ vì “sợ CSGT phạt và quá nguy hiểm”.
Nhưng sang bên kia cầu, ông Uyên vẫn phải “đối mặt” với những biển báo khó hiểu không kém. Ví dụ như biển báo hướng đi Đông Ngạc có từ phía trên cầu, tuy nhiên đường này chưa làm xong, nên hướng rẽ này chỉ có thể đi ra hướng Lạc Long Quân. Đường lên cầu từ hướng Võ Chí Công cũng có biển báo “làm khó” người đi bộ, hướng từ Trung tâm thành phố lên cầu Nhật Tân có biển: Đi thẳng qua cầu tới Đông Anh, rẽ phải ra “Đê Hữu Hồng”, cụm từ Đê Hữu Hồng ngay cả người dân Hà Nội cũng khó mà biết được đó là đường Lạc Long Quân, Âu Cơ.
Chưa hết, biển cấm phương tiện thô sơ và người đi bộ được cắm 2 bên cầu cũng gây khó khăn cho người dân. Bởi ở cả 2 đầu cầu, biển cấm đều được cắm sau đoạn đường dẫn dài hơn 100m. Đường dẫn là đường 1 chiều, nếu người đi xe thô sơ đi nhầm vào đường dẫn đến khi nhìn thấy biển cấm thì chỉ có phương án tránh duy nhất là... đi ngược chiều. Một thanh tra giao thông (xin được giấu tên) cho biết: “Thực sự biển đặt thế này quá bất hợp lý, hiện tôi đang phải làm nhiệm vụ hướng dẫn người dân không sai luật này để sai luật khác”.
Ghi nhận tại đường dẫn này, liên tục có người đi xe đạp, xe ba gác vi phạm luật đi lên cầu. Lực lượng Thanh tra và bảo vệ cầu làm việc hết công suất nhưng cũng không thể cản tất cả các trường hợp vi phạm. Hầu như xe ba gác, xe kéo, xe thương binh đều cố tình băng qua cầu với tốc độ cao khiến lực lượng chức năng bất lực. Các trường hợp buộc phải đi ngược chiều quay lại đường dẫn đều là các em nhỏ, cụ già đi xe đạp lên cầu.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Lê Minh, Giám đốc dự án xây dựng cầu Nhật Tân (Ban quản lý dự án 85), thừa nhận: Biển báo trên cầu Nhật Tân còn nhiều bất cập, nhưng đây là công trình mới đưa vào hoạt động. Dần dần những bất cập sẽ được khắc phục. Ông Minh cũng dẫn chứng về việc đơn vị đã gấp rút bỏ dải phân cách cứng trên đường Võ Nguyên Giáp cho phù hợp với tình hình giao thông.
Sáng 12/1, dải phân cách trên đường Võ Nguyên Giáp đã được gỡ bỏ. Trước đó, trong 2 ngày cuối tuần, trên đường Võ Nguyên Giáp tới cầu Nhật Tân, 3 vụ tai nạn đã liên tiếp xảy với tình huống tương tự là ôtô lao lên dải phân cách, lật nghiêng chắn ngang đường.