Chỉ hơn chục ngàn đồng một lọ thuốc thay vì vài trăm ngàn đồng thuốc “Tây” (tức thuốc xuất xứ châu Âu) mà vẫn lành bệnh thì đỡ quá.
Nhưng cũng như đấu thầu xây dựng, người ta hoàn toàn có thể bỏ thầu giá cực thấp để loại bỏ các đối thủ cung cấp thuốc khác.
Và những chủ thầu xây dựng bỏ thầu thấp tới mức dưới cả giá thành thì chắc chắn phải thu lại vốn và có lãi bằng cách cắt xén vật tư, hoặc tìm cách trì hoãn, kéo dài thời gian thi công, gây áp lực đòi điều chỉnh dự toán…
Đã có những nghi ngờ rằng những loại thuốc được bán với giá rẻ bất ngờ kia có hàm lượng thuốc không cao, nguyên liệu làm thuốc không đảm bảo nên nếu tính theo đơn vị viên/lọ đơn thuần, giá thấp hơn nhưng bởi hiệu quả thấp nên người bệnh sẽ phải sử dụng số lượng lớn hơn, thời gian kéo dài hơn nên tưởng rẻ mà không rẻ.
Cũng phải nhấn mạnh lại một lần nữa, ngoại trừ Công ty VN Pharma bị đình chỉ hoạt động kinh doanh thuốc, lãnh đạo công ty này bị bắt để điều tra với những cáo buộc hình sự (làm giả giấy tờ liên quan đến việc nhập khẩu thuốc), nhiều công ty khác tham gia đấu thầu thuốc vào bệnh viện và thắng thầu với các loại thuốc siêu rẻ vẫn thực hiện đúng các quy định của Bộ Y tế và Cục Quản lý dược.
Dù ai đó có cho rằng điều kiện tham gia đấu thầu mà cơ quan chức năng đưa ra “vạch đường” cho thuốc rẻ thắng thầu, thì các công ty thắng thầu vẫn đang “làm đúng pháp luật”. Câu hỏi đặt ra: Nếu thuốc rẻ nhưng chất lượng không đảm bảo ồ ạt vào bệnh viện thì là lỗi của ai?
Trong chuỗi cung cấp thuốc chữa bệnh từ việc quy định điều kiện đấu thầu từ cơ quan quản lý, việc tham gia đấu thầu của các công ty, bệnh viện tiếp nhận thuốc sau đấu thầu và phân phối tới người bệnh, nếu chất lượng thuốc không tốt (Nếu không là người bệnh “thông thái” sao phân biệt được?) thì sự thiệt thòi về tiền của và hiệu quả điều trị đổ lên đầu người bệnh.
Tuy nhiên, nói như vậy vẫn chỉ là giả định, bởi vấn đề mấu chốt qua các vụ đấu thầu thuốc vừa rồi chỉ nằm ở câu hỏi: Thuốc rẻ nhưng chất lượng đến đâu? câu hỏi ấy từ cuối năm 2013, khi những ồn ào xung quanh chuyện thuốc giá rẻ rộ lên, cho đến nay, các cơ quan chức năng vẫn im lặng.