Sau vụ VN Pharma trúng thầu thuốc: Coi chừng thuốc rởm

Nhiều đại gia dược trong nước trúng thầu bằng thuốc siêu rẻ
Nhiều đại gia dược trong nước trúng thầu bằng thuốc siêu rẻ
TP - Sau khi Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VN Pharma bị bắt giữ vì bị nghi ngờ làm giả giấy chứng nhận từ tham tán Việt Nam tại Canada để đưa thuốc H-Capita caplet 500mg, chỉ định điều trị các bệnh ung thư vú, dạ dày và đại trực tràng về Việt Nam, nội vụ việc thuốc trúng thầu giá rẻ vào bệnh viện TPHCM mới được công khai.

Ngày 21/1/2014, Sở Y tế TPHCM mở thầu tập trung, công khai với hai gói thầu. Gói thầu dành cho thuốc biệt dược với 18 công ty mở hồ sơ và gói thầu dành cho thuốc generic với 248 công ty mở hồ sơ. Nổi lên trong danh sách doanh nghiệp dược phẩm trúng thầu thuốc đợt 1 năm 2014 vào các bệnh viện tại TPHCM là cái tên VN Pharma.

Đợt đấu thầu này, VN Pharma trúng 46 mặt hàng trị giá hơn 267 tỷ đồng, được xem là “top đầu” cho dù không có nhà máy sản xuất, chỉ nhập khẩu và thu mua thuốc qua trung gian.

“Đại gia” dược số 1 VN là công ty dược Hậu Giang chỉ trúng 5 mặt hàng trị giá 12 tỷ đồng. Một “đại gia” khác là Imexpharm cũng chỉ trúng vỏn vẹn… 1 mặt hàng với trị giá 8,5 tỷ đồng, Merap cũng chỉ có 3 mặt hàng với tổng trị giá khoảng 10 tỷ đồng.

“Bự” như Mekophar cũng chỉ 33 mặt hàng…Trong danh sách trúng thầu đợt 1 vừa qua, có khoảng 50% các công ty trách nhiệm hữu hạn kinh doanh dược, không nhà máy sản xuất mà chủ yếu nhập thuốc từ Ấn Độ hay Trung Quốc và một số nước châu Á khác về tham gia đấu thầu đều trúng đậm.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, việc trúng đậm là do doanh nghiệp đưa giá thuốc quá rẻ, trong đó có cả loại thuốc H-Capita caplet 500mg trúng thầu đang được cho là làm giả hồ sơ.

Thuốc này trúng thầu vào các bệnh viện tại TPHCM có giá chỉ 31 nghìn đồng/viên trong khi giá kế hoạch mời thầu là 66 nghìn đồng. Thuốc kháng sinh dạng tiêm Vancomycin 1gr có giá đề nghị là 147 nghìn đồng/lọ, VN Pharma đưa ra giá thầu 110 nghìn đồng/lọ.

Nhiều loại kháng sinh dạng tiêm như Enrovan 2gr, giá kế hoạch là 44 nghìn đồng/lọ nhưng Công ty VN Pharma đưa ra giá 28.200 đồng/lọ hay như thuốc Drolenic 70mg giá kế hoạch là gần 21 nghìn đồng/viên nhưng công ty này bỏ giá để trúng thầu chỉ 6.900 đồng/viên.

Không chỉ VN Pharma, nhiều công ty không tiếng tăm khác cũng trúng thầu với thuốc giá rẻ. Thuốc Rabemark 20mg do Công ty Marksans Pharma Ltd của Ấn Độ sản xuất trúng thầu chỉ 1.050 đồng, rẻ gần 8 lần so với giá đề nghị 8.001 đồng.

Chưa rõ hướng xử lý

Công ty Marksans Pharma Ltd đến từ Ấn Độ vừa bị Cục Quản lý Dược rút giấy phép hoạt động lĩnh vực dược tại Việt Nam bởi trong vòng một năm qua, nhiều loại thuốc của hãng dược này không đạt chất lượng.

Tuy nhiên, trước khi bị cấm hoạt động tại Việt Nam, 12 mặt hàng thuốc do Marksans Pharma Ltd sản xuất cũng đã kịp trúng thầu với tổng trị giá hơn 36 tỷ đồng vào bệnh viện tại TPHCM trong đợt thầu tập trung vừa qua.

Trong 12 công ty trúng thầu thuốc của Công ty Marksans Pharma Ltd, ngoài Cudupha có chút tiếng tăm trong nước, còn lại đều là các công ty trách nhiệm hữu hạn, không có nhà máy sản xuất.

TS Huỳnh Hiền Trung- Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết: “Thuốc Feromark của Marksans Pharma Ltd, Ấn Độ sản xuất và Cudupha phân phối nằm trong danh mục trúng thầu vào bệnh viện”.

“Rất may thuốc này chưa đưa về bệnh viện”- ông Trung tiếp. Thuốc Feromark trúng thầu với giá 69 nghìn đồng/ống trong khi giá kế hoạch là 75.500 đồng/ống. Công ty Cudupha trúng thầu riêng thuốc này là hơn 12 tỷ đồng. TS Nguyễn Quốc Bình- Trưởng khoa Dược của BV Chợ Rẫy cho biết, đã rà soát xem các loại thuốc này có lọt vào bệnh viện trong đợt đấu thầu vừa qua hay không.

Cho đến thời điểm này, chưa rõ hàng triệu viên, lọ thuốc mà 12 công ty trúng thầu vào bệnh viện ở TPHCM là thuốc của Công ty Marksans Pharma Ltd sản xuất được xử lý thế nào, khi mà chính nhà sản xuất đã bị Bộ Y tế “trục xuất” khỏi Việt Nam.

Hơn 23 tỷ đồng là thiệt hại đối với ngân sách Nhà nước và bệnh nhân do công tác đấu thầu thuốc trong hai năm 2010 và 2011 tại Sở Y tế Long An gây ra, theo kết luận của thanh tra tỉnh này.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Đỗ Hữu Lâm- Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, đang chỉ đạo lãnh đạo Sở Y tế tỉnh kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm từng thành viên trong tổ dự thầu.

Trong hai năm 2010 và 2011 có 644 mặt hàng thuốc có giá trúng thầu cao hơn giá kế hoạch được duyệt với tổng trị giá chênh lệch cao hơn 23 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG