Câu chuyện hòa hợp

0:00 / 0:00
0:00
TP - Cứ mỗi độ tháng Tư về, dịp kỷ niệm ngày đất nước thống nhất, non sông liền một dải, đây đó lại gợi lên câu chuyện hòa giải, hòa hợp dân tộc. Thậm chí vẫn còn những cuộc tranh cãi gay gắt.

Dẫu sau hơn 40 năm, đời sống chính trị, kinh tế xã hội, ngôn luận báo chí của Việt Nam chúng ta đã đạt nhiều thành tựu to lớn, đã đổi mới mạnh mẽ theo chiều hướng cởi mở, công khai dân chủ rộng khắp, rất nhiều nhịp cầu hòa giải, hòa hợp giữa những bên từng ở hai đầu chiến tuyến đã được xây dựng và đơm trái ngọt...

Bằng nhịp cầu văn hóa, hàng loạt tác phẩm văn chương miền Nam giai đoạn trước 1975 của các cây bút nổi danh Dương Nghiễm Mậu, Võ Phiến, Du Tử Lê, Nguyên Sa, Nguyễn Đức Sơn, Hoài Khanh, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Trần Thị Ngh,... đã được in lại, trong sự hào hứng đón nhận của công chúng. Tuần vừa rồi, bộ tiểu thuyết gồm 5 cuốn của nữ nhà văn Nguyễn Thị Hoàng, trong đó có cuốn “Vòng tay học trò” đình đám vừa lần đầu in lại sau 55 năm.

Cũng mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định 144/2020/ NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, có hiệu lực 1/2/2021. Trong đó không còn nhắc tới các khái niệm “Tác phẩm sáng tác trước năm 1975 tại các tỉnh phía Nam” (còn được gọi là “ca khúc trước 1975”).

Giới nghiên cứu văn chương nghệ thuật khẳng định văn học miền Nam là một thực thể không thể tách rời trong di sản văn học dân tộc. Với hy vọng cũng như âm nhạc, việc bỏ khái niệm “văn học miền Nam trước 1975” trong đời sống văn học nước nhà là một tất yếu phải đến. Lúc đó, chỉ gọi là văn học Việt Nam giai đoạn 1954-1975, trong đó có bộ phận văn học miền Nam. Nội hàm của thuật ngữ văn học miền Nam chỉ mang tính khoa học có ý nghĩa về mặt lịch sử văn học để chỉ một giai đoạn văn học, chứ không bị “áp đặt” một hàm ý chính trị nào cả.

Nhưng ở một khía cạnh liên quan, người Việt giờ đây cũng cần nhìn thẳng vào chính mình. Khi sự bất khả hòa giải, hòa hợp xảy ra ngay trong chính gia đình mình, với anh em bạn bè, người quen của mình, dù chẳng hề có sự phân biệt chiến tuyến hay ý thức chính trị nào cả.

Người Việt có dễ dàng "chịu" nhau không, khoan nhượng nhau không? Từ cuộc bầu cử tổng thống ở bên kia bán cầu, từ một bài thơ được giải, một nhà văn vừa nằm xuống, cho đến bao nhiêu chuyện vụn vặt xảy ra mỗi ngày. Đều có thể mở màn những cuộc tranh cãi dữ dội và bất tận, ai cũng muốn làm “bên thắng cuộc” bất luận bản chất vấn đề ra sao, dữ liệu thông tin đúng sai thế nào. Để rồi chuyển sang mạt sát, thậm chí đồng loạt “từ mặt” nhau. “Dân hai lăm triệu ai người lớn/Nước 4 nghìn năm vẫn trẻ con" như lời than của cụ Tản Đà từ hơn 80 năm trước là đây chăng?0

"Với Mỹ, chúng ta sẵn sàng "gác" quá khứ, để hợp tác, nhìn về tương lai, thì không lý do gì, người cùng một dân tộc, cùng một Tổ quốc, mà không thể hòa hợp, đoàn kết với nhau để xây dựng tương lai cho đất nước mình...”, nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình từng bày tỏ dịp tháng 4 cách đây mấy năm.

Với cá tính người Việt như hiện nay, thái độ hiểu biết bao dung và sự hòa hợp tự thân trong chính cộng đồng của mình vẫn còn là một nan đề.

MỚI - NÓNG