Không rõ ràng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Quảng Ngãi muốn hủy dự án Công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn – Sa Huỳnh vì cho rằng hiệu quả kinh tế xã hội “không rõ ràng”. Hà Nội vừa quyết định phá bỏ mấy trăm cây phong lá đỏ đã khô héo gần hết, dù khả năng sinh trưởng của loại cây này được báo trước là “không rõ ràng”.

Cũng như từng có hàng loạt dự án ngàn tỷ phải “đắp chiếu” do không tính kỹ hiệu quả đầu tư có rõ ràng hay không.

Tỉnh Quảng Ngãi đã phải mất gần 5 năm trời và tiêu tốn hàng triệu đô la từ ngân sách để theo đuổi giấc mơ Công viên địa chất toàn cầu. Với hàng trăm đợt khảo sát, hàng chục hội nghị hội thảo quốc tế tầm cỡ, nhận được đánh giá cao của thế giới về địa chất, địa mạo hiếm có của công viên. Mà nếu không vướng đại dịch COVID-19 khiến phiên bỏ phiếu cuối năm ngoái phải hoãn lại, thì di sản địa chất này có khi giờ đã được UNESCO công nhận và vinh danh.

Từng có việc một số địa phương trù trừ, không mặn mà với các danh hiệu, danh xưng di sản quốc tế vốn rất xứng đáng được trao. Bởi “ôm” các danh hiệu, danh xưng tầm cỡ được quy định nghiêm ngặt ấy sẽ rất khó, rất “vướng” trong việc chia dự án, giao đất đai cho các nhà đầu tư, khó “phân lô bán nền”... Quảng Ngãi có vậy không?

156 ha đất rừng sản xuất ở Gia Lai vừa được chuyển đổi mục đích sử dụng để làm sân golf thời hạn 50 năm. Tỉnh Quảng Trị vừa chuyển hơn 360 ha rừng trồng thuộc quy hoạch rừng phòng hộ để xây dựng Khu công nghiệp. Trước đó Quảng Nam chuyển đổi gần 35 ha rừng để làm thủy điện và dự án bất động sản. Trong đó hơn 1ha rừng dừa nước đặc hữu riêng có ở Hội An phải nhường chỗ để xây khu đô thị,...

Tất nhiên chính quyền các địa phương, và các chủ đầu tư phải cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật mọi mặt về tính trung thực của hồ sơ dự án và các vấn đề liên quan đến việc sử dụng công thổ. Nhưng khả năng về những hệ lụy với thiên nhiên, môi trường, dân sinh có thể xảy ra từ các dự án này, liệu đã được tính toán, tiên liệu rõ ràng?

Có nhiều quan điểm, phương pháp khác nhau để tiên liệu tương lai, nhưng có thể nói là không dễ dàng để quản trị việc này. Nhưng với không ít những công việc cụ thể, từ dự án kinh tế-xã hội, chủ trương chính sách, quy định, cho đến việc bổ nhiệm vị trí nhân sự nào đó không khó để biết trước hiệu quả lẫn hậu quả của nó. Đủ thông số, dữ liệu để không mơ hồ về kết quả. Nhưng vì sao sai lầm vẫn liên tục xảy ra?

Tân Bộ trưởng Giáo dục vừa viết thư gửi nhà giáo cả nước. Trong đó khẳng định “Trồng người là vì cả trăm năm, chúng ta ươm tạo những trái ngọt cho mai sau, nhưng ngay ngày hôm nay, cả chúng ta và xã hội đã phải nhìn thấy những cây chắc khỏe và cành lá xanh tươi". Đó thể hiện mong mỏi về mọi thứ mục tiêu, chiến lược đều được nhìn thấy và nắm bắt một cách rõ ràng. Không chỉ với ngành giáo dục, và không chỉ ở trong những dòng tâm thư khi vừa nhậm chức.

MỚI - NÓNG