Catherine Karnow cuộc trò chuyện tháng Tư

Catherine Karnow và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Catherine Karnow và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
TP - Catherine Karnow - người nổi tiếng, có mặt ở Hà Nội tháng 4 năm nay để làm triển lãm quan trọng đầu tiên của mình về đất nước Việt Nam. Chị cởi lòng về người cha “vĩ đại” Stanley Karnow, về tình yêu dành cho nhiếp ảnh, về Tướng Giáp, Phạm Xuân Ẩn... và đương nhiên, về cuộc chiến đã lùi xa 40 năm.

Chị  nói cha mình- Stanley Karnow là một người vĩ đại. Chị có thể kể thêm về sự vĩ đại của ông, bởi ở Việt Nam rất nhiều người biết ông, nhất là sau bộ phim “Việt Nam - một thiên lịch sử bằng truyền hình” hơn hai chục năm trước.

Cha tôi là một người đặc biệt. Ông rất rộng lượng và thích giúp đỡ người khác. Ông luôn sẵn lòng tiếp các nhà báo trẻ và dành thời gian cho họ mỗi khi họ tới tìm để xin ông lời khuyên. Ông rất thân thiện và luôn lắng nghe câu chuyện của mọi người. Ông thích đặt câu hỏi như “anh từ đâu đến”, “câu chuyện của anh như thế nào” hay “anh có gì muốn kể với tôi” với bất cứ ai. Ông thích nói chuyện với người bồi bàn, người bán xăng, đưa thư… Nói chung, cha tôi là một “quý ông rộng lượng”.

Cha luôn hăng say làm việc. Ông làm việc nghiêm túc với quyết tâm đạt mục đích đặt ra. Ông sắp xếp công việc một cách khoa học, tỉ mỉ.

“Việt Nam-một thiên lịch sử bằng truyền hình” có lẽ là một trong những bộ phim tài liệu hay nhất, một trong những phim về Việt Nam hay nhất. Chúng tôi chưa được đọc cuốn sách mà từ đó bộ phim ra đời- cuốn “Việt Nam- một lịch sử” (Vietnam - A History) của cha chị. So với bộ phim thì cuốn sách thế nào?

Cha tôi luôn đòi hỏi sự kỹ lưỡng, cụ thể trong công việc. Ông cẩn thận với từng chi tiết nhỏ, nhất là với sê-ri Việt Nam-một thiên lịch sử bằng truyền hình. Bởi vì nó dựa trên cuốn sách của ông. Bộ phim được làm bởi cả một ê-kip, khó tránh khỏi sai sót. Vì lẽ đó, ông theo rất sát quá trình sản xuất, thấy sai chỗ nào lập tức sửa chỗ đó, để nội dung phim bám chặt cốt truyện.  

Tôi đọc Vietnam - A History từ rất lâu, khoảng những năm 1988- 1989, trước khi tôi tới Việt Nam. Đó là cuốn sách hay, rất giá trị. Tôi nói vậy không phải vì cha tôi viết ra nó. Mà vì đó là cuốn sách lịch sử viết dưới góc nhìn của một nhà báo, chứa đựng những thông tin giá trị đối với cả người Mỹ lẫn người Việt Nam. Tuy nhiên nó viết về Việt Nam của những năm trước nên đọc xong, tôi không hình dung nổi bối cảnh đất nước các bạn thời điểm đó. Nên tôi mới sang đây.

Tôi nghe cha kể về quá trình viết Vietnam - A History. Khi sang Việt Nam phỏng vấn ai đó, ông không chỉ ghi câu chuyện người ta kể mà còn đặc tả chi tiết khung cảnh lúc bấy giờ: căn phòng có những gì, trên đường có những gì... Ông chép chúng lên những tờ giấy mà một tháng trước tôi mới tìm thấy khi dọn nhà. Tận khi đó, tôi mới thực sự hiểu được cái cách làm việc của ông.  

Năm 2013, chúng tôi đã thấy chị đứng ở phố Hoàng Diệu lẫn trong những người chứng kiến sự ra đi của Tướng Giáp, gương mặt đầy xúc cảm. Giờ nhớ lại, thời gian đó, điều ấn tượng nhất  với chị là gì?

Ấn tượng lớn nhất với tôi cũng như nhiều người khác là hình ảnh người dân đổ về từ mọi miền đất nước để viếng. Không ai nghĩ lại đông như thế. Tôi nghĩ đám tang Tướng Giáp là sự kiện lịch sử của một đất nước. Bên cạnh đó, với tôi, đây cũng là đám tang của một người bạn, gợi lại cảm giác lúc cha tôi qua đời (một năm trước). 

Còn về Tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn người mà chị từng chụp ảnh. Chị có tiếp xúc nhiều với ông ấy không và có ấn tượng gì?

Ông Ẩn là bạn tốt của bố tôi. Họ làm việc chung tại tạp chí Time (Mỹ) nên tôi cũng có dịp tiếp xúc với ông ấy. Khi nảy ra ý định chụp Phạm Xuân Ẩn, tôi muốn sắp đặt một chút: chọn một tạp chí tiếng Việt đặt cạnh tạp chí Time làm bối cảnh để làm rõ thân phận của ông ấy. Nhưng khi bắt tay vào làm việc, tôi nhận thấy trên gương mặt ông ấy đã có đủ những điều tôi muốn nói nên khỏi cần bày biện nữa.

Nhìn vào đôi mắt Phạm Xuân Ẩn, tôi thấy một sự bí ẩn, đồng thời thấy có nhiều con người khác nhau bên trong ông. Có thể lúc đó, ông đã trút bỏ cái mặt nạ phải đeo suốt nhiều năm.

Catherine Karnow cuộc trò chuyện tháng Tư ảnh 1 Catherine Karnow tác nghiệp trên đường phố Hà Nội.

Nghề chụp ảnh đã khiến chị được đi khắp thế giới, dự phần vào nhiều sự kiện quan trọng, gặp những con người thú vị. Chắc chị là một người hạnh phúc?

Chắc chắn rồi. Hồi còn học trung học, tôi đam mê rất nhiều môn như văn học, địa lý, tâm lý học, nhiếp ảnh… Khi học khóa nhiếp ảnh đầu tiên, tôi thực hiện một chuyến đi, ghi lại các sự kiện bình thường trong cuộc sống. Bỗng dưng tôi thấy mình phù hợp nhất với nghề này. Nó giống kiểu tình yêu sét đánh từ cái nhìn đầu tiên (cười). 

Cha chị là  sử gia nổi tiếng thế giới, nhà báo từng đoạt giải Pulitzer, còn chị mơ ước gì cho sự nghiệp và cuộc sống của mình?

Kế hoạch lớn cho sự nghiệp của tôi thì rất khó diễn tả bằng một vài lời. Tuy nhiên tôi có thể nói về vài thành tựu của mình. Ví dụ lần chụp ảnh Thái tử Charles (Vương quốc Anh) cho tạp chí National Geographic (Mỹ) là một mốc đáng nhớ trong sự nghiệp của tôi. Hay triển lãm tại Hà Nội tháng Tư này, Việt Nam- 25 năm của một đất nước đang thay đổi- cũng là thành công lớn.

Tới đây tôi mong muốn được làm việc ở Việt Nam nhiều hơn, không chỉ thực hiện những dự án cá nhân mà có thể hợp tác với các tổ chức khác trong hoặc ngoài nước, dùng phong cách nhiếp ảnh của mình mô tả cuộc sống và con người Việt Nam.

Là con gái của một người cha vĩ đại, tôi chịu một số áp lực và một số trách nhiệm nhất định để hướng tới thành công như bố tôi. Tôi không đặt mục tiêu đạt giải thưởng nhất định nào cả, chỉ muốn sống và làm việc theo phong cách của cha tôi.

Qua 25 năm biết đến Việt Nam, theo chị, đất nước này có điều gì cần chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa? Còn điều gì chưa ổn?

Giống rất nhiều người nước ngoài đến Việt Nam, tôi gặp khó khi sang đường vì giao thông quá lộn xộn. Tôi không nói là điều tệ nhất, mà chỉ là ấn tượng khó quên khi ra đường chụp ảnh. Nói chuyện với những người nước ngoài khác, thấy họ khen dân Việt giỏi, lộn xộn thế mà vẫn đi được. Nhưng thực tế vẫn rất nhiều tai nạn xảy ra, cho cả người bản địa lẫn người nước ngoài. Tôi mong giao thông Việt Nam được chỉnh lại cho an toàn hơn.

Qua những bức ảnh, mọi người có thể thấy cái nhìn của tôi về sự thay đổi trên đất nước này. Tôi muốn đưa cái nhìn khách quan từ ống kính của nhiếp ảnh gia mà thôi, một cái nhìn của cá nhân ghi lại nhật ký hành trình. Đồng thời nó cũng nói lên cách sống của một người Mỹ. Ở Mỹ có một quan niệm rõ ràng: nếu anh có giấc mơ và làm việc chăm chỉ để theo đuổi giấc mơ đó, anh sẽ có cơ hội thành công. Đa phần người Mỹ có chung suy nghĩ này dù nó không đúng với tất cả mọi người. Bởi vậy chúng tôi luôn làm việc chăm chỉ để tìm cơ hội thay đổi cuộc sống. Tôi mong giấc mơ ấy có thể thực hiện được ở khắp nơi, 

Chị có vẻ là một người rất dễ xúc động?

Ồ, dĩ nhiên. Tôi nghĩ có hai mẫu người. Một mẫu mang cảm xúc rõ ràng. Điều này rất quan trọng đối với một nhiếp ảnh gia- cái nghề đòi hỏi bạn phải cảm nhận được mọi thứ. Mẫu còn lại có thể có những cảm xúc bất chợt, khó làm chủ bản thân. Khỏi phải nói, tôi thuộc về mẫu thứ nhất. 

Cha chị từng trả lời phỏng vấn trong một bộ phim “Lẽ ra người Mỹ đã có thể tránh được cuộc chiến tranh Việt Nam”. Ông từng nghiên cứu kỹ lịch sử cuộc chiến, từ lúc Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thập kỷ 40 từng viết thư cho Tổng thống Harry Truman kêu gọi giúp đỡ, nhưng Truman lờ đi và quyết định ủng hộ người Pháp. Cha chị từ chỗ ủng hộ cuộc chiến tranh Việt Nam của Chính phủ Mỹ, đã quay sang thay đổi hoàn toàn “Chúng ta học gì từ Việt Nam? Chúng ta học rằng lẽ ra ngay từ đầu không nên có mặt ở đó”. Còn chị, thuộc thế hệ sau, có quan điểm thế nào về chiến tranh Việt Nam?

Cuộc chiến ở Việt Nam (của Mỹ) là một sai lầm. Dùng hóa học tấn công con người càng là sai lầm không thể sửa chữa được. Chất độc da cam để lại tác hại rất khủng khiếp. Tôi rất tiếc về chuyện này.

MỚI - NÓNG
Vì sao từ khóa phông bạt vào đề văn lớp 10?
Vì sao từ khóa phông bạt vào đề văn lớp 10?
TPO - Đề văn của một trường THPT tại TPHCM ra yêu cầu ngắn gọn: "Hãy viết bài văn nghị luận bàn về lối sống phông bạt của giới trẻ hiện nay". Một số phụ huynh nhận định đề thi thú vị, mang tính thời sự. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng từ "phông bạt" xuất hiện trong đề thi là không phù hợp.