Catherine Karnow: 'Việt Nam chính là mối liên hệ giữa tôi và cha'

Doanh nhân nước ngoài trên đường phố Hà Nội, 1994. Ảnh: Catherine Karnow.
Doanh nhân nước ngoài trên đường phố Hà Nội, 1994. Ảnh: Catherine Karnow.
TP - Câu đầu tiên tôi hỏi Catherine Karnow trong cuộc gặp sáng 10/4 khá riêng tư “Chị có gần gũi với người cha nổi tiếng của mình không?”. Hỏi như vậy bởi niềm ngưỡng mộ đối với một nhà báo đoạt giải Pulitzer, sử gia Mỹ nổi tiếng, tác giả cuốn Việt Nam - một lịch sử  và tác giả kịch bản bộ phim truyền hình chuyển thể 13 tập từ cuốn sách kia: Việt Nam một thiên lịch sử bằng truyền hình từng gây ấn tượng mạnh cho mình hơn 2 chục năm trước.

“Cha rất tự hào về công việc của tôi ở Việt Nam”

Hỏi như vậy cũng bởi trong talkshow ở Đài THVN năm ngoái, Catherine hơn một lần nhắc đến cha- “cha tôi là một người vĩ đại” nhưng người dẫn chương trình trẻ đẹp đã không hề hỏi tiếng nào về người cha.

Lập tức Catherine nghẹn ngào không nói nên lời. Nói được một hai câu thì nước mắt chảy dài, phải ngừng lại lấy khăn giấy chấm mắt. 15 phút sau đó vừa nói vừa chấm mắt liên tục. Stanley Karnow qua đời năm kia. Ông vừa hứa sẽ viết lời tựa cho cuốn sách ảnh về Việt Nam của con gái thì vài tiếng sau đã nhẹ nhàng chìm vào giấc ngủ vĩnh hằng.

Catherine Karnow: 'Việt Nam chính là mối liên hệ giữa tôi và cha' ảnh 1

Catherine xúc động kể về cha - nhà báo Stanley Karnow nổi tiếng. Ảnh: H.L.Anh.

Theo Catherine, cha cô là người hoàn hảo, nhân hậu bao dung, luôn giúp đỡ các nhà báo trẻ. Ông biết tất cả câu chuyện về những người hàng xóm bình dị của mình, dành thời gian trò chuyện với họ.

“Cha tôi rất tự hào về công việc của tôi ở Việt Nam. Cha đã thực hiện công việc ở Việt Nam như một nhà báo còn tôi gắn bó với Việt Nam như một nghệ sĩ. Mẹ tôi là nghệ sĩ còn cha là nhà báo nên tôi nửa nhà báo nửa nghệ sĩ. Về sau khi nhiều người muốn phỏng vấn cha tôi về Việt Nam, ông luôn bảo hãy nói chuyện với con gái tôi vì nó biết về Việt Nam những năm về sau này nhiều hơn tôi”.

Lẽ ra tháng 2/2013 Stanley có cuộc gặp quan trọng với các chính khách Mỹ chuẩn bị sang Việt Nam làm việc. “Đang ở Sài Gòn, nửa đêm tôi nhận được email của anh trai bảo gọi cho anh ngay. Lập tức tôi biết cha đã mất dù ông không hề bị ốm trước đấy. Tôi ngồi trong căn nhà người bạn, lặng đi mấy phút rồi gọi cho anh trai. Lúc đó tôi có cảm giác mãnh liệt, rằng tôi đang ở đây một mình và ngoài Việt Nam thì không nơi nào hoàn hảo hơn để đón nhận tin này, bởi mối liên hệ của cha con tôi với Việt Nam. Tôi cảm thấy việc tôi ở Việt Nam thời điểm đó và ở một mình là một cái gì đó đã được sắp đặt trước. Việt Nam các bạn có câu gặp duyên, có duyên. Tôi cảm thấy mình có mối duyên với Việt Nam vì mỗi khi tôi ở đây thì đều xảy ra những câu chuyện hợp lý và hoàn hảo bằng một cách thần kỳ nào đó mà tôi không thể lý giải được”.

25 năm của một đất nước đang thay đổi

“Việt Nam-25 năm của một đất nước đang thay đổi” hay “Câu chuyện Việt Nam của tôi” là nội dung những bức ảnh của Catherine bày ở Art Việt Nam, số 24 Lý Quốc Sư, Hà Nội từ 10/4 đến 8/5. Mỗi bức là câu chuyện thú vị về nhân vật và bối cảnh làm nên nhiếp ảnh phẩm.

Catherine Karnow: 'Việt Nam chính là mối liên hệ giữa tôi và cha' ảnh 2

Nhà văn Bảo Ninh, năm 1990. Ảnh: Catherine Karnow

Năm 1990 lần đầu đến Việt Nam, Catherine đã nhờ nhiều người giúp gặp Bảo Ninh. “Tôi đọc Nỗi buồn chiến tranh và rất xúc động. Bảo Ninh là nhà văn tạo nên sự khác biệt và tôi muốn có chân dung anh ấy trong câu chuyện Việt Nam của mình”. Bức ảnh lột tả được thần thái của Bảo Ninh thập kỷ 90, có độ sung sức của người đàn ông xém tuổi 40 và chiều sâu, sự độc đáo và cả nét nghệ sĩ của một nhà văn cho đến nay vẫn thuộc hàng đầu Việt Nam. Tôi góp ý với Catherine, 25 năm qua Bảo Ninh vẫn xuất bản rất nhiều truyện ngắn và tạp văn - cũng rất đặc sắc chứ không phải là “không bao giờ viết nữa” sau tiểu thuyết chấn động Nỗi buồn chiến tranh, như chú thích dưới bức ảnh. Anh sống ở trung tâm Hà Nội, không “ẩn dật xa Hà Nội” như ai đó nói với Catherine. Chị nói sẽ sửa lại chú thích.

“Tướng Giáp, ngọn núi lửa phủ tuyết”- một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất của Catherine, từng xuất hiện trên rất nhiều bìa báo chí thế giới, đương nhiên cũng có mặt. Bức “Gia đình Đại tướng ở mộ” cũng chọn được góc đẹp. Con cháu người quá cố đủ đông, đủ thành kính. Ảnh tang lễ gia đình nhưng không sầu thảm tang thương và cũng không quá riêng tư.

Catherine kể lại khoảnh khắc đặc biệt năm 2013. Vừa hay tin Đại tướng qua đời, từ Mỹ chị đáp chuyến bay sớm nhất sang Hà Nội và sau đó được gia đình Đại tướng mời dự tang lễ ở Quảng Bình “Tôi ngồi trên xe ca nhoài người chụp ảnh dân chúng tiếc thương. Khoảnh khắc xúc động mãnh liệt. Tôi còn xúc động hơn khi mọi người nâng trên tay những bức ảnh Đại tướng do tôi chụp lâu rồi”.

Catherine Karnow: 'Việt Nam chính là mối liên hệ giữa tôi và cha' ảnh 3

“Tướng Giáp, ngọn núi lửa phủ tuyết”. Ảnh: Catherine Karnow

Catherine Karnow: 'Việt Nam chính là mối liên hệ giữa tôi và cha' ảnh 4

"Đám tang tướng Giáp 2013". Ảnh: Catherine Karnow (bức ảnh người dân cầm trên tay là của Catherine Karnow).

Một trong những người Việt thú vị nhất mà Catherine từng gặp và chụp, đó là nhà điêu khắc Diệp Minh Châu, chuyên tạc tượng Bác Hồ. Chị kể đã ấn tượng thế nào về một người từng lấy máu ở tay mình để vẽ vị Chủ tịch nước rồi được Người mời lên chiến khu; câu ông nhận xét bàn tay Chủ tịch nước “cảm giác giống chiếc găng lụa, mềm mại ấm áp. Nhưng nếu không phải bắt tay người thân, nó sẽ giống một nắm đấm thép”.

25 năm của một đất nước đang thay đổi, đó có thể là đại cảnh Sài Gòn hiện đại nhìn từ tòa nhà BITEXCO năm 2012, hậu trường buổi trình diễn thời trang đầu thập kỷ 90, trường quay bộ phim doanh thu cao đề tài đồng tính, hay đơn giản chỉ là hiệu cắt tóc kiểu vỉa hè, hai người đàn ông trong hoàng thất... Ngổn ngang, phân hóa giàu nghèo, pha trộn hiện đại và nếp xưa lề cũ. Bức ảnh bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng ôm cặp sinh đôi nhiễm chất độc da cam trong tư thế khá đặc biệt gây thương cảm, đau xót nhưng không ái ngại đến phải quay mặt đi như nhiều ảnh chụp nạn nhân da cam của tác giả khác.

Catherine Karnow: 'Việt Nam chính là mối liên hệ giữa tôi và cha' ảnh 5

Nạn nhân da cam. Ảnh: Catherine Karnow

Trò chuyện với các phóng viên, Catherine luôn nhìn chăm chú vào mắt họ, gương mặt cực kỳ biểu cảm, đôi mắt xám như có nước. Câu chuyện Việt Nam 25 năm, chuyện tác nghiệp của một nhiếp ảnh gia nổi tiếng trong một gia đình danh tiếng mà sự nghiệp và tình cảm gắn bó với đất nước Việt Nam- kẻ thù cũ, thật là câu chuyện đẹp, có hậu tháng Tư này.

Catherine Karnow là nhiếp ảnh gia của tạp chí National Geographic, đi khắp thế giới nhưng được biết đến là một trong những người chụp Việt Nam nhiều nhất. Tháng 10 tới chị có lớp dạy nhiếp ảnh ở Việt Nam. Năm sau là dự án phim và nhiếp ảnh về nạn nhân chất độc da cam. “Tôi đã quyên góp được số tiền kha khá cho dự án, để mang tiếng nói của nạn nhân chất độc da cam đi xa hơn nữa, nhận được sự quan tâm hơn nữa. Tôi cũng sẽ sớm thực hiện ở đây một dự án liên quan đến môi trường”, chị nói.

MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.