Cắt trộm cáp quang biển, ai chịu trách nhiệm?

Cắt trộm cáp quang biển, ai chịu trách nhiệm?
TP - Thứ trưởng Bộ BC&VT Trần Đức Lai đã có cuộc trao đổi với Tiền phong sau chuyến công tác tới các tỉnh ven biển miền Tây Nam Bộ để triển khai bảo vệ an toàn tuyến cáp quang biển duy nhất còn lại của Việt Nam 
Cắt trộm cáp quang biển, ai chịu trách nhiệm? ảnh 1
Ông Trần Đức Lai

Ông Lai cho biết: Có thể khẳng định hiện tượng cắt trộm cáp viễn thông trên biển là hiện tượng bất thường, hy hữu trên thế giới, chỉ duy nhất xảy ra tại Việt Nam.

Qua làm việc với UBND các tỉnh, chúng tôi thấy nhận thức, hiểu biết về tầm quan trọng cáp quang biển của bà con ngư dân và một số cấp chính quyền địa phương còn quá đơn giản.

Chúng tôi đã thống nhất thực hiện những biện pháp khẩn cấp, trước hết là sau mỗi bản tin dự báo thời tiết, các đài duyên hải (phát các bản tin dự báo thời tiết và hướng dẫn ngư dân tránh bão) phát thông tin về tầm quan trọng của cáp quang biển đến thiết bị thu sóng radio của ngư dân ngoài khơi.

Đồng thời cảnh báo họ tuyệt đối không được cắt trộm thiết bị truyền tải thông tin liên lạc này với thời lượng 2 tiếng/phiên. Ngoài ra, cơ quan công an cần phải xử lý nghiêm những vụ cắt trộm cáp quang trên biển để răn đe.

Ông đánh giá thế nào về việc UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho phép ngư dân cắt cáp đồng phế liệu?

Cuối năm 2006, Công an và Bộ đội Biên phòng tỉnh đã bắt và xử phạt hành chính tàu chở cáp đồng vớt dưới biển mang vào đất liền bán. Thấy tình hình căng thẳng, một số tàu khác cũng vớt cáp nhưng chưa đưa được vào bờ đã bỏ toàn bộ số cáp thu được vứt xuống biển.

Bộ đội Biên phòng tỉnh có tờ trình đề nghị UBND cho phép ngư dân thu gom lại số cáp đồng trên. UBND tỉnh đồng ý với đề nghị này. Tuy nhiên, sau đó tình hình đã trở nên không kiểm soát nổi.

Cắt trộm cáp quang biển, ai chịu trách nhiệm? ảnh 2
Tời trục cáp, thiết bị chuyên dụng cắt trộm cáp biển bị bộ đội biên phòng Bà Rịa - Vũng Tàu thu giữ

Ngư dân đã lợi dụng chủ trương này, vừa thu gom vừa cắt trộm cáp trên biển. Khi việc thu gom cáp biển trở thành phong trào, vào đầu tháng 2/2007, UBND tỉnh đã ra văn bản cấm ngư dân thu gom cáp. Đến ngày 23/3, tuyến TVH bị cắt trộm.

Có thể thấy đây là ý định tốt, nhưng (chính quyền địa phương) đã không lường được hết hậu quả nên điều đáng tiếc đã xảy ra.

Vì sao TVH bị cắt trộm từ cuối tháng 3, đến mãi cuối tháng 4  Bộ BC&VT mới vào cuộc?

Khi phát hiện sự cố với tuyến cáp, Cty Viễn thông quốc tế (VTI) đã báo cho trung tâm bảo dưỡng ở châu Á- Thái Bình Dương để họ bố trí thời gian đến kiểm tra. Sau đó họ mới báo lại  cho VTI nguyên nhân và hướng khắc phục. Đây là nguyên nhân khiến chúng tôi nhận được báo cáo chậm.

Ngay từ tháng 1/2007, báo chí đã đưa tin về việc cơ quan chức năng bắt những tàu chở cáp cắt trộm dưới biển. Khi có hiện tượng này, Bộ BC&VT có cảnh báo VNPT nguy cơ cáp quang đang sử dụng bị cắt trộm?

Đúng là khi được VTI báo cáo, chúng tôi mới biết tất cả các thông tin. Mãi đến cuối tháng 4 vừa rồi, khi các phương tiện thông tin đại chúng rộ lên thông tin, chúng tôi mới biết trước đó đã có hiện tượng cắt trộm cáp trên biển.

Đúng là mình không có thông tin gì chính thức. Đã từng làm chuyên môn nên tôi đảm bảo rằng nếu có thông tin, tôi đủ nhạy cảm để liên hệ đến mối nguy hiểm đối với hệ thống cáp quang đang sử dụng.

Khi một số tàu chở cáp biển bị bắt, vụ việc chỉ được xử lý trong nội bộ Bộ đội Biên phòng và Quản lý thị trường tỉnh. Các Sở BC&VT ở địa phương cũng không hề hay biết. Bưu điện tỉnh cũng không biết.

Chi phí khôi phục khoảng 1,3 triệu USD

Ông Bùi Thiện Minh - Phó TGĐ Tập đoàn BC&VT (VNPT) cho biết tàu cáp chuyên dụng Asian Restorer đã khẳng định sẽ bắt đầu công việc rà nối những đoạn cáp thuộc tuyến cáp TVH bị cắt trộm từ đầu tuần sau.

Chi phí dự kiến cho việc khôi phục khoảng 1,3 triệu USD so với 2,6 triệu USD dự kiến ban đầu và thời gian sửa chữa rút xuống còn 1 tháng so với 88 ngày dự kiến.

Theo Phó GĐ Cty VTI Lâm Quốc Cường, sở dĩ thời gian và chi phí sửa chữa được rút xuống vì các bên thống nhất sử dụng cáp dự trữ trong kho để thay thế, không phải mua cáp mới.

Ngoài ra, cáp sẽ được rải xuống biển chứ không cần vùi sâu như dự kiến ban đầu.

Phía Việt Nam sẽ phải trả 25% chi phí sửa chữa. Tập đoàn CAT (Thái Lan) phải chịu đến gần 45% chi phí sửa chữa.

Cơ quan chức năng đã tìm được những đoạn cáp thuộc tuyến TVH bị đứt chưa?

Bộ BC&VT đã thành lập nhóm thẩm định những mẫu cáp bị cắt trộm do công an cung cấp. Nhóm thẩm định đã tìm thấy các đoạn cáp thuộc tuyến TVH bị cắt trộm.

Bộ BC&VT có trách nhiệm gì trong vụ việc này?

Không có nước nào trên thế giới có riêng tuyến cáp quang quốc tế mà phải có nhiều đối tác cùng nhau xây dựng.

Việt Nam là đồng sở hữu 2 tuyến cáp quang (TVH và SMW3) cùng với nhiều đối tác khác. Các nước sở hữu cùng có trách nhiệm bảo vệ tuyến cáp quang của mình tại lãnh hải của mình.

Chủ đầu tư 2 tuyến cáp quang trên là VNPT, nhưng đây cũng là tài sản quốc gia trên biển. Do vậy nên trách nhiệm bảo vệ là của nhiều bộ, ngành chứ không của riêng gì Bộ BC&VT.

Tuy nhiên, qua vụ việc này, các cơ quan chức năng, kể cả Bộ BC&VT cũng cần rút kinh nghiệm sao cho việc chia sẻ thông tin nhanh chóng hơn, phối hợp tốt hơn nhằm giảm thiểu thiệt hại.

Sau vụ việc này, Bộ BC&VT có kiến nghị Chính phủ cho phép đứng ra chủ trì bảo vệ các tuyến cáp quang hiện có và đang xây dựng cùng với các bộ, ngành khác?

Trong tuần này, Bộ BC&VT sẽ có cuộc họp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tăng cường công tác quản lý đối với các hệ thống cáp trên biển đi qua lãnh hải Việt Nam.

Tôi cũng đã có kiến nghị hoàn chỉnh một số văn bản pháp luật để công tác chỉ đạo, bảo vệ cáp quang biển nhanh nhạy hơn.

Nhưng việc Bộ BC&VT đứng ra chủ trì quản lý cáp quang biển có lẽ không phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay. Chúng tôi chỉ nên chịu trách nhiệm theo dõi về kỹ thuật, nghiệp vụ.

MỚI - NÓNG