Cát tặc phá nát sông Thạch Hãn

Nạn khai thác cát, sỏi trên sông Thạch Hãn qua xã Hải Lệ đã và đang gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Ảnh: HT
Nạn khai thác cát, sỏi trên sông Thạch Hãn qua xã Hải Lệ đã và đang gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Ảnh: HT
TP - Dòng sông Thạch Hãn đi vào lịch sử trong cuộc chiến mùa hè Đỏ Lửa 81 ngày đêm năm 1972 bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị. Dòng sông ấy giờ đang bị phá nát bởi cát tặc.

Sạt lở nặng

Dòng Thạch Hãn chạy dài ngót trăm cây số qua huyện Triệu Phong và thị xã Quảng Trị, từ thượng nguồn đập Trấm Thượng Phước cho tới hạ lưu ngã ba Gia Độ, rất nhiều đoạn bị sạt lở. Chính quyền và người dân địa phương dọc đôi bờ Thạch Hãn cho rằng, nguyên nhân sạt lở là do lòng sông bị hút cát, sỏi.

 Chính quyền và người dân địa phương nhiều lần khẩn cầu lên trên, tổ chức lực lượng đẩy đuổi cát tặc, sỏi tặc để bảo vệ dòng sông nhưng hoạt động khai thác cát, sỏi vẫn diễn ra ồ ạt, nguy hiểm hơn trước. Dư luận ở tỉnh Quảng Trị vẫn nóng chuyện cuối tháng 4 vừa qua, một sĩ quan Công an huyện Triệu Phong làm nhiệm vụ truy quét cát tặc trong đêm trên sông Thạch Hãn bị tử vong. Đến nay cơ quan điều tra chưa có kết luận.

Trước đây có hàng trăm cá nhân, tổ chức với phương tiện thuyền bè, máy móc, tổ chức đào bới, hút cát, sỏi trên sông Thạch Hãn suốt ngày đêm. Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, khu vực hữu ngạn ở thôn Tích Tường (xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị) có HTX khai thác cát, sỏi đường sông Triệu Phong (trụ sở đóng tại thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong) khai thác liên tục trong 3 năm, từ 2009 đến 2011, khiến bờ sông bị sạt lở nhiều cây số. 

Điều kỳ lạ, ngay sau khi HTX này dừng khai thác thì ngành chức năng và UBND tỉnh Quảng Trị tiếp tục cấp phép cho Cty Thiên Phú (trụ sở ở thị xã Quảng Trị) khai thác cát, sỏi, diện tích 8,4 ha sông Thạch Hãn qua xã Hải Lệ. Trước hiện trạng sạt lở bờ sông ngày càng nghiêm trọng, UBND xã Hải Lệ chỉ đồng ý bàn giao cho Cty Thiên Phú 2,8 ha trong số 8,4 ha được cấp phép nói trên.

Khi Cty Thiên Phú vừa bị chính quyền, người dân địa phương buộc rời khỏi khu vực khai thác trước thời hạn UBND tỉnh Quảng Trị cho phép, ngay sau đó UBND tỉnh này lại cấp phép cho một đơn vị khác khai thác cát, sỏi tại đây. Đó là HTX sản xuất vật liệu xây dựng và khai thác cát, sỏi Như Lệ (trụ sở ở xã Hải Lệ). 

Theo giấy phép được cấp, HTX này được phép khai thác cát, sỏi liên tục trong 3 năm (2015-2017), với mỗi năm chỉ 30 nghìn m3 cát trên diện tích 2,8 ha sông Thạch Hãn qua địa bàn xã. Song hơn 1 năm nay, HTX này khai thác ồ ạt. 

Theo phản ánh của người dân và quan sát thực tế của PV, mỗi ngày có hàng trăm xe tải đến bãi tập kết cát của đơn vị này, để chở hàng trăm mét khối cát đi nơi khác bán. 

Lái xe T.Q.M. ở thị xã Quảng Trị cho hay, mỗi ngày chạy gần thì 7-8 lượt, xa thì 3-4 lượt, và chỉ nghỉ vào những ngày mưa to, còn lại chạy quanh năm. Còn theo tài xế N.Đ.Q, ngày nào cũng vậy, sáng sớm xe cộ đã tập kết rất đông, ông chủ cát này bán không dưới 800 m3 cát.

Nuốt nhà ở của dân

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hải Lệ Nguyễn Thuận, nạn khai thác cát, sỏi trên sông Thạch Hãn gây ra nhiều hậu quả, không chỉ tàn phá dòng sông lịch sử mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân 2 bên bờ. Xã Hải Lệ đã phải di dời khẩn cấp 110 hộ dân khu vực ven sông bị sạt lở. Toàn xã bị mất hơn 20 ha đất sản xuất nông nghiệp, hàng chục ngôi mộ bị cuốn trôi, nhà cửa, cây cối bị sập đổ xuống sông.

Do hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông Thạch Hãn vẫn tiếp tục diễn ra, nên tình trạng sạt lở bờ sông, mất đất đai sản xuất vẫn chưa dừng lại. Nhiều lá đơn kêu cứu của người dân tiếp tục được gửi đi, đang chờ “hồi âm” từ các cấp chính quyền. 

Tiếp cận Chủ nhiệm HTX sản xuất vật liệu xây dựng và khai thác cát, sỏi Như Lệ, ông Đinh Ngọc Thường cho biết, đơn vị của ông được cấp phép khai thác cát, sỏi 2,8 ha sông Thạch Hãn qua Hải Lệ. Hơn 1 năm qua, HTX chỉ khai thác cồn cát giữa lòng sông, chưa hề đụng tới diện tích xung quanh và chưa gây ra sạt lở gì (!?). Ông Thường không thừa nhận HTX khai thác cát, sỏi của ông đã gây ra sạt lở bờ sông!

MỚI - NÓNG