Cắt giảm phiền hà, xóa bỏ xin – cho

Các khách mời và Tổng Biên tập báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn tại buổi giao lưu trực tuyến. Ảnh: Thanh Hà.
Các khách mời và Tổng Biên tập báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn tại buổi giao lưu trực tuyến. Ảnh: Thanh Hà.
TP - Ngày 23/12, báo Tiền Phong tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Ngành Y đổi mới để người bệnh hài lòng”. Bạn đọc đã có cuộc trao đổi với TS Phạm Văn Tác - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) và PGS.TS Bùi Công Toàn - Phó Giám đốc Bệnh viện K để hiểu rõ thêm nỗ lực, giải pháp trong công tác khám, chữa bệnh.

Người bệnh là khách hàng

Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền Phong, nhận định năm 2015 Bộ Y tế đã có nhiều nỗ lực, giải pháp, đột phá chiến lược về cơ sở hạ tầng, công nghệ, nhân lực, mà đặc biệt trong công tác khám, chữa bệnh nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế. Nhờ các giải pháp và nỗ lực như vậy, ngành Y tế đã đạt được nhiều thành tựu, tiến bộ quan trọng. Cuộc giao lưu trực tuyến này là dịp để bạn đọc và các chuyên gia khách mời cùng chia sẻ, trao đổi về những vấn đề liên quan đến chất lượng khám chữa bệnh hiện nay.

“Lâu nay, có một thói quen là quan hệ giữa thầy thuốc - bệnh nhân ở đây đó còn hiểu theo nghĩa là xin - cho. Bây giờ phải thay đổi theo hướng dịch vụ, nghĩa là phải coi người bệnh như một “khách hàng”, họ có quyền quyết định sử dụng dịch vụ đó”

TS Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế)

Trả lời câu hỏi của bạn đọc về việc các quy định của Bộ Y tế về thay đổi thái độ phục vụ có tạo áp lực cho nhân viên y tế không, TS Phạm Văn Tác cho biết, quy định trên chắc chắn có áp lực đối với cán bộ y tế. Theo ông Tác: “Lâu nay, có một thói quen là quan hệ giữa thầy thuốc - bệnh nhân ở đây đó còn hiểu theo nghĩa là xin - cho. Bây giờ phải thay đổi theo hướng dịch vụ, nghĩa là phải coi người bệnh như một “khách hàng”, họ có quyền quyết định sử dụng dịch vụ đó.

Đây là việc thay đổi hành vi, thay đổi về nhận thức ở mỗi con người nên chắc chắn có khó khăn và gây áp lực cho cán bộ y tế. Tuy nhiên, mỗi cán bộ y tế cũng cần nhận thức rõ rằng, khi đã chuyển đổi tư duy sang cơ chế dịch vụ thì đó không những là trách nhiệm và nghĩa vụ khi bước vào ngành y, mà còn là quyền lợi của cán bộ y tế trong nền kinh tế thị trường. Vì theo chủ trương, giá dịch vụ hướng tới: tính đúng, tính đủ, thu đúng, thu đủ. Nếu nhiều bệnh nhân hài lòng thì họ sẽ đến khám chữa bệnh và quay trở lại nhiều, như vậy nguồn thu sẽ tăng lên, chất lượng đời sống sẽ tăng lên”.

Kiên quyết xóa bỏ phiền hà 

Ông Tác cho rằng, thay đổi tư duy từ phục vụ sang dịch vụ đòi hỏi mỗi cán bộ y tế phải nỗ lực hơn nữa mới có thể phục vụ tốt cho bệnh nhân. Tuy nhiên, để thỏa đáng với phục vụ đó, cán bộ y tế cũng như bất cứ người lao động nào, cũng cần phải được trả tiền công một cách thỏa đáng trong điều kiện kinh tế đất nước. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa thầy thuốc - bệnh nhân là một mối quan hệ đặc biệt, kể cả chưa đủ tiền mà người bệnh cần cấp cứu thì bác sĩ vẫn phải cấp cứu. Đó là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi cán bộ y tế. Nếu họ phục vụ tốt thì chắc chắn sẽ được quan tâm cả về vật chất và tinh thần.

Có một thực tế vẫn đang diễn ra tại không ít bệnh viện đó là bệnh nhân có bảo hiểm y tế bao giờ cũng bị đối xử “ít chu đáo” hơn bệnh nhân bỏ tiền khám dịch vụ. Bạn đọc đặt câu hỏi: “Có phải vì đồng tiền mà bệnh viện có thái độ như vậy?”. TS Phạm Văn Tác thừa nhận: “Gần đây, Bộ Y tế qua nhiều kênh thông tin như Hộp thư góp ý, đường dây nóng và đặc biệt là Fanpage của Bộ trưởng cũng có người dân kêu ca về sự phiền hà khi thanh toán bảo hiểm, đặc biệt xảy ra ở khu vực thanh toán tài chính. Chúng tôi cũng đề nghị người dân, người bệnh nếu gặp tình huống như vậy thì góp ý với cán bộ và nếu không tiếp thu thì gọi điện qua đường dây nóng của Bộ Y tế theo số: 
1900 -9095. Mặt khác, Bộ Y tế cũng đề nghị qua buổi giao lưu ở báo Tiền Phong, những cơ sở y tế nào còn có tình trạng trên thì cũng cần khẩn trương rút kinh nghiệm và tổ chức thực hiện tốt hơn”.

Bệnh nhân đi khám theo bảo hiểm thường phải xếp hàng rất lâu để xếp sổ y bạ, làm các thủ tục giấy tờ khá phức tạp, để cải thiện tình trạng này PGS.TS Bùi Công Toàn cho biết, Bộ Y tế đã có cuộc họp liên ngành dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và trong thời gian tới tất cả các bệnh viện sẽ được trang bị đầy đủ phần mềm để thanh toán bảo hiểm y tế. Đó là điều rất mừng đối với Bệnh viện K vì có lẽ chưa có bệnh viện nào thanh toán nhiều tiền thuốc thời gian điều trị kéo dài như tại Bệnh viện K.

MỚI - NÓNG