Cập nhật dịch COVID-19: Kết quả xét nghiệm 700 người Nghệ An từng đến BV Bạch Mai

TPO - Tiến sỹ Nguyễn Văn Định - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An cho biết đã hoàn tất việc lấy mẫu xét nghiệm đối với công dân trở về từ bệnh viện Bạch Mai. 

Kết quả xét nghiệm của 700 người Nghệ An trở về từ BV Bạch Mai 

Ngày 11/4, Tiến sỹ Nguyễn Văn Định - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Nghệ An cho biết, đến nay tỉnh đã hoàn tất việc lấy mẫu xét nghiệm đối với công dân trở về từ bệnh viện Bạch Mai. Kết quả xét nghiệm cho thấy, toàn bộ đều âm tính với virus SARS-CoV-2. 

Hiện, tỉnh Nghệ An chỉ còn 58 người trở về từ BV Bạch Mai đang được cách ly, theo dõi tại nhà; 10 người được cách ly tập trung tại tuyến huyện và 34 người cách ly điều trị tại các bệnh viện. 

Trước đó, qua rà soát, tỉnh Nghệ An có gần 1.000 người từng đến khám, điều trị tại BV Bạch Mai trong vòng 14 ngày từ ngày 10-24/3. Tuy nhiên, do nhiều người đã quá thời gian 14 ngày kể từ khi về từ ổ dịch này, nên cơ quan chức năng chỉ lấy mẫu xét nghiệm đối với khoảng 700 người.

Tính đến nay, Nghệ An đã lấy mẫu xét nghiệm cho 4.335 trường hợp. Hơn một nửa trong số này âm tính với virus SARS-CoV-2, số còn lại đang chờ kết quả. Dự kiến, cán bộ y tế sẽ tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm khoảng 1.000 người đang được cách ly tập trung trên địa bàn. (Thu Hiền)

Đà Nẵng: Hết ca bệnh mắc COVID-19

 Đúng 11h30 ngày 10/3, nữ bệnh nhân 135 (người Hải Phòng, ca bệnh cuối cùng trong số 6 bệnh nhân mắc COVID-19 tại Đà Nẵng đã được chữa khỏi) sau khi kiểm tra sức khoẻ, khử khuẩn hành lý được các y bác sĩ dẫn từ tầng 4 khoa Y học Nhiệt đới xuống tầng 1 để lên xe chở ra sân bay để về nhà. Hàng chục y bác sĩ, nhân viên y tế cùng theo tiễn chân nữ bệnh nhân này. Ẩn sau những lớp khẩu trang y tế là nụ cười của những y bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế sau hơn 1 tháng ở lại bệnh viện, thực hiện tự cách ly theo quy định, không được ra ngoài, không được về nhà để “chiến đấu" chữa trị cho 6 bệnh nhân mắc COVID-19. 

Chị Lê Thị Hạnh, nữ điều dưỡng lớn tuổi nhất trong số các điều dưỡng viên của khoa Y học Nhiệt đới bất ngờ khi nhận chiếc bánh kem lớn do nữ bệnh nhân đặt rồi shipper (người giao hàng) mang vào. Niềm vui vỡ oà hơn khi lãnh đạo bệnh viện trao giấy chứng nhận chữa trị khỏi COVID-19 cho nữ bệnh nhân và tặng những bó hoa tươi thắm chung mừng cho các y bác sĩ của khoa. Bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc bệnh viện Đà Nẵng tuyên bố: Ca bệnh thứ 6 đã chữa lành. 

Ròng rã hơn 1 tháng nay, chị Hạnh ở lại bệnh viện để phục vụ, chăm sóc bệnh nhân trong khi cha già đau yếu nằm ở quê. Chị chia sẻ: Những ngày phục vụ 6 ca bệnh khá căng thẳng, anh chi em phải chia 3 ca để phục vụ và chăm sóc bệnh nhân. Mỗi ca bệnh xuất viện, anh chị em trong khoa đều vui mừng. Ngược lại, mỗi lần có người nghi ngờ nhiễm bệnh, tất cả lại thấp thỏm trông chờ và khấn cầu cho bệnh nhân âm tính với virus. “Chỉ mong được sớm về nhà để về thăm con, thăm cha. Mỗi ngày ở viện là thấp thỏm ngóng chờ. Nhưng vì công việc, vì sức khoẻ của bệnh nhân nên chị em động viên, nương tự nhau để cùng vượt qua thời gian khó khăn nhất", chị Hanh tâm sự. 

Cập nhật dịch COVID-19: Kết quả xét nghiệm 700 người Nghệ An từng đến BV Bạch Mai ảnh 1 Các y bác sĩ và nhân viên y tế khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng chụp hình kỷ niệm cùng bệnh nhân 135 sau khi được chữa hết virus. Ảnh: Nguyễn Thành

Bác sĩ Trương Thị Hoa, là một trong số người trực tiếp chữa trị cho 6 bệnh nhân ở Đà Nẵng, bộc bạch: Mỗi ca bệnh chữa lành, đội ngũ bác sĩ vui mừng vì áp lực công việc sẽ nhẹ hơn, anh chị em khoa đỡ vất vả hơn. Những ngày cao điểm chữa trị cho 6 bệnh nhân, mỗi ngày vài lượt khám bệnh kéo dài cả mấy giờ đồng hồ chui mình trong bộ đồ bảo hộ nóng nực. Lắm hôm nóng bức, mồ hôi chạy đầm đìa, nhưng anh em vẫn ráng chịu để khám và chăm sóc cho bệnh nhân. 

Trước khi lên xe, nữ bệnh nhân và các y bác sĩ và điều dưỡng không quên chụp hình lưu niệm cùng nhau. Bệnh nhân M. chia sẻ: Dù khoẻ mạnh nhưng cô không ngờ mình lại mắc COVID-19 dễ và nhanh đến vậy. Những ngày ở viện, các anh chị bác sĩ, y tá, điều dưỡng chăm sóc và động viên tinh thân cô rất nhiều. Nhờ đó cô an tâm chữa trị và bệnh nhanh chóng khỏi và sớm được về nhà với gia đình. 

“Được về nhà sau những ngày bị cách ly, chữa trị em vui lắm. Chỉ mong các y bác sĩ luôn khoẻ mạnh, không có ca bệnh nào mới để mọi người được nghỉ ngơi. Mọi người đã vất vả quá nhiều rồi", bệnh nhân M. cho biết. 

Không chủ quan!

Hàng chục năm trong nghề, bác sĩ Phạm Ngọc Hàm, Trưởng Khoa Y học nhiệt đới, cho biết chưa từng chứng kiến, điều trị loại bệnh truyền nhiễm nào có mức độ lây lan nhanh chóng và nguy hiểm như COVID-19. Đây là áp lực mà ông và gần 50 nhân viên y tế trong khoa phải đối mặt trong hơn 1 tháng qua, nay đã phần nào được giải toả. Tuy nhiên, bác sĩ Hàm vẫn nêu cao tinh thần cảnh giác nhắc nhở đội ngũ y bác sĩ và nhân viên khoa mình phải thực hiện nghiêm chỉnh việc cách ly 14 ngày sau chữa trị cho bệnh nhân đúng quy định.

“Từ ngày 27/3, khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 15 về phòng, chống COVID- 19, anh em không ai bảo ai, đều chủ động tự tách ra, không trò chuyện rôm rả, tụ tập sau giờ làm nữa. Mỗi người một góc, ít trò chuyện hơn để giữ khoảng cách. Tránh lây nhiễm trong đội ngũ y bác sĩ và nhân viên y tế là yêu cầu cao nhất trong quá trình điều trị và theo dõi các ca bệnh", bác sĩ Hàm nói 

Cập nhật dịch COVID-19: Kết quả xét nghiệm 700 người Nghệ An từng đến BV Bạch Mai ảnh 2

Bác sĩ Phạm Ngọc Hàm - Trưởng khoa Y học Nhiệt đới (bên trái) người trực tiếp chữa trị cho 6 bệnh nhân COVID-19 trao đổi công việc với bác sĩ Nguyễn Thành Trung (Phó giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng) sau khi ca bệnh COVID 135 xuất viện. Ảnh: Nguyễn Thành

Phó giám đốc bệnh viện Đà Nẵng Nguyễn Thành Trung, cho biết, với kinh nghiệm trong phòng chống các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như SARS, Ebola trước đó, Bệnh viện Đà Nẵng đã xây dựng quy trình hoàn toàn khép kín và đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới về điều trị bệnh truyền nhiễm nhóm A. Cả 6 ca bệnh được chữa khỏi là thành tích, là “chiến thắng” bước đầu của cả tập thể y bác sĩ trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, trong đó công sức đóng góp lớn nhất là của đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế khoa Y học Nhiệt đới, những người đứng đầu nơi chiến tuyến.  “Kết quả ban đầu là đáng mừng nhưng chúng ta không thể chủ quan với dịch bệnh này. Tất cả phải luôn sẵn sàng với mọi tình huống”, bác sĩ Trung nói. 

Chiều ngày 10/4, hơn 40 y bác sĩ và nhân viên y tế Khoa Y học nhiệt đới được cơ quan chức năng TP Đà Nẵng bố trí đưa về một khách sạn trên địa bàn để thực hiện việc cách ly 14 ngày theo quy định. Bác sĩ Hàm cho biết: Anh, chị, em cách ly, nghỉ ngơi sau những ngày căng thẳng. Tất cả được chia làm 6 tốp, nếu có ca bệnh mới mắc COVID thì lập tức sẽ bố trí, phân chia người về lại bệnh viện để chữa trị và theo dõi cho bệnh nhân. “Tất cả chưa nói trước được điều gì. Phải nâng cao cảnh giác, sẳn sàng với mọi tình huống xảy ra", bác sĩ Hàm cho biết. (Nguyễn Thành)

Bắc Ninh kêu gọi gần 6 tỷ đồng phòng chống COVID-19
Hưởng ứng đợt vận động toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19, tính đến hết ngày 9/4, toàn tỉnh Bắc Ninh đã ủng hộ được gần 6 tỷ đồng.
Trong đó, từ ngày 1- 9/4, Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Ninh tiếp tục nhận được sự tham gia ủng hộ tích cực của nhiều cơ quan, doanh nghiệp và cá nhân. Tiêu biểu như: Ủy ban MTTQ thành phố Bắc Ninh; Cục Thuế; Hội Doanh nhân Cựu chiến binh tỉnh Bắc Ninh và các doanh nghiệp trên địa bàn.
Ngoài ủng hộ bằng tiền, nhiều đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân còn ủng hộ bằng hiện vật. Đến nay, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tiếp nhận 7 tấn gạo, 5.000 chiếc khẩu trang, 1.000 bộ quần áo bảo hộ phòng dịch, 1.000 chiếc mặt nạ cản giọt dịch bắn khi giao tiếp, 700 chai khử khuẩn, 20 gường bệnh, 5.000 quả trứng gà, 200kg rau muống thủy canh…
Ngoài ủng hộ qua MTTQ tỉnh Bắc Ninh, nhiều cá nhân, đơn vị đã ủng hộ trực tiếp các cơ sở khám chữa bệnh. Đơn cử, chiều ngày 6/4, nhóm thiện nguyện huyện Quế Võ đến phòng Công tác xã hội của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh trao 100 bộ quần áo chống dịch, 50 lít nước rửa tay khô và một số lương thực phẩm thiết yếu tặng các y bác sĩ tại khu cách ly Bệnh viện Đa khoa tỉnh. (Nguyễn Thắng)
Người dân ủng hộ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 khi đến TPHCM

Khi đi tàu hỏa đến TPHCM, tất cả hành khách và nhân viên đường sắt đều được kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế điện tử và lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Nhiều người dân tỏ ra hài lòng và ủng hộ việc lấy mẫu xét nghiệm để phòng COVID-19 lây lan trong cộng đồng.
 (Ngô Bình) 
 Tiếp tục cập nhật...
MỚI - NÓNG