Cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu: 'Lập trình' thi công tổng thể quyết định sự đúng hẹn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Cùng điều kiện, cơ chế và mặt bằng thi công như nhau, nhưng cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu đang là một trong số ít của nhóm 11 dự án giai đoạn 1 (2017-2020) thi công và về đích đúng hẹn. Chia sẻ về kết quả thi công “top đầu” này, đại diện chủ đầu tư cho rằng, là sự cố gắng của các nhà thầu khi có một bản kế hoạch được “lập trình” tổng thể từ ban đầu.
Cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu: 'Lập trình' thi công tổng thể quyết định sự đúng hẹn ảnh 1
Cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu hoàn thành, trước ngày chờ thông xe

Thông xe đúng tiến độ 2/9

Dự án cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu có chiều dài 50 km với điểm đầu tại thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa - đoạn kết nối với dự án cao tốc QL45 - Nghi Sơn) và điểm cuối dự án tại xã Diễn Tháp (Diễn Châu, Nghệ An - đoạn kết nối với cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt). Công trình thuộc nhóm 11 dự án cao tốc Bắc Nam phía đông giai đoạn 1 (2017 - 2020). Sau khi được thông xe tuyến đường sẽ rút ngắn thời gian đi lại từ Thanh Hóa đến Diễn Châu (Nghệ An) đang 3 giờ xuống còn 1,5 giờ, từ Hà Nội đi (Diễn Châu) Nghệ An đang 5 giờ xuống còn 3 giờ.

Tuyến cao tốc được khởi công ngày 2/7/2021 với tổng mức đầu tư hơn 7.200 tỷ đồng và có tiến độ hoàn thành tháng 9/2023. Toàn dự án có 4 gói thầu xây lắp, gồm XL01, XL, XL03, XL4 với 10 nhà thầu có tên tuổi tham gia thi công.

Đến thời điểm cuối tháng 8/2023, toàn bộ việc xây lắp từ gói thầu XL01 đến XL04 đã xong cơ bản, nền đường đã được thảm bê tông nhựa mịn thẳng tắp và xe có thể chạy từ đầu tuyến đến cuối tuyến, hai bên tuyến đường có hàng rào sắt ngăn cách, bảo vệ. Hiện trường dự án chỉ còn một số đoạn công nhân và máy móc đang hoàn thiện tiếp hạng mục đường gom dân sinh bên dưới.

Tại hiện trường dự án những ngày cuối tháng 8/2023, ông Nguyễn Linh Lợi, Ban Điều hành dự án Nghi Sơn - Diễn Châu, Ban Quản lý dự án 6, Bộ GTVT - chủ đầu tư cho biết, dự án đã cơ bản hoàn thành các gói thầu xây lắp và đủ điều kiện để thông xe vào dịp Quốc khánh 2/9. Tư vấn giám sát tại công trường dự án cũng cho biết, đây là một trong 2 dự án đầu tiên trong nhóm 11 dự án giai đoạn 1 của Bộ GTVT triển khai đạt tiến độ theo đúng cam kết và đưa vào khai thác, sử dụng theo kế hoạch là dịp Quốc khánh 2/9.

“Vượt nắng, thắng mưa” là có thật

Để đạt được kết quả như trên, Giám đốc Ban Quản lý dự án 6, Bộ GTVT Trần Hữu Hải cho rằng, chủ đầu tư và các nhà thầu đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách, trong đó có yếu tố thời tiết khắc nghiệt.

Cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu: 'Lập trình' thi công tổng thể quyết định sự đúng hẹn ảnh 2
Sau thông xe phương tiện từ Hà Nội về Diễn Châu (Nghệ An) rút ngắn một nửa hành trình

Ông Hải chia sẻ, với các dự án cao tốc thi công cùng thời điểm tại các khu vực, vùng miền khác thì chỉ có các khó khăn về bão giá, mặt bằng, đất đắp; tuy nhiên với dự án cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu (khu vực Bắc miền Trung) ngoài các khó khăn trên, hiện trường dự án còn luôn đối diện với mưa bão và nắng nóng (gió lào) thất thường.

“Ngay khi dự án mới khởi công tháng 7/2021 thì từ tháng 8 đến tháng 10 cùng năm, địa bàn Nghệ An lần lượt dính 2 cơn bão liên tiếp là số 5 và số 6, dẫn đến mưa trắng các cánh đồng. Thời gian này, nhiều phạm vi, mặt bằng dự án ngập sâu nhiều mét nước. Tiếp đó, mưa xong thì lại phải chờ thời gian lâu nước rút hết mới có thể huy động máy móc xuống thi công. Tuy khởi công giữa năm 2021 nhưng khối lượng thi công cùng năm gần như dự án không làm được gì”, ông Hải kể lại.

Với chiều dài 50 km, chiều rộng mặt cắt đường giai đoạn 1 rộng 4 làn xe (2 làn mỗi bên), dự án cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu sau khi thông xe tốc độ lưu thông tối đa của ô tô là 80km/h (tốc độ giai đoạn 2 sau khi hoàn thiện tối đa là 120 km/h). Dự án do Ban QLDA 6, Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Sau khi được thông xe tuyến đường sẽ rút ngắn thời gian đi lại từ Thanh Hóa đến Diễn Châu (Nghệ An) đang 3 giờ xuống còn 1,5 giờ, từ Hà Nội đi (Diễn Châu) Nghệ An đang 5 giờ xuống còn 3 giờ.

Ngoài giải quyết tình trạng quá tải phương tiện giao thông, ùn tắc cho QL1A, cao tốc còn giảm áp lực về thời gian, chi phí đi lại cho người dân, doanh nghiệp vận tải trên hành trình Hà Nội - Nghệ An.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án 6, bước sang năm 2022, dự án mới bắt đầu triển khai, từ đây chủ đầu tư đã cùng với các nhà thầu phối hợp với các cơ quan, trong đó có chính quyền địa phương để từng bước tháo gỡ các khó khăn, trong đó có mặt bằng, bão giá và đất đắp nền… Với khó khăn thời tiết thì công trường và nhân sự thi công phải cố gắng thích nghi để hoàn thành công việc. Do vậy câu nói đang truyền tai nhau với anh em thi công ở công trường dự án rằng: “vượt nắng, thắng mưa” là hoàn toàn có thật tại dự án cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu.

Cho ý kiến về việc dự án cùng điều kiện thi công nhưng cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu lại là một trong số ít dự án cao tốc trong nhóm 11 dự án “về đích” đúng hẹn, ông Hải cho rằng, có một số nguyên nhân cơ bản. Thứ nhất, có sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải… Việc này được thể hiện ở việc, mỗi khi dự án có ý kiến, đề xuất cần tháo gỡ của chủ đầu tư là lãnh đạo Chính phủ, Bộ GTVT có ý kiến ngay với các bộ ngành, lãnh đạo tỉnh, chính quyền địa phương để giải quyết, xử lý.

Cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu: 'Lập trình' thi công tổng thể quyết định sự đúng hẹn ảnh 3
Nút giao đầu tuyến của dự án

Thứ hai, với công trường dự án, Phó Giám đốc Ban QLDA 6 được giao nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp Ban Điều hành dự án, đồng thời được Đảng ủy và Giám đốc Ban yêu cầu thường trực tại công trường ngay từ đầu giai đoạn tổ chức thi công. Theo đó, với các phòng, tổ chức quản lý dự án, các gói thầu và các nhà thầu, đơn vị thi công nếu không hoàn thành kế hoạch, tiến độ thi công lập tức trưởng Ban điều hành có đủ thẩm quyền phê bình, kiểm điểm, thậm chí kỷ luật, dừng ngay thi công tại công trường. Khi Phó Giám đốc Ban đã được “trao quyền” có đủ thẩm quyền làm tổng chỉ huy tại công trường thì sẽ vạch, đưa ra phương án, kế hoạch thi công tổng thể cho dự án, cho từng gói thầu. Có kế hoạch tổng thể này Ban Điều hành dự án cứ việc giám sát, kiểm tra, đốc thúc, nếu gần đến ngày, gần ngày nhà thầu, đơn vị thi công chưa xong phần việc đảm nhiệm, công trường vẫn ngổn ngang thì có biện pháp xử lý ngay chứ không chờ họ báo cáo mới nắm bắt, mới chỉ đạo.

Thứ ba, để có sự phối hợp, hỗ trợ của địa phương trong việc giải phóng mặt bằng cho dự án, ngoài sự chỉ đạo của Chính phủ, tháo gỡ của các bộ ngành, bản thân chủ đầu tư phải chủ động thường xuyên làm việc, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và đề xuất của địa phương, người dân trong khu vực bị ảnh hưởng để có các giải pháp cho phù hợp, giúp thúc đẩy tiến độ dự án.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch Gianni Infantino.
U23 Indonesia bất ngờ có cơ hội tham dự Olympic Paris 2024
TPO - Tại đại hội diễn ra ở Bangkok (Thái Lan) vào thứ Sáu vừa qua, chủ tịch Chủ tịch Gianni Infantino cho biết FIFA chuẩn bị đưa ra phán quyết về lệnh cấm dành cho LĐBĐ Israel. Nếu lệnh cấm được thi hành, U23 Indonesia có thể sẽ góp mặt ở vòng bảng bộ môn bóng đá Nam tại Olympic Paris 2024.