Cao tốc mở lối

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ưu tiên đầu tư cho đường bộ cao tốc đang chứng minh hiệu quả kép, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế nhờ vào dòng vốn đầu tư công, vừa trực tiếp mang lại lợi ích cho địa phương có tuyến đường đi qua, ngay lập tức là du lịch địa phương.
Cao tốc mở lối ảnh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính cắt băng khánh thành cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết ngày 29/4. Ảnh: T.Vũ

Cao tốc chắp cánh du lịch

Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, lãnh đạo ngành du lịch tỉnh Bình Thuận cũng phải bất ngờ trong niềm vui khi đón một lượng khách tăng vượt kỳ vọng. Cùng dịp này, Thanh Hóa công bố đón lượng khách du lịch nhiều nhất nước. Có được kết quả bất ngờ này, lãnh đạo cả 2 địa phương đều nhìn nhận, có đóng góp rất lớn từ việc cao tốc Bắc - Nam qua địa phương đưa vào khai thác đúng dịp nghỉ lễ, giúp kết nối tốt hơn với nơi có nguồn khách như TPHCM, Hà Nội.

Cao tốc mở lối ảnh 2
GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội)

Với Bình Thuận, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đưa vào khai thác ngày 29/4, nối thông với cao tốc TPHCM - Dầu Giây, thời gian đi ô tô từ TPHCM tới Phan Thiết chỉ hơn 2 tiếng rưỡi, thay vì 4-6 tiếng như đi Quốc lộ 1A. Số liệu từ ngành du lịch Bình Thuận cho thấy, từ ngày 29/4 - 3/5, địa phương đón hơn 160.000 lượt khách, tăng gấp đôi cùng kỳ năm trước. Công suất đặt phòng lưu trú dịp này lên tới 90%, thậm chí những ngày đầu nghỉ lễ nhiều khách sạn “cháy” phòng, cửa ngõ nối với cao tốc nhiều thời điểm ùn tắc. Đa số khách được địa phương ghi nhận tới từ TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, các tỉnh Tây Nam bộ, chủ yếu đi xe gia đình bằng đường bộ cao tốc tới Bình Thuận. Nhờ kết quả trên và lượng khách tăng theo cao tốc mới, giúp du lịch Bình Thuận đón tới hơn 4,4 triệu lượt khách trong nửa đầu năm, tăng hơn 86% cùng kỳ năm trước. Doanh thu từ hoạt động du lịch ước mang về cho Bình Thuận hơn 10.400 tỷ đồng (tăng 70% so với cùng kỳ năm 2022).

Cùng thời điểm trên, cao tốc Mai Sơn - Quốc Lộ 45 cũng thông xe, nối thông cao tốc giữa Hà Nội với Thanh Hóa, thời gian đi ô tô còn hơn 2 tiếng thay vì 3-4 tiếng như trước. Nhờ đó, từ ngày 29/4- 3/5, Thanh Hóa đón lượng khách du lịch cao nhất nước, với gần 1,2 triệu lượt, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả trên đã góp phần cho du lịch tỉnh Thanh Hóa nửa đầu năm đón hơn 8,3 triệu lượt khách, doanh thu ước hơn 15.000 tỷ đồng (tăng lần lượt 13% và 16% so với cùng kỳ năm trước).

Cao tốc mở lối ảnh 3
Hàng loạt dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đưa vào khai thác mang lại không ít đổi thay cho các địa phương (trong ảnh cao tốc Mai Sơn - QL45)

Dịp lễ Quốc khánh 2/9 nghỉ 4 ngày liên tục, các địa phương có cao tốc Bắc - Nam đưa vào khai thác lại tiếp tục thêm hy vọng vào khách du lịch cất cánh. Với Bình Thuận, cao tốc Bắc - Nam đã đưa vào khai thác thêm đoạn Phan Thiết - Vĩnh Hảo, nối thông hơn 200km đường cao tốc với TPHCM, rút ngắn thời gian đi lại giữa 2 đầu tuyến chỉ còn khoảng 4 giờ. Phía Bắc, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An cũng kỳ vọng vào cao tốc Bắc- Nam đưa vào khai thác đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn - Diễn Châu dịp 2/9 sắp tới. Khi đó, Hà Nội đi Nghệ An chỉ mất chưa tới 4 tiếng, khách du lịch gia đình đi bằng xe cá nhân sẽ có thêm lựa chọn, địa phương có thêm nguồn khách.

Dự kiến, dịp Quốc khánh 2/9, Bộ GTVT sẽ tổ chức thông xe đoạn cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu, chính thức đưa vào sử dụng 8/11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1. Đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn dài 43km, vốn đầu tư hơn 5.500 tỷ đồng; đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu dài 50km, vốn đầu tư hơn 7.290 tỷ đồng (đều dùng vốn ngân sách). Dự kiến, cuối năm nay cầu Mỹ Thuận 2 sẽ hoàn thành, năm 2024 thêm 2 đoạn BOT Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo hoàn thành.

Lợi ích kép

Xét về tương lai không xa, năm 2025 - 2026 toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam sẽ nối thông từ Lạng Sơn tới Cà Mau, đi qua 32 tỉnh, thành phố. Tuyến đường không chỉ góp phần giảm tải cho Quốc lộ 1A, còn giúp tăng tính kết nối, rút ngắn thời gian đi lại giữa các địa phương. Cùng thời gian này, các tuyến cao tốc khu vực dự kiến đưa vào khai thác, như: Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Biên Hòa - Vũng Tàu; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Cao Lãnh - An Hữu; Tuyên Quang - Hà Giang; Hòa Bình - Mộc Châu; Ninh Bình- Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng; Vành đai 3 TPHCM, Vành đai 4 Hà Nội. Khi đó, rất nhiều địa phương được hưởng lợi và cảm nhận rõ sự đổi thay từ cao tốc mang lại.

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt mục tiêu, Việt Nam có 5.000km cao tốc vào năm 2030, với tổng vốn đầu tư khoảng 813.000 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021-2025, ngân sách đã bố trí khoảng 166.000 tỷ đồng để thi công cao tốc Bắc - Nam, một số dự án cao tốc kết nối khu vực; và huy động thêm hơn 105.000 tỷ đồng ngoài ngân sách cho các dự án cao tốc mới. Giai đoạn 2026-2030, thêm khoảng 121.000 tỷ đồng để hoàn thành các dự án cao tốc, nhằm đạt mục tiêu trên, trong đó ngân sách bố trí khoảng 73.000 tỷ đồng.

Với dòng vốn ngân sách đầu tư cho đường cao tốc kể trên, thời gian tới mạng lưới đường cao tốc sẽ bao phủ hầu hết các khu vực, tăng năng lực lưu thông giữa các địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, với tổng vốn ngân sách hơn 166.000 tỷ đồng chi cho làm đường cao tốc giai đoạn tới năm 2025, đây là một lượng tiền lớn được “bơm” vào nền kinh tế để kích thích tăng trưởng, phục hồi kinh tế sau giai đoạn dịch COVID-19.

“Trước mắt, đường bộ cao tốc sẽ tạo thêm quỹ đất để phát triển bất động sản, các khu đô thị, công nghiệp, tạo thuận lợi cho người dân đi du lịch”.

GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội)

GS.TS Đặng Đình Đào (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội) cho rằng, lợi ích trước mắt cao tốc mang lại ai cũng có thể nhận thấy. Ngay khi cao tốc Bắc - Nam đưa vào sử dụng, chắc chắn du lịch, bất động sản các địa phương có tuyến đường đi qua sẽ hưởng lợi, như câu chuyện của Bình Thuận, Thanh Hóa vừa qua. Bên cạnh đó, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, dòng vốn đầu tư công từ các dự án cao tốc góp phần kích thích tăng trưởng, tạo công ăn việc làm.

Tuy vậy, về tầm nhìn dài hạn, theo ông Đào, vẫn phải phát triển đường sắt Bắc - Nam, khơi thông hệ thống vận tải thủy khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Vì nếu chỉ dựa vào vận tải đường bộ, chi phí vận tải tính trên hàng hóa và nền kinh tế sẽ chưa thể giảm, thậm chí tăng lên khi thu phí cao tốc đầu tư công.

“Trước mắt, đường bộ cao tốc sẽ tạo thêm quỹ đất để phát triển bất động sản, các khu đô thị, công nghiệp, tạo thuận lợi cho người dân đi du lịch. Tuy nhiên, về dài hạn, vẫn phải ưu tiên cho đầu tư đường sắt, đường biển, vì vừa an toàn, vừa rẻ, tạo ra giá trị bền vững, mang lại hiệu quả tổng thể cho nền kinh tế. Với đường cao tốc, đi chơi thì được, nhưng vận chuyển hàng hóa sẽ đắt, đắt hơn đường sắt và đường biển rất nhiều”, ông Đào nói.

Chuyên gia này dẫn chứng, có thời điểm, chi phí vận chuyển 1 container Bắc - Nam bằng đường bộ có giá cước tương đương chuyển 1 container từ Việt Nam đi Mỹ đường biển.

MỚI - NÓNG