Cao đẳng, trung cấp chuyển về Bộ LĐTB&XH: Các trường lúng túng

TP - Từ ngày 1/1/2017, các trường trung cấp, cao đẳng thuộc Bộ GD&ĐT chính thức về Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.Từ trường chuyên nghiệp chuyển sang mô hình đào tạo nghề, các trường không khỏi lúng túng và băn khoăn.

Chưa có “bản đồ” mới thì đi theo “bản đồ” cũ

Bà Lê Thị Hồng Hoa, Chủ tịch hội đồng quản trị trường Trung cấp Y dược Lê Hữu Trác, Hà Nội tỏ ra bức xúc, băn khoăn vì cho đến giờ, đã gần hết tháng 1/2017, Bộ Lao động, Thương binh và Xã  hội (LĐ,TB&XH) vẫn chưa có văn bản hướng dẫn các trường trung cấp (TC), cao đẳng (CĐ) tuyển sinh. “Cho đến ngày 16/1, khi dự hội nghị của Bộ LĐ,TB&XH tôi mới biết chủ trương của Bộ cho các trường TC, CĐ chuyển từ Bộ GD&ĐT sang giữ nguyên hình thức, chỉ tiêu tuyển sinh như những năm vừa qua. Còn thời gian trước đó, từ khi có quyết định Chính phủ chuyển hệ thống trường TC, CĐ từ Bộ GD&ĐT về Bộ LĐ,TB&XH, chúng tôi mù tịt, không nhận được bất cứ thông tin chỉ đạo các trường sẽ phải làm thế nào” – bà Hoa nói.

Bà Lê Thị Hồng Hoa chia sẻ thêm những khó khăn đặc thù của trường đào tạo ngành y dược.  Vì các ngành y dược ngoài đào tạo tay nghề thì còn phải đào tạo hàn lâm “Trường tôi hiện đang đào tạo theo mô hình  50% là lý thuyết, 50% thực hành. Thậm chí một “ăn” hai, tức một lý thuyết “ăn” hai giờ thực hành. Nên không biết thời gian tới thế nào” – bà Hoa băn khoăn.

Cũng đào tạo ngành y dược, ông Lê Lương Đống, hiệu trưởng trường TC Y dược Tuệ Tĩnh, Hà Nội khẳng định, đến giờ trường vẫn đang lúng túng, không biết triển khai thế nào từ công tác quản lý, vấn đề báo cáo, vấn đề tuyển sinh vì chưa nhận được văn bản hướng dẫn.

“Bộ LĐ,TB&XH vừa chỉ đạo cứ theo cũ thực hiện. Nhưng thực hiện cái gì, ở đâu, chúng tôi không hiểu thực hiện ra sao. Quyết định của Chính phủ chuyển các trường sang Bộ LĐ,TB&XH, Bộ GD&ĐT  cũng  đã bàn giao. Cấp quản lý nhà nước mới cũng không biết nhiều về chương trình đào tạo cũ. Nên quy định hệ thống giáo viên, giáo trình, lượng giá kiến thức chúng tôi chưa biết sẽ điều chỉnh thế nào” – ông Lê Lương Đống băn khoăn. Chính vì vậy, theo ông Lê Lương Đống, trường đang trong tình trạng bơ vơ,  buộc lòng phải dùng “bản đồ” cũ để đi do chưa có “bản đồ mới” . Ông Lê Lương Đống cho biết thêm trường vẫn đào tạo có phần lý thuyết, có phần thực hành. “Ngành Y đào tạo không phải chỉ cầm tay chỉ việc. Nó không giống các ngành khác. Chúng tôi đề nghị được đào tạo theo chuẩn cũ, không phải chỉ đào tạo kỹ thuật mà phải được đào tạo để biết cơ thể con người như thế nào, máy hỏng thì chữa được, chứ chữa người như chữa máy thì chết” – ông Lê Lương Đống cho hay.

Phải tự điều chỉnh đội ngũ giáo viên

Theo quy định hiện hành, hai hệ thống giáo dục chuyên nghiệp và giáo dục nghề khác hẳn nhau về chương trình đào tạo. Ông Nguyễn Xuân Sang, hiệu trưởng trường CĐ Công nghệ và Thương mại Hà Nội cho biết theo quy định của Bộ GD&ĐT, trường CĐ chuyên nghiệp đào tạo thời gian cho thực hành là 25% - 30%, nhưng ở Bộ LĐ,TB&XH thì thời gian cho thực hành là 80% nên dù chưa có văn bản hướng dẫn trường đã thống nhất với tất cả các khoa điều chỉnh chương trình học thành 50% thực hành, 50% lý thuyết.  Thời gian tới sẽ điều chỉnh theo hướng tăng dần thời lượng thực hành nghề.

Tuy nhiên, theo ông Sang, việc điều chỉnh chương trình đào tạo sẽ liên quan trực tiếp tới đội ngũ giáo viên. Tăng cường kỹ năng thực hành nghề đồng nghĩa với việc tăng cường đội ngũ kỹ năng tay nghề cao. Chuẩn giáo viên của Bộ LĐ,TB&XH cũng khác với chuẩn giáo viên của Bộ GD&ĐT. Vì vậy, trong thời gian đợi, tạm thời các trường khó có thay đổi nhiều.  Nhưng ông Sang cũng dự báo sẽ có tình trạng thừa thiếu giáo viên trong các trường TC, CĐ chuyên nghiệp khi chuyển sang Bộ LĐ,TB&XH vì chương trình đào tạo thay đổi. 

Còn PGS.TS Phan Cao Thọ, hiệu trưởng trường CĐ Công nghệ, ĐH Đà Nẵng khẳng định, nhìn chung các trường CĐ, TC chuyên nghiệp chuyển sang Bộ LĐ,TB&XH đều lúng túng vì chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể.

MỚI - NÓNG