Cảnh sát môi trường: Ngổn ngang nhiệm vụ

Cảnh sát môi trường: Ngổn ngang nhiệm vụ
TP - Bộ Công an quy định: Các phòng Cảnh sát môi trường đều có chức năng phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống tội phạm; điều tra xử lý các vi phạm khác về môi trường theo quy định của pháp luật.

Đồng thời phối hợp với các ban ngành hữu quan thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và xây dựng phong trào toàn dân về bảo vệ môi trường; góp phần ngăn chặn kịp thời những hành vi xâm hại đến môi trường, trả lại sự trong sạch cho môi trường phát triển bền vững v.v…

Luật Bảo vệ môi trường đã được Chủ tịch nước công bố từ ngày 12/12/2005. Hơn 2 năm sau, mới có Phòng Cảnh sát môi trường đầu tiên trong cả nước - PC 36 tỉnh Đắk Lắk, được làm lễ công bố quyết định thành lập và tuyên thệ hành động vào chiều ngày 20/12/2007.

Lần lượt ra mắt sau đó, tất cả các đơn vị PC 36 đều lập tức đối mặt với rất nhiều đơn thư kêu cứu thỉnh cầu của hàng triệu người dân các tỉnh thành, về việc môi trường nơi họ đang sinh sống đã bị ô nhiễm tới mức không thể nào chịu đựng nổi .

Mỗi hệ thống trang thiết bị, nguyên vật liệu cho các nhà máy nhập từ ngoài biên giới về đều phải trải qua các bước kiểm soát, sàng lọc, cấp phép nhiều cổng của các Bộ: Khoa học - Công nghệ, Công Thương, Tài chính.

Mỗi nhà máy muốn được xây dựng và cấp phép vận hành đều phải được các sở ngành liên quan của từng địa phương đánh giá về tác động môi trường.

Thế nhưng trong thực tế, đa số các nhà máy, cơ sở chế biến mọc lên tới đâu thì người dân vẫn kêu trời tới đó vì môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. 

Luật Bảo vệ Môi trường đặc biệt chú ý những tiêu chí về kiểm soát bụi, chất thải, tiếng ồn, độ rung, ánh sáng , bức xạ với cụm từ lặp đi lặp lại “phải đạt tiêu chuẩn môi trường”.

Nhưng “tiêu chuẩn môi trường” cụ thể là bao nhiêu, lấy trang thiết bị ở đâu để đo đạc nó thì đa số cán bộ thừa hành khi “đụng chuyện” đều lắc đầu chịu thua. 

Dẫn đầu về “thành tích” gây ô nhiễm môi trường trên cả nước thuộc về nhóm nhà máy và cơ sở chế biến tinh bột, sản xuất thức ăn gia súc, xưởng cưa v.v….

Khi khánh thành nhà máy, dân quanh vùng phấn khởi bao nhiêu thì chỉ một thời gian sau họ thất kinh vỡ mộng bấy nhiêu. Những núi bã ngô, sắn, đậu, cà phê khi gặp mưa, ngậm nước đều phân hủy và bốc mùi hôi thối khủng khiếp xa hàng cây số, nhiều nguồn dẫn lưu trở thành “nước chết” gây tai họa cho mọi sinh vật xung quanh.

Chính quyền các tỉnh thành có nguồn nông sản lớn hầu hết đều đã nhận rất nhiều đơn thư kêu cứu về vấn đề này, nhưng quy trình giải quyết thường nhiêu khê chậm trễ, và việc khắc phục hậu quả thường rất khó khăn.

Công nghiệp hóa đã, đang và sẽ tiếp tục phát triển gắn liền với đà tăng tiến của mọi hiện tượng ô nhiễm, khi các cơ quan chức năng tiếp tục không làm tròn phận sự của mình về việc gác cổng môi trường.

Dư luận đang đặt câu hỏi: Liệu lực lượng Cảnh sát môi trường có sớm thực thi nghiêm chỉnh chức năng nhiệm vụ, đáp ứng được nguyện vọng góp phần làm trong sạch môi trường cho hàng triệu người dân đang thiết tha trông chờ, hy vọng?

MỚI - NÓNG