Tư lệnh lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines. (Ảnh: Reuters) |
Manila gần đây chỉ trích mạnh mẽ hơn việc Trung Quốc tiến hành các hoạt động xây dựng và đưa hàng loạt tàu xuống vùng biển mà nước này có yêu sách rộng khắp một cách phi lý.
“Chúng tôi đang đảm bảo ngư dân cảm nhận được sự hiện diện của các tàu bảo vệ bờ biển trong khu vực”, Đô đốc Artemio Abu, Tư lệnh lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines (PCG), nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn.
“Chúng tôi đang tăng cường hiện diện. Khi có thông báo, các tàu của chúng tôi sẽ có mặt ở đó và chỉ hoạt động vì mục đích đó”, ông Abu cho biết.
Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines gồm 26.000 người, được trang bị 25 tàu chính để tuần tra.
Sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tuyên bố sẽ không từ bỏ một tấc đất nào cho nước ngoài, nhận được sự ủng hộ của những người đề cao phán quyết của Toà trọng tài quốc tế năm 2016.
Từ năm 2002, Philippines đã gửi 200 công hàm ngoại giao và tuyên bố phản đối hành động của Trung Quốc trên Biển Đông.
Tháng trước, khi Tổng thống Marcos thăm Trung Quốc và gặp Chủ tịch Tập Cận Bình, hai nhà lãnh đạo tái khẳng định sẽ tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.
Tuy nhiên, trong tuần này, ông Marcos chấp thuận đề nghị của Washington để cho phép quân đội Mỹ sử dụng thêm căn cứ quân sự của Philippines, trong bối cảnh Washington muốn tăng cường hiện diện ở khu vực để đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc.
Lầu Năm Góc cho biết, Mỹ và Philippines đã đồng ý nối lại hoạt động tuần tra chung trên Biển Đông “để đối phó với những thách thức”.
Ông Abu cho biết, việc lực lượng cảnh sát biển mua thêm các tàu hiện đại, trong đó có một tàu phản ứng đa nhiệm dài 97m, cho phép họ tăng số lượng và thời gian tuần tra trên Biển Đông.
“Giờ chúng tôi có thể ở đó lâu hơn, ra xa hơn và bao phủ khu vực rộng hơn”, ông Abu cho biết.