Cảnh giác với hàng 'hết đát' dịp Tết

Cảnh giác với hàng 'hết đát' dịp Tết
Mặc dù rất nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về hàng hóa "hết đát" nhưng dường như ham của rẻ vẫn là tâm lý tiêu dùng đáng lo ngại của phần lớn các bà nội trợ hiện nay.

Để bán tống bán tháo số mặt hàng năm cùng tháng tận này, những người bán hàng không ngại ngần sử dụng các chiêu trò để mời gọi, thậm chí làm lại date mới cho hàng cận "đát".

“Chạy đát” với năm cùng tháng tận

Hàng gần hết "đát" (đát) còn gọi là hàng sắp hết hạn sử dụng. Để cứu vãn cái ngày tháng hạn định đã được đóng "cộp" lên sản phẩm, để giải quyết vấn đề tồn kho, nhiều nhãn hàng thường mở các đợt thanh lý với giá rẻ như bèo, nhất là vào dịp năm hết Tết đến, trong đó có không ít con buôn thu mua lại rồi bán ra với giá rẻ nhằm kiếm lãi chênh lệch.

Còn tâm lý người tiêu dùng của các bà nội trợ xưa nay rẻ vẫn là nhất, đặc biệt trong thời buổi ba xu một cắc cũng cần phải tiết kiệm nói gì mấy chục ngàn, trăm ngàn như hiện nay. Với suy nghĩ, hàng này là hàng cận "đát" chứ có phải là hàng hết “đát” đâu mà “nhảy dựng” hết cả lên. Cận "đát", nghĩa là vẫn còn dùng được, vẫn còn trong phạm vi an toàn cho phép. Cận "đát", nghĩa là vẫn còn "đát".

Theo tìm hiểu, mặt hàng hàng gần hết "đát" chủ yếu là thực phẩm, tiêu dùng như bánh kẹo, nước uống giải khát, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... Trong đó, sữa, bột ăn dặm và mỹ phẩm dường như là những sản phẩm cận "đát" quen thuộc nhất. Các mặt hàng này chủ yếu có nguồn gốc từ nước ngoài, tuồn vào trong nước bằng con đường xách tay, không qua hải quan, vì thế chất lượng là một điều không ai có thể nói chắc chắn được.

Lướt qua các trang rao vặt hay các diễn đàn lớn dành cho phụ huynh như lamchame hoặc webtretho, dễ dàng bắt gặp những mẫu tin thanh lý các loại sữa và bột cận "đát" với “giá rất hạt dẻ, free ship nội thành Hà Nội”, “nhanh tay kẻo hết”.

Mặc dù giá bán thanh lý hàng cận "đát" không rẻ đến mức như bèo (giảm dao động từ 20 - 50%) song các mẩu tin này vẫn nhận được rất nhiều sự quan tâm và ủng hộ mua hàng.

Chị Lương Thị Hoài Thu, một thành viên Lamchame chia sẻ: “Thú thực, sau khi nghe báo đài nói về những rủi ro khi mua hàng cận "đát", tôi cũng lo lo. Nói là giá thanh lý thực ra cũng chỉ rẻ hơn một chút mà thôi. Nhưng mà nhiều chút ấy góp lại, cuối tháng tính ra cũng tiết kiệm được kha khá. Thành ra những người tiêu dùng như chúng tôi vẫn bấm bụng làm liều. Cái này hên xui thôi đã mua thì phải chấp nhận. Cũng may, trong mấy lần mua hàng cận "đát", trộm vía chưa thấy hậu quả gì”.

Hàng cận "đát" không chỉ có đất ở thị trường trực tuyến mà còn được bày bán ở các siêu thị, cửa hàng, thậm chí ngoài đường vói các băng rôn, biển hiệu giảm giá khủng được trưng lên đế đánh vào tấm lý ham hàng giá rẻ của người tiêu dùng, mục đích là thu hồi vốn nhanh. Và dù ở đâu thì số lượng người mua cũng đông đảo. Nhất là dịp năm hết Tết đến này, ai cũng mong bán tống bán tháo số hàng này đi cho “nhẹ nợ”. Vì thế mà, đây là thời gian trong năm, loại hàng cận "đát" này "nở rộ" nhất. Người bán cũng nhiều mà người mua cũng lắm.

Tuy nhiên, hàng quá “đát” vẫn có thể còn "đát" nếu được hô biến một cách tinh vi. Để trục lợi và cứu vãn số vốn bỏ ra, nhiều người kinh doanh hàng cận "đát" không ngại ngần công cuộc “chạy "đát" mới”.

Việc chạy "đát" mới cũng không khó như chúng ta tưởng. Theo tìm hiểu của PV để tránh tình trạng sản xuất hàng nhái, hàng kém chất lượng thì trên thế giới, nhiều công ty đã sử dụng công nghệ dập nổi (đối với các bao bì kim loại) thay bằng dập bằng mực ở chỗ ngày sản xuất và hạn sử dụng.

Tuy nhiên, trên thực tế, ngày sử dụng của nhiều hãng vẫn được dập theo cách truyền thống, tức bằng mực nên việc tẩy xóa không quá khó. Hạn sử dụng chuẩn in trên thân vỏ rất dễ xóa đi nếu người ta có một chút kiến thức về các phản ứng hóa học, cụ thể tẩy bằng javen hoặc aceton.

Trong vai một khách hàng đi mua máy in/dập "đát" chúng tôi được một người bán mặt hàng này ở phố Trương Định, quận Hoàng Mai, Hà Nội tiết lộ càng về cuối năm, lượng người đi mua máy in/dập "đát" càng nhiều.

Ở phần hạn sử dụng, người ta dập bằng mực là để tạo ra một cơ chế linh động và tạo ra một con đường sống cho hàng cận và hết đát. Người này cho biết trên thị trường hiện nay, chỉ với hơn 1 triệu đồng thì những người kinh doanh dễ dàng sở hữu một chiếc máy in dập "đát" thủ công hoặc tự động với đủ kích cỡ, tiện dụng, để từ đó người bán hàng có thể chủ động hơn và trở thành người quyết định hạn sử dụng thay vì nhà sản xuất.

Khi đưa ra băn khoăn, loại máy này có tác dùng với bao bì giấy, nilon không thì chúng tôi được chủ cửa hàng này cho biết vẫn dùng được. Tuy nhiên, với bao bì nilon, giấy, thường thì người ta sử dụng chiêu bài dán tem phụ tự chế lên chỗ hạn sử dụng để che mắt người tiêu dùng. Chỉ trừ vị khách hàng nào vô tình bóc tem phụ đó ra thì mới biết được bản chất của sự việc, còn nhìn chung, thủ đoạn này khá trót lọt.

Cảnh giác với hàng 'hết đát' dịp Tết ảnh 1 Hạn sử dụng được in trên bao bì kim loại khá dễ tẩy xóa 
Cẩn thận kẻo rước họa vào thân

Bạn Trần Thạnh Thúy, du học sinh đang sống tại Pháp kể: “Ở đây cách mấy tháng siêu thị lại có một đợt thanh lý hàng, trong đó có nhiều mặt hàng cận "đát" như sữa, mỹ phẩm... Nhưng ở họ, khái niệm cận "đát" không thoáng như ở Việt Nam mình, như măt hàng sữa bột cho trẻ con chẳng hạn, 6 tháng trước khi hết hạn, người ta đã không bán trong siêu thị nữa rồi. Tôi được biết, có nhiều người Việt sống ở đây, cứ mỗi đợt siêu thị thanh lý hàng, lai gom tiền để đi mua một số lượng lớn, sau đó chuyển về nước qua con đường xách tay”.

Và riêng chuyện nguồn hàng xách tay không qua cửa khẩu hải quan, không đươc kiểm định chất lượng, cộng thêm thủ đoạn lừa đảo chạy "đát" tinh vi để trục lợi nhan nhản như hiện nay, hàng cận "đát" rõ ràng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khôn lường cho người sử dụng. Và thực tế, không ít tín đồ ham của rẻ ngậm quả bồ hòn khi mua bệnh về nhà.

Chị Nguyễn Trang chia sẻ: “Trước Tết 1 tuần, do tham rẻ nên tôi đã mua một thùng sữa cận "đát" Smart milk nhập khẩu từ Úc của một chị trên diễn đàn. Kết quả mang về uống, vị nhạt, không thơm, khi uống cứ có cảm giác ngai ngái không ngon và... kinh kinh. Sợ xanh mắt mèo. Thế là em bỏ phí hẳn 1 thùng sữa và đem cho cún con uống (mà nó còn chẳng thèm uống)”.

Từ trải nghiệm của bản thân, chị Trang còn lập hẳn một topic kêu gọi mọi thành viên diễn đàn nên cẩn thận với hàng cận "đát".

“Thắt lưng buộc bụng” trong thời buổi kinh tế khó khăn như thế này là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần phải hiểu sản phẩm mình mua là gì, như thế nào và “tuổi thọ” của nó là bao lâu. Trước khi tiết kiệm cho quỹ chi tiêu của gia đình thì nhũng bà nội trợ nên là một người tiêu dùng thông minh, kẻo không chừng rước bệnh về nhà với những mặt hàng năm cùng tháng tận như hàng cận "đát".

Nhẹ thì mất mùi, không còn mùi vi, nặng hơn chút, có thể bị dị ứng, rối loạn tiêu hóa. Nguy hiểm hơn ngộ độc, phải nhập viện, ảnh hưởng tới tính mạng. Đó cũng là bài học nhãn tiền cho những ai ham đồ rẻ. Như ông bà ta vẫn nói: Tiền nào của nấy. Cấm có sai bao giờ!

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, hiện chưa có một chế tài nào cấm bán hàng cận "đát" và việc mua hàng cận "đát" hay không tùy thuộc vào sự lựa chọn của người tiêu dùng. Đối với những sản phẩm cận "đát" không trực tiếp sử dụng vào cơ thể như nước giặt, nước tẩy rửa... thì vẫn có thể tận dụng được.

Tuy nhiên, đối với thực phẩm thì tuyệt nhiên phải thận trọng. Thực phẩm rất dễ bị vi sinh vật và các độc tố xâm nhập nên nhanh chóng biến đổi chất, gây tác dụng phụ, ngộ độc khi sử dụng. Người tiêu dùng phải sáng suốt để có những cách riêng của mình để nhận biết sản phẩm thay vì dựa vào nhãn mác, bao bì và hạn sử dụng.

Phải dùng cảm quan của mình để kết luận hàng đó còn sử dụng được không, bằng cách ngửi mùi, quan sát màu sắc, mùi vị, trạng thái của sản phẩm khi 1 trong những yếu tố này biến đổi thì không nên sử dụng hàng đó nữa.

Theo Theo Cảnh sát toàn cầu
MỚI - NÓNG