Cánh chim đầu đàn của nhiếp ảnh Nam bộ

0:00 / 0:00
0:00
Quân Giải phóng khiêng súng cối qua đầm lầy để tấn công đồn Cái Keo, Cà Mau, năm 1963 Ảnh: Trần Bỉnh Khuôl
Quân Giải phóng khiêng súng cối qua đầm lầy để tấn công đồn Cái Keo, Cà Mau, năm 1963 Ảnh: Trần Bỉnh Khuôl
TP - Tôi không thể quên phát biểu của Horst Fass, đặc biệt đoạn ông nói về Trần Bỉnh Khuôl tại triển lãm ảnh Hồi niệm, Hà Nội tháng 3/2000.

Horst Fass nói: “Khi biên soạn cuốn Hồi niệm (Requiem), tôi nhận được mấy bức ảnh quân giải phóng đánh chiếm đồn Cái Keo và căn cứ Đầm Dơi...của Trần Bỉnh Khuôl. Tôi xao xuyến và thực sự xúc động. Vì những bức ảnh đó nhắc tôi nhớ lại những ngày đầu có mặt tại Sài Gòn với tư cách phóng viên chiến tranh của hãng AP. Sáng hôm ấy, tôi ngồi trực thăng quân sự Mỹ đi từ Sài Gòn vào Cà Mau, nơi chiến sự vừa xảy ra trong đêm. Tôi cứ nghĩ mình là người đầu tiên có mặt tại chi khu quân sự này. Và ảnh mình chụp là độc nhất. Nào có hay, khi đêm diễn ra trận đánh thì Trần Bỉnh Khuôl đã có mặt. Tôi nhận ra hiện trường trận đánh trong ảnh của ông ấy nóng bỏng không khí trận mạc còn ảnh của tôi là hiện trường đồn bốt tan hoang của ngày hôm sau vắng tiếng súng. Tôi thực sự cảm phục đôi chân đất xông pha của các nhà nhiếp ảnh Việt Nam...”

Triển lãm Hồi niệm do Horst Fass và Tim Page kết hợp Hội nghệ sỹ nhiếp ảnh (NSNA) Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam tổ chức, có sự ủng hộ của ông Patton,Thống đốc bang Kentucky (Mỹ) và ông R.Lennon, Giám đốc điều hành Quỹ Hồi niệm. Một triển lãm đặc biệt của các nhà nhiếp ảnh hai chiến tuyến ngã xuống chiến trường Đông Dương từ 1945 đến 1975. Một triển lãm mà năm ấy Tổng thư ký Hội NSNAVN Lê Phức và Phó Tổng giám đốc TTXVN Nguyễn Duy Cương đã cất công sang tận Kentucky dự khai mạc, được bạn tặng mang về Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trưng bày, sau đó tặng lại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, thu gọn thành một gian trưng bày thường xuyên. Và theo ông Lê Phức, Hồi niệm là bộ ảnh hay nhất, cảm động nhất về chiến tranh Việt Nam.

Cánh chim đầu đàn của nhiếp ảnh Nam bộ ảnh 1

Trần Bỉnh Khuôl

Nhắc lời chia sẻ của Horst Fas ở trên kia về Trần Bỉnh Khuôl để thấy rằng, những con người tử tế tài năng, dù ở bên này hay bên kia chiến tuyến, dù xu hướng chính trị có thể khác nhau nhưng họ không đố kỵ, không phủ nhận sự thật khách quan, và giá trị đích thực của những tác phẩm ảnh chân thật. Các nhà nhiếp ảnh bên kia chiến tuyến đã trân trọng tuyển chọn ảnh in trong cuốn Hồi niệm để đời của họ, và triển lãm ở nhiều bang nước Mỹ.

Đêm 9 tháng 9 năm 1963, phóng viên Trần Bỉnh Khuôl đi theo bộ đội và du kích Cà Mau, ghi lại được những khoảnh khắc độc đáo: các chiến sĩ giải phóng người thì mình trần, chỉ mặc chiếc quần xà lỏn, người thì áo may ô, người bận áo dài tay, tất cả bê bết bùn đen, vượt qua sình lầy và hàng rào dây thép gai, đánh chiếm căn cứ Đầm Dơi, Cà Mau. Bức ảnh cho thấy nét mặt của từng chiến sĩ, đặc biệt là chiến sĩ bị thương, sau khi được băng bó vẫn tiếp tục chiến đấu. Ở họ toát lên tinh thần quả cảm.Và ảnh quân giải phóng “chân đồng vai sắt” khênh súng cối, loại 82 ly nặng 36 kg, loại 100 ly năng 75 kg, người ngập trong bùn đến ngực. Lội bùn di chuyển tay không đã khó, đằng này còn súng nặng trên vai, thì mất sức đến chừng nào? Chúng ta xúc động đánh giá cao đã đành, nhưng vì sao Horst Faas và Tim Page lại đồng cảm? Đấy là điều kỳ diệu mà Trần Bỉnh Khuôl đã làm được qua những bức ảnh mang dấu ấn của một tài năng. Họ nhìn thấy sự xả thân của những người lính Việt Nam, và cả sự xả thân của nhà nhiếp ảnh. Cùng cầm máy ảnh ở chiến trường, đi giữa hai làn đạn, họ đọc được ảnh của nhau, cảm nhận được tâm hồn của nhau, kính trọng nhau.

Trần Bỉnh Khuôl có tuổi thơ gian truân, mồ côi cha mẹ năm 11 tuổi. Trước 1945, ông làm nhiều nghề kiếm sống: chụp ảnh dạo, vẽ truyền thần ở thị xã Bạc Liêu. Năm 1946 ông tham gia kháng chiến. Suốt 9 năm kháng chiến gian khổ, hoạt động bí mật ngay trong lòng địch tại tỉnh Bạc Liêu, ông từng bị bắt và đày ra Côn Đảo. Sau đó vượt ngục trở về tiếp tục công tác tại Ban Tuyên huấn huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng. Hiệp định Geneve 1954 có hiệu lực, Trần Bỉnh Khuôl được bố trí ở lại hoạt động, không ra Bắc tập kết. Năm 1961 ông được điều về cơ quan Thông tấn báo chí khu 9, thuộc phòng Điện- Nhiếp ảnh. Một năm sau phòng Điện- Nhiếp ảnh tách đôi, ông được phân công làm Trưởng phòng Nhiếp ảnh Thông tấn xã miền Tây (khu 9). Phòng nhiếp ảnh gồm: Võ An Khánh, Út Minh, Nguyễn Hoàng Phước, Phạm Quang Hiến…những nhà báo hăng hái xông pha trận mạc. Họ chụp được nhiều cảnh bộ đội phá đồn bốt giặc, hành quân vượt sông nước trong đêm, và những cuộc nổi dậy của nông dân phá “ấp chiến lược”, “ấp dân sinh”…

Trần Bỉnh Khuôl sinh 1913 ở huyện Vĩnh Châu tỉnh Sóc Trăng, mất ngày 12/12/1968 trên đường chụp trận đánh ở Rạch Trui, Cái Tàu, huyện U Minh. Ông được đồng đội chôn cất tại nghĩa trang Biện Nhị, huyện U Minh. Nơi đây bị Mỹ và quân đội Sài Gòn san ủi làm trận địa pháo, nên mộ ông mất luôn từ thuở ấy. Sau ngày đất nước thống nhất, nhân dân và chính quyền địa phương đã xây mộ tượng trưng mang tên ông tại nghĩa trang liệt sĩ huyện U Minh.

Từ 1967 trở đi, Mỹ và quân đội Sài Gòn đẩy mạnh chiến tranh, vận động tổng lực hải lục không quân, biệt kích, thám báo thọc sâu vào vùng căn cứ kháng chiến, đồng thời dùng máy bay rải chất độc hóa học, máy bay B52 ném bom rải thảm nhằm tiêu diệt lực lượng cách mạng. Để đối phó, các cơ quan khu miền Tây và phòng Nhiếp ảnh Thông tấn phải rút sâu vào rừng U Minh xây dựng căn cứ. Đây là vùng trũng, mùa hè khô cạn không nước, đất đai nứt nẻ, không có nổi một ngọn rau, đời sống cán bộ, bộ đội vô cùng cực khổ. Ban đêm muỗi bay như trấu, nhiều cán bộ, chiến sĩ ốm đau không có thuốc thang. Nhưng phóng viên Trần Bỉnh Khuôl đã vượt qua tất cả, hăng hái lên đường cùng bộ đội chiến đấu.

Ảnh của Trần Bỉnh Khuôl có nhiều, nhưng do ông hi sinh đột ngột, trụ sở luôn phải di chuyển, nên tài liệu bị thất thoát. Hiện còn lưu giữ được một số ảnh quí giá như: Bộ ảnh lễ ra mắt Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Tây Nam Bộ, các trận công đồn, đánh lớn của quân giải phóng: Trận Trà Là, Đầm Dơi, Cái Keo (Cà Mâu), trận Giồng Riềng, Gò Quao (Kiên Giang) Long Mỹ (Hậu Giang)…

Chúng tôi, những người cầm máy ảnh trong chiến tranh coi Trần Bỉnh Khuôl là cánh chim đầu đàn của nhiếp ảnh Nam bộ với cái tên kính trọng thân tình: Anh Hai Nhiếp.

Ảnh trận Đầm Dơi, Cái Keo của Trần Bỉnh Khuôl được in vào sách ảnh Requiem (Hồi niệm), Nhà xuất bản Random House, New York, Mỹ, năm 1997. Và sách Ảnh Việt Nam thế kỷ XX, do Bộ Văn hóa Thông tin và Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam ấn hành năm 2006. Chính những bức ảnh ấy đã đoạt Giải thưởng Nhà nước năm 2007.

Ngoài Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2007, anh Hai được Nhà nước truy tặng Huân chương Kháng chiến Hạng Nhất, Huy chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam, danh hiệu Nghệ sĩ Nhiếp ảnh có cống hiến xuất sắc.

Nhớ anh Hai Nhiếp, cũng là lúc nhớ đến ba người con trai dũng cảm của anh hy sinh trong chiến tranh chống Mỹ, nhớ chị Lê Thị Nga người vợ can đảm. Người làng quê anh, đồng nghiệp trong nước và nước ngoài đều nhận ra một điều giản dị: Điểm tựa cho những bức ảnh bất hủ của anh là cả một gia đình yêu nước.

MỚI - NÓNG