Cảnh báo về bạo lực trong trường học

Theo khảo sát của Plan quốc tế tại Việt Nam đối với gần 3.000 học sinh ở 30 trường THCS và THPT ở Hà Nội, khoảng 80% học sinh báo cáo bị bạo lực giới trong trường học ít nhất một lần trong đời.

Đây là kết quả nghiên cứu khảo sát ban đầu của Viện Nghiên cứu Y - Xã hội học (ISMS) đã hợp tác với Plan Việt Nam và các chuyên gia đến từ Trung tâm Nghiên cứu Phụ nữ Quốc tế (ICRW).

Đây cũng là một phần của hoạt động theo dõi và đánh giá của dự án “Trường học An toàn, Thân thiện, Bình đẳng” nhằm xây dựng một cơ sở dữ liệu dựa vào bằng chứng phục vụ cho quá trình ra quyết định và đo kết quả dự án.

Nghiên cứu được thực hiện trong giai đoạn từ tháng 3 đến hết tháng 9/2014. Mẫu khảo sát đối với cấp THCS là lớp 6, 7, 8 và THPT là lớp 10, 11.

Mục tiêu của việc khảo sát ban đầu nhằm tìm hiểu những trải nghiệm của học sinh (HS) với bạo lực trong và xung quanh khu vực trường học; tìm hiểu nhận thức và quan điểm của lãnh đạo nhà trường về bạo lực giới trong trường học (BLGTH) và năng lực của họ trong việc thảo luận cũng như ứng phó với BLGTH; Tìm hiểu sự tồn tại và hiệu quả của các diễn đàn, dịch vụ các cơ chế để khuyến khích HS, phụ huynh hay giáo viên (GV) báo cáo các vấn đề về BLGTH và năng lực để và tham gia vào việc ứng phó với vấn đề này; Thu thập thông tin về chính sách và môi trường pháp lý về BLGTH. Nghiên cứu cũng sẽ xem xét cách thức HS ứng phó với các thách thức theo cách không bạo lực trong trường học.

Để tránh phân biệt nhầm lẫn giữa bạo lực học đường và bạo lực giới, ông Nguyễn Trương Nam - Viện trưởng ISMS cho biết: Các định nghĩa trong nghiên cứu được quy định bạo lực thân thể bao gồm tát, xô đẩy, kéo tóc; đánh đập, đánh hoặc đá; đe dọa bằng dao hoặc vũ khí.

Quấy rối và xâm hại tình dục bao gồm bình luận về hoạt động/hành vi tình dục; huýt sáo và những cử chỉ tục tĩu; tin nhắn với nội dung tình dục; sờ, hôn âu yếm; yêu cầu chạm vào bộ phận sinh dục; lan truyền tin đồn tình dục; hoặc ép buộc tình dục (hiếp dâm).

Bạo lực tinh thần bao gồm có ý tẩy chay một người nào đó; cố tình loại trừ một người nào đó; đánh giá về ngoại hình, tôn giáo, hoặc điều kiện gia đình; gán ghép tên gọi dựa trên ngoại hình hoặc gia cảnh; bắt phạt như đứng trong góc lớp hoặc bên ngoài lớp học; sự đe dọa bằng lời nói hoặc bằng văn bản; bị nhốt trong trường hoặc nhà vệ sinh; sỉ nhục thông qua ngôn ngữ xúc phạm; Bắt nạn xảy ra khi một HS hoặc nhóm HS nói hay làm nhưng điều xấu và khó chịu với HS khác hoặc xảy ra bởi vì quan hệ bất bình đẳng quyền lực. Điều nay bao gồm một HS bị trêu chọc hay cố ý bị loại trừ ra khỏi nhóm, lớp.

Nó cũng bao gồm bắt nạt trên mạng, bắt nạt qua điện thoại, email, Facebook... Bắt nạt không bao gồm các hành vi tranh cãi của HS, xảy ta một lần duy nhất.

Những thông tin… giật mình

Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu dựa vào phương pháp dữ liệu định lượng (hoàn thành câu hỏi khảo sát) và dữ liệu định tính (phỏng vấn, thảo luận nhóm) đối với 2.943 HS cho thấy: BLGTH là vấn đề nghiêm trọng đối với HS. Tỷ lệ HS đã từng trải qua BLGTH là 78%, và 71% số HS đã gặp phải vấn đề này trong sáu tháng gần đây.

Khảo sát xem xét 3 khía cạnh của BLGTH bao gồm bạo lực tinh thần, bạo lực thể chất và bạo lực tình dục. Kết quả khảo sát cho thấy 73% số HS báo cáo đã bị bạo lực tinh thần, 41% HS bị bạo lực thể chất, và 19% bị bạo lực tình dục khi ở trường. Con số này đối với sáu tháng trở lại đây là 65% - 31% - 11%.

Các số liệu cho thấy bạo lực thể chất là vấn đề điển hình xảy ra với những HS nam khi ở trường và trên đường đi học/về nhà. Bạo lực thể chất đối với các HS nam THCS được nhìn nhận tương đối cao so với HS nam ở các trường THPT. Dữ liệu cho thấy rằng người chính gây ra bạo lực thể chất chính những HS khác. GV sử dụng bạo lực thể chất đối với HS năm nhiều hơn HS nữ.

Các ứng phó phổ biến nhất của HS khi gặp phải bạo lực thể chất là cố gắng ngăn lại, đánh lại hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ từ những HS đứng gần. Các số liệu cũng chỉ ra rằng HS không hay chọn các báo với GV hay người giám hộ để giải quyết khi gặp bạo lực thể chất.

Dữ liệu nghiên cứu cũng cho thấy bạo lực tinh thần là một vấn đề nghiêm trọng đối với HS tại các trường THCS và THPT; Số HS nam báo cáo bị bạo lực tinh thần nhiều hơn nữ; Đối tượng HS được ghi nhận là đối tượng chính gây ra bạo lực tinh thần; GV thường sử dụng bạo lực tinh thần đối với HS nam nhiều hơn so với HS nữ; Dữ liệu thu được đã chứng tỏ rằng hầu hết HS thường tự ứng phó với bạo lực tinh thần mà không muốn kể lại sự việc cho phụ huynh hay người giám hộ. HS nữ thì thường có hướng báo lại với cha mẹ hơn là HS nam.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, số HS nữ báo cáo bị quấy rối và xâm hại tình dục ở xung quanh hay trên đường đến trường/về nhà nhiều hơn số HS nam; Tỷ lệ HS nữ THPT gặp quấy rối và xâm hại tình dục ở xung quanh trường, trên đường đến trường/về nhà cao hơn nhiều so với HS nữ THCS; Đối tượng HS khác được cho là đối tượng chính gây ra các vụ quấy rối và xâm hại tình dục; Ít HS (cả nam và nữ) báo cáo các trường hợp xâm hại với GV hay cha mẹ/người giám hộ.

Một thông tin khá thú vị ở kết quả nghiên cứu này, hầu hết HS khi bị bắt nạt trực tiếp hoặc qua mạng thường không nói với bất kỳ ai hay có thì chỉ kể với bạn bè của họ. Chia sẻ với ban bè về việc bị bắt nạt là cách phản ứng thướng thấy nhất ở HS nữ; HS nam thường được cho rằng là thủ phạm bắt nạt nhất; Một phần lớn số HS tham gia phỏng vấn không biết ai là người đã bắt nạt họ qua mạng. Khi HS phát hiện ra thủ phạm thì đối tượng thường là HS nam.

Bà Trịnh Thị Mai Anh - điều phối viên Dự án, tổ chức Plan cho biết thêm: Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy một số GV đỗ lỗi cho HS hoặc không làm gì khi nhận được báo cáo của HS về việc bị bạo lực giới. Phản ứng của nhiều phụ huynh, HS cũng tương tự. Họ thường đỗ lỗi cho con em mình hoặc không làm gì khi nghe con em mình kể lại việc bị bạo lực.

Khi nhận được được báo cáo của HS về vấn đề bị quấy rối và xâm hại tình dục, GV cũng có một số hành động. HS nữ thường nhận được sự động viên và cảm thông từ phía phụ huynh/người giám hộ khi kể về việc bị quấy rối và xâm hại tình dục.

Trong khi đó, HS nam thường bị cha mẹ đỗ lỗi vì đã gây ra những sự việc như vậy. Có rất ít cha mẹ HS phản ánh vấn đề quấy rối và xâm hại tình dục của con em mình với nhà trường…

Giải pháp nào xóa bỏ bạo lực giới trong trường học?

Nhóm nghiên cứu cho biết, bạo lực giới ở Việt Nam bắt nguồn từ những khuôn mẫu/quy định về giới ủng hộ sự thống trị của phái nam và sự phục tùng của phái nữ, bao gồm niềm tin về việc là phái nữ phải như thế nào và là phái nam thì phải như thế nào. Bạo lực giới trong bất kỳ xã hội nào đều là phản ánh của sự bất bình đẳng về giới tiềm ẩn và sự hiển diện của quyền lực.

Ở Việt Nam, cấp quản lý không thực sự công nhận việc có bạo lực giới trong trường học và miễn cưỡng thừa nhận và báo cáo một số trường hợp để tránh những công việc giấy tờ dài dòng và có thể thu hút sự chú ý của các phương tiện truyền thông, việc này tạo ra một văn hóa miễn tội.

Các phương tiện truyền thông đưa tin về các trường hợp đó thường thiếu nhạy cảm giới và không bảo vệ các nạn nhân. Cha mẹ thường ngại báo cáo vì họ sợ mất chỗ học của con cái hoặc con cái họ có thể bị kỳ thị.

Bạo lực giới đối với trẻ em sẽ mang lại những hậu quả về mặt tâm lý, xã hội và sự phát triển của các em. Các mối liên quan giữa việc bị trải nghiệm bạo lực sớm sẽ có các hành vi như sự hung hăng, bạo lực với người yêu/vợ, chồng, trầm cảm, lo lắng và các vấn đề sức khỏe khác khi các em trưởng thành.

Chính vì thế, về phía trường học, nên tập trung vào làm việc với các trường để thay đổi các chuẩn mực giảng dạy để xóa bỏ phương pháp giảng dạy có sử dụng hình thức xử phạt dùng bạo lực và phân biệt giới tính.

Bình đẳng giới và môi trường không bạo lực là chủ đề cần được đưa vào chương trình học tập và các chương trình hiện có của nhà trường (như giáo dục giới tính, giáo dục công dân…) và thông qua việc đảm bảo sự tiếp cận an toàn và bình đẳng của HS nam và nữ với các cơ hội học tập, vui chơi, thể thao và các cơ sở và các cơ sở vật chất của trường.

Bên cạnh đó, dịch vụ tư vấn là cần thiết để đảm bảo HS được có cơ hội để phản ánh về việc họ bị bạo lực cũng như tác động của nó đối với cuộc sống của học, mà không sợ bị phạt.

Theo Nguyễn Hùng
Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG