Từ bạo lực gia đình đến bạo lực học đường

TP - Bạo lực học đường đã có nhiều diễn biến mới khá phức tạp và không dễ giải quyết. Trong đó một nguyên nhân quan trọng xuất phát từ bạo lực gia đình, ứng xử giữa những người thân trong gia đình với nhau…

Từ bạo lực gia đình đến bạo lực học đường ảnh 1 Một số hình ảnh các vụ bạo lực học đường trong thời gian vừa qua

1001 kiểu bạo lực 

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Học sinh sinh viên (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho biết: Hiện nay Hà Nội đang có 2.541 trường học và cơ sở giáo dục gồm các cấp học và các loại hình đào tạo với gần 1,6 triệu học sinh và 116.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Sự kiện gây xôn xao dư luận đầu tiên đó là video clip học sinh nữ ở trường THPT Trần Nhân Tông đánh nhau bị đưa lên mạng cuối năm 2010. 

“Vụ việc như phát súng đầu tiên. Trước đây người ta đã nghe nhiều đến bạo lực học đường nhưng đúng là khi xem clip này thì bị sốc!”, ông Tuấn nói. Cũng theo ông Tuấn, một số trường tại Hà Nội sau khi kiểm tra đã phát hiện, thu giữ nhiều hung khí như côn, dao trong cặp, ba lô của học sinh. Nhiều trường hợp học sinh giấu vũ khí ở ngoài trường và khi có sự kiện thì đến lấy ra để đánh nhau. Một số trường hợp vi phạm tinh vi như gửi vũ khí trong cặp các bạn nữ và các bạn nữ này không dám nói ra. 

Bên cạnh những bạo lực về thể chất, bạo lực về tinh thần trong học đường cũng gây ra hậu quả hết sức nghiêm trọng và nhiều khi không lường hết được. Bạo lực tinh thần có nhiều hình thức biểu hiện khác nhau. Nhiều học sinh bị trầm cảm, tự kỷ chính là có nguyên nhân từ tình trạng này. 

Ông Phạm Ngọc Tuấn cho rằng, trong một gia đình “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến con trẻ. “Các cháu không thể vui vẻ, hồn nhiên được khi mà cha mẹ ở nhà bạo hành, đánh nhau”, ông Tuấn nhận định. 

Có mối quan hệ mật thiết giữa bạo lực học đường với bạo lực gia đình. Khi có bạo hành gia đình thì em học sinh nam đến lớp thường hay lầm lì, ít nói nhưng các em nữ lại có thể rơi vào trầm cảm, tự kỷ. Tôi kiến nghị phải có cán bộ trong các trường theo dõi về bạo lực học đường. Các em học sinh phải có nơi để giải tỏa, chia sẻ.

ông Phạm Ngọc Tuấn, 
Trưởng phòng Học sinh, sinh viên, Sở GD&ĐT Hà Nội 

Một biểu hiện mới trong bạo lực học đường đó là sử dụng các mạng xã hội để làm nhục, dọa nạt, lăng mạ, nói xấu lẫn nhau. Điển hình như vụ việc đau lòng xảy ra tại trường THPT Hai Bà Trưng vào cuối năm học vừa qua. Hai học sinh lớp 12 đã đưa hình ảnh của bạn gái và dùng photoshop cắt ghép với một tấm hình khỏa thân rồi đưa mạng xã hội.

Trước khi đưa lên mạng, hai bạn học sinh này đã buông lời dọa nạt bạn gái kia là “sẽ đưa hình lên mạng”. Bạn gái kia đã nói là nếu mà các cậu đưa lên trên mạng như vậy thì “tớ sẽ chết”. Hai người bạn đưa ảnh lên cứ tưởng bạn mình nói đùa và cuối cùng thì nữ sinh bị đưa ảnh lên đã uống thuốc diệt cỏ tự sát! Một vụ việc khác xảy ra tại Hà Nội do thiếu sự quan tâm của gia đình. Một học sinh nữ học lớp 11 giữ quỹ của lớp nhưng lại để mất 500.000 đồng. Khi về nhà nói lại bố mẹ thì bị bố rầy la. Kết cục là em nữ sinh đã uống thuốc sâu tự vẫn! 

Cũng theo ông Phạm Ngọc Tuấn, một trường hợp khác của một học sinh lớp 6 mà ông chứng kiến cũng rất đáng suy nghĩ. Ông Tuấn kể: Sau khi chuyển sang trường mới, gia đình thấy cháu có thời gian khá lầm lỳ, ít nói và rồi một hôm cháu về nhà nói rằng “bố mẹ biết không, ở trường các bạn không ai chơi với con”. Tìm hiểu thì gia đình mới phát hiện là cháu bị cả lớp cô lập vì... cháu xinh hơn một chút so các bạn nữ và lại hay cho các bạn xem ảnh gia đình đi chơi chỗ này chỗ kia! Gia đình đã mất hơn 1 năm tìm đủ mọi cách để giúp cháu thoát khỏi triệu chứng trầm cảm. 

Hiện tượng chia bè phái, gây mất đoàn kết, đánh lộn nhau thậm chí gây ra án mạng đã xảy ra trong học sinh ngay cả với học sinh THCS. Gây gổ đánh nhau không chỉ xảy ra với học sinh nam mà gần đây xuất hiện ngày càng nhiều học sinh nữ tham gia, nhiều vụ việc đã sử dụng cả hung khí. Nhiều vụ xảy ra không chỉ đơn thuần là cá nhân với nhau mà xuất hiện, hình thành phe nhóm; nhóm trong lớp, trong trường và có khi còn lôi kéo cả thanh niên bên ngoài nhà trường tham gia gây mất trật tự an toàn xã hội.

Không nên coi ly hôn là thảm kịch gia đình!

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trương Việt Toàn, Phó Chánh Tòa Hình sự, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội cho biết: Trung bình mỗi năm tòa án cấp thành phố xét xử khoảng 20 vụ bạo lực gia đình có tính chất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi chủ yếu là đánh đập, chém giết người thân. Nguyên nhân nhiều khi rất đơn giản nhưng hành vi lại mang tính tàn bạo, mất hết tính người.

Tòa án Hà Nội năm vừa qua xét xử 3 vụ vợ giết chồng. Trong đó có những vụ người vợ bị hành hạ rất lâu. Cũng theo ông Toàn, qua theo dõi các vụ án, những đứa con trong các gia đình có bạo hành cũng chịu nhiều cực khổ và chỉ được giải thoát khi mà cha mẹ các cháu tìm được cách ứng xử đúng với nhau.

Ông Toàn khẳng định, nhiều người cho rằng ly hôn là sự đổ vỡ khủng khiếp nhưng thực tế ly hôn là biện pháp tiến bộ khi mục tiêu của hôn nhân không đạt được, cuộc sống gia đình chỉ là thảm kịch. Có hàng vạn gia đình thực tế cuộc sống không đem lại hạnh phúc nhưng lại rất sợ nói đến ly hôn! Nhiều người nói sợ tai tiếng, sợ chia tài sản, sợ con cái khổ. Nhiều năm qua dường như chưa có nhà hoạt động xã hội nào thống kê lại con cái của những người đã ly hôn có cuộc sống tốt hơn trước khi ly hôn thế nào. Người ta chỉ nói đến khía cạnh tiêu cực, xấu xa của việc ly hôn mà thôi.

Tăng cường hoạt động ngoại khóa, giao lưu

Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay, môi trường giáo dục trong nhà trường hiện nay có tác động hàng ngày tới học sinh như cơ sở vật chất thiếu thốn, không gian chật hẹp, thiếu nơi vui chơi cho học sinh, hàng quán mọc lên xung quanh trường học. Nhiều sản phẩm văn hóa độc hại như phim ảnh, sách báo ngoài luồng không được kiểm soát kỹ đã tác động rất mạnh đến học sinh và môi trường học đường.

Ông Phạm Ngọc Tuấn cho rằng, có mối quan hệ mật thiết giữa bạo lực học đường với bạo lực gia đình. Khi có bạo hành gia đình thì em học sinh nam đến lớp thường hay lầm lì, ít nói nhưng các em học nữ lại có thể rơi vào trầm cảm, tự kỷ. Tôi kiến nghị phải chính thức có cán bộ trong các trường theo dõi riêng về bạo lực học đường. Các em học sinh phải có nơi để giải tỏa, chia sẻ.   

Từ bạo lực gia đình đến bạo lực học đường ảnh 2 Ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Học sinh Sinh viên (Sở GD&ĐT Hà Nội)

Nguyên nhân của tình trạng trên, ông Tuấn cho hay do sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình còn thiếu chặt chẽ. Một số trường còn xem nhẹ việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, thiếu quyết liệt trong đấu tranh phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội có nguy cơ xâm nhập học đường. Chương trình cho các cấp học còn nặng với học sinh, dẫn đến các em không có thời gian để tham gia hoạt động vui chơi, hoạt động tập thể.

Ngay sau sự kiện nữ sinh THPT Trần Nhân Tông đánh nhau, Sở GD&ĐT Hà Nội đã ký chương trình phối hợp với Công an thành phố nhằm bảo đảm an ninh trật tự trong trường học. Cấp quận, huyện giao ban 3 tháng 1 lần và cấp thành phố giao ban 6 tháng một lần. Đã hình thành rất nhiều mô hình khác nhau nhằm ngăn chặn bạo lực học đường. Đi đầu là Trường THCS Ngô Sỹ Liên có đội tình nguyện của sinh viên. Mô hình “Trường học an toàn thân thiện và bình đẳng”, trong đó có phòng chống bạo lực giới đang triển khai và đạt nhiều kết quả rất tích cực… 

Sở GD&ĐT Hà Nội tăng cường giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, đạo đức cho học sinh không chỉ trên tài liệu sách vở mà còn ở ngay cả những giờ chơi, hoạt động ngoài giờ lên lớp. Sở GD&ĐT Hà Nội đã chỉ đạo các trường đặc biệt coi trọng giờ sinh hoạt tập thể, tiết chào cờ và sinh hoạt ngoại khóa để tổ chức cho học sinh học tập, thảo luận về văn hóa giao thông, văn hóa giao tiếp, ứng xử, kỹ năng sống.

Đối với gia đình, nhiều trường học của Hà Nội đã có biện pháp phối hợp quản lý và giám sát học sinh. Nội dung thông qua các buổi họp với cha mẹ học sinh, thông qua sổ liên lạc điện tử. Giáo dục tập trung vào các việc cụ thể như hướng dẫn học sinh sử dụng điện thoại đúng mục đích, cha mẹ không giao xe cho con tham gia giao thông khi chưa đủ điều kiện; thực hiện đội mũ bảo hiểm cho học sinh tiểu học…

Hiện tượng chia bè phái, gây mất đoàn kết, đánh lộn nhau thậm chí gây ra án mạng đã xảy ra trong học sinh ngay cả với học sinh THCS. Gây gổ đánh nhau không chỉ xảy ra với học sinh nam mà gần đây xuất hiện ngày càng nhiều học sinh nữ tham gia, nhiều vụ việc đã sử dụng cả hung khí. Nhiều vụ xảy ra không chỉ đơn thuần là cá nhân với nhau mà xuất hiện, hình thành phe nhóm; nhóm trong lớp, trong trường và có khi còn lôi kéo cả thanh niên bên ngoài nhà trường tham gia gây mất trật tự an toàn xã hội.

MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.
Ba tân Phó giáo sư 9X gồm: Nguyễn Hoàng Chung, Vũ Thu Trang và Trần Ngọc Mai (từ trái qua phải)
Chân dung các tân phó giáo sư 9X
TPO - Ngoài tân phó giáo sư (PGS) trẻ nhất năm 2024 Trần Ngọc Mai (sinh năm 1991, Hà Nam), còn 3 ứng viên khác trở thành PGS trẻ thuộc thế hệ 9X gồm: PGS Nguyễn Hoàng Chung (1990, Bình Định), công tác tại Trường ĐH Thủ Dầu Một; PGS Nguyễn Thị Hoa Hồng (1990, Hà Nam), công tác tại Trường ĐH Ngoại thương; PGS Vũ Thu Trang (1990, Hải Phòng), công tác Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.