Đây là chương trình thảo luận sâu cuối cùng trong khuôn khổ trưng bày "Chuyện của Người đang lớn” do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đoàn Thanh niên Cộng sản HCM, Liên Hợp Quốc tại Việt Nam và Bảo tàng Dân tộc học thực hiện.
Các chuyên gia có mặt tại chương trình đã có những
chia sẻ về nạn bạo lực học đường.
Tại chương trình, các ý kiến đã phản ánh thực trạng bạo lực học đường. Theo các đại biểu, ngày nay, các học sinh, cả nam và nữ đều có nguy cơ bị tác động bởi bạo lực học đường, trong đó có bạo lực trên cơ sở giới tính.
Cùng với các ý kiến của chuyên gia, nhóm học sinh trường THCS Phan Đình Giót (Hà Nội) còn mang tới đoạn phim ngắn về bạo lực học đường.
Đỗ Lê Kỳ Duyên (học sinh lớp 9A3 trường THCS Phan Đình Giót), một trong những thành viên tham gia đóng phim ngắn nói về bạo lực học đường chia sẻ: “Qua clip bọn em muốn nói rằng, tuổi học trò khá ngắn, do vậy đừng để bạo lực học đường xen vào việc học tập. Bạo lực học đường cần được mọi người nhìn ở góc độ bao quát hơn để sau đó có những giải pháp cụ thể tránh được hậu quả đáng tiếc xảy ra”.
Chương trình còn có cả những ý kiến của học sinh..
Theo các chuyên gia, nguyên nhân của bạo lực học đường không chỉ giới hạn trong khuôn viên trường học mà rất đa dạng, phức tạp và đa diện, có mối liên hệ chặt chẽ với các chuẩn mực xã hội rộng lớn hơn và thái độ chấp nhận bạo lực của cha mẹ, giáo viên và bản thân học sinh, có gốc rễ ăn sâu trong bất bình đẳng giới và khuôn mẫu giới cứng nhắc, cũng như hoàn cảnh gia đình.
TS. Tâm lý học Đỗ Thu Hằng cho rằng: Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc bạo lực học đường do ở lứa tuổi này học sinh có sự thay đổi về chất nên dẫn đến sự thay đổi về tâm lý. Nhiều em thích thể hiện sức mạnh bản thân, đồng thời có nhu cầu muốn người khác thừa nhận.Nhiều khi các em chỉ nhìn bạn khác là muốn gây gổ đánh nhau. Các em thích làm những điều mình nghĩ mà không quan tâm đến hậu quả, những người xung quanh.
Tại chương trình, nhiều ý kiến đã đề xuất các giải pháp hạn chế bạo lực học đường ở học sinh. Chẳng hạn, TS. Hằng nêu: Các em phải trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng để khi bị bạn bè bắt nạt, trêu ghẹo có thể xử lý linh hoạt. Về phía gia đình, thường xuyên giáo dục con, chia sẻ cho con những tình huống bạo lực trong học đường có thể xảy ra và có giải pháp khắc phục. Phía nhà trường cần tổ chức nhiều buổi chia sẻ, giao lưu với các em học sinh.