Thông tin được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nêu ra chiều 28/6 tại Hội nghị trực tuyến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang với 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL về công tác lãnh đạo, chỉ đạo chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU); phân giới cắm mốc; phòng chống tội phạm, ma túy, mua bán người; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, mặc dù trong nhiều năm qua tình hình dịch HIV/AIDS khu vực ĐBSCL đã được khống chế, nhưng trong 3 năm gần đây tình hình nhiễm HIV trong nhóm MSM (quan hệ tình dục đồng giới nam) đang gia tăng nhanh và số ca phát hiện ở khu vực này chiếm hơn 30% số ca phát hiện mới của cả nước.
“Do đó, Bộ Y tế cảnh báo nguy cơ dịch HIV quay trở lại khu vực ĐBSCL. Đề nghị lãnh đạo UBND các tỉnh quan tâm, đầu tư để kịp thời ngăn chặn sự gia tăng của dịch HIV/AIDS. Về chuyên môn kỹ thuật, Bộ Y tế sẽ cố gắng tối đa huy động nguồn lực quốc tế và cử các đoàn chuyên gia hỗ trợ tập huấn cho các tỉnh, nhưng về cơ bản phụ thuộc nguồn nhân lực và tài chính của địa phương” – Thứ trưởng Bộ Y tế nói.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu tại hội nghị. |
Đại diện Bộ Y tế cho biết thêm, do tình hình các chất ma túy ngày càng đa dạng, nhiều ma túy mới thẩm lậu vào Việt Nam, do đó việc xác định tình trạng nghiện ngày càng khó khăn, thách thức. Bên cạnh đó, công tác điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone chỉ có tác dụng cho nhóm người nghiện ma túy thuốc phiện nên chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu công tác cai nghiện hiện nay.
Tính đến nay, khu vực ĐBSCL chỉ điều trị methadone cho 2.620 người nghiện, chiếm 5% số đang điều trị trên toàn quốc (51.000 người). Người điều trị phải đến cơ sở y tế uống thuốc hằng ngày đã và đang tạo gánh nặng cho cơ sở y tế và khó khăn cho việc đảm bảo điều trị liên tục, lâu ngày dễ dẫn đến bỏ điều trị hoặc tái điều trị nhiều lần…
Bộ Y tế kiến nghị các địa phương đảm bảo tài chính cho hoạt động y tế dự phòng bởi đây là điều kiện cần cho hoạt động phòng chống dịch thực hiện tốt tại mỗi địa phương. Cùng với đó, quan tâm chỉ đạo triển khai các hoạt động phòng chống HIV/AIDS phù hợp với tình hình của mỗi tỉnh bởi hiện nay nguy cơ lây nhiễm HIV của khu vực đang gia tăng nhanh…
Quang cảnh hội nghị. |
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang bày tỏ quan ngại khi tỷ lệ nhiễm HIV, nghiện ma túy ở ĐBSCL cao. Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, 13 tỉnh thành phố vùng ĐBSCL đấu tranh mạnh với các loại tội phạm như ma túy, buôn lậu qua biên giới.
Bộ Y tế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cần quan tâm, tháo gỡ một số tồn tại, khó khăn còn vướng mắc trong vấn đề điều trị, cơ sở hạ tầng và chế độ chính sách đối với nhân viên, bác sĩ công tác tại các trung tâm y tế, cơ sở cai nghiện.
Bộ Y tế cần nghiên cứu đề xuất cơ chế điều chuyển có thời hạn bác sĩ đến công tác tại cơ sở, có chế độ, phụ cấp. Thời gian bao lâu, phụ cấp bao nhiêu để địa phương quyết định.
Trước đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cùng đoàn công tác Chính phủ đã đến thăm, làm việc và tặng quà tại cơ sở cai nghiện ma túy, trung tâm y tế (TTYT) điều trị Methadone, ARV ở Cần Thơ, Hậu Giang.
Tại TTYT thành phố Ngã Bảy (Hậu Giang), Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đi khảo sát, thăm hỏi cán bộ nhân viên làm việc tại trung tâm. Kết thúc chuyến thăm, Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các địa phương cần khai thác tối đa hiệu quả từ cơ sở dữ liệu về dân cư trong quá trình điều trị, tạo thuận tiện cho bệnh nhân. Phó Thủ tướng bày tỏ sự cảm thông đối với các đối tượng nhiễm HIV/AIDS, người nghiện ma túy trước áp lực kỳ thị rất lớn từ cộng đồng.
Hiện nay, trên cả nước có 3 địa phương chưa có trung tâm cai nghiện ma túy là Hậu Giang, Kon Tum, Đắk Nông. Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương xem xét chuẩn bị nguồn quỹ đất, từ nay đến cuối năm sẽ bố trí nguồn kinh phí để xây dựng 3 trung tâm này. Các địa phương bố trí khu đất liền kề khoảng 10ha để làm mô hình sản xuất nông nghiệp cho các đối tượng cai nghiện được học tập, tạo ngành nghề ổn định, bền vững.