Khả năng bùng phát dịch tay chân miệng ở phía Nam: Khẩn cấp ngăn chặn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Số ca mắc bệnh tay chân miệng (TCM) ở trẻ đang gia tăng nhanh ở các tỉnh thành phía Nam và có nguy cơ dịch bùng phát trên diện rộng. Trước tình hình trên, ngày 23/6, tại TPHCM, lãnh đạo Bộ Y tế đã họp khẩn trực tuyến với các địa phương để lên phương án ngăn chặn dịch.

Đại diện Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Đồng Tháp cho biết, toàn tỉnh đã ghi nhận 902 ca mắc TCM, đang tăng nhanh trong những tuần gần đây. Bệnh chủ yếu xảy ra ở nhóm trẻ dưới 3 tuổi. Đáng chú ý tại địa phương này đã có 1 ca tử vong vì TCM.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị TPHCM cần chủ động chia sẻ, hỗ trợ các tỉnh thành trong công tác phòng chống dịch TCM. Ngành Y tế TPHCM cần giữ vai trò chủ lực trong việc hỗ trợ chuyên môn cho các tỉnh để điều trị kịp thời bệnh nhân ngay tại địa phương, hạn chế chuyển viện. Mặt khác, TPHCM cần chủ động thu dung, điều trị kịp thời các ca bệnh nặng.

Tại Đồng Nai, tình hình dịch TCM cũng diễn biến phức tạp. Sở Y tế tỉnh này cho biết, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã có 1.694 trường hợp mắc TCM. Riêng từ cuối tháng 5/2023 đến nay, số ca mắc bắt đầu tăng cao, mỗi tuần ghi nhận khoảng 200 đến 300 ca nhập viện. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Đồng Nai đã phát hiện 106 ổ dịch TCM.

Tại tỉnh An Giang, thông tin từ CDC cho biết, khoảng một tháng qua, bệnh TCM đã tăng nhanh với 90 ca mắc mới mỗi tuần, hiện số ca mắc mới đã vượt ngưỡng dự báo dịch. Tổng số ca bệnh được ghi nhận từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh là hơn 600 trường hợp. Bệnh viện Đa khoa Châu Đốc (An Giang) vừa ghi nhận một trường hợp tử vong, đó là trẻ từ Đồng Tháp chuyển sang.

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết TPHCM không chủ quan mà luôn trong tâm thế chủ động sẵn sàng chống dịch. Bên cạnh các giải pháp chủ động triển khai sớm các biện pháp phân tầng điều trị, ngành y tế TPHCM sẵn sàng hỗ trợ cho các địa phương lân cận để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Tại TPHCM, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, số ca bệnh TCM từ đầu năm đến nay đã lên tới gần 3.000 trường hợp. TPHCM chưa ghi nhận trường hợp tử vong vì bệnh TCM nhưng tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố có 4 ca tử vong mà bệnh nhân là người từ các tỉnh khác chuyển đến. Hiện nay, còn nhiều trẻ bệnh nặng phải thở máy đang được điều trị tại một số bệnh viện nhi trên địa bàn thành phố.

Số liệu thống kê tại 20 tỉnh thành phía Nam của Viện Pasteur TPHCM cho thấy, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận khoảng 11.000 trường hợp mắc bệnh TCM. Theo TS.BS Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur, số ca mắc mới đang tăng rất nhanh, chỉ tính riêng trong tuần thứ 24, các tỉnh ở khu vực phía Nam đã ghi nhận hơn 2.000 ca (tăng hơn 23% so với tuần trước). Như vậy, đến nay đã có 7 trường hợp tử vong vì TCM, trong đó có 5 ca do chủng virus EV71 gây ra.

Khả năng bùng phát dịch tay chân miệng ở phía Nam: Khẩn cấp ngăn chặn ảnh 1

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương thăm trẻ mắc TCM điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1. Ảnh: Vân Sơn

Ngoài ra, theo TS.BS Nguyễn Vũ Thượng, khoảng 80% người lớn mắc tay chân miệng không triệu chứng. "Đây là nguồn lây rất nguy hiểm cho trẻ em nhưng chúng ta không hề biết. Vấn đề phòng chống dịch bệnh TCM không còn chỉ khu trú trong nhóm đối tượng là trẻ em hoặc bảo mẫu hay nhà trẻ, trường học nữa rồi.” - TS.BS Nguyễn Vũ Thượng nói.

Hiện nay, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, TPHCM là những địa phương xuất hiện nhiều ổ dịch TCM, nhiều ca bệnh nặng so với các tỉnh thành khác. Chủng virus EV71 có tỷ lệ tử vong cao hơn các chủng khác đang chiếm ưu thế. Đại diện Viện Pasteur TPHCM nhận định, nếu không có giải pháp can thiệp kịp thời thì TCM có nguy cơ tiếp tục gia tăng nhanh, gây áp lực rất lớn cho công tác phòng chống và điều trị.

Thiếu thuốc điều trị bệnh tay chân miệng

Trong khi dịch bệnh diễn biến phức tạp thì ngành y tế các địa phương đang đối mặt với nhiều khó khăn về thuốc, hóa chất phòng chống dịch. Bên cạnh chủng vi rút gây bệnh EV71 có khả năng gây ra dịch trên diện rộng, tình trạng thiếu một số loại thuốc trong điều trị bệnh TCM được đại diện sở y tế các tỉnh nhận định là nguyên nhân khiến số trẻ mắc bệnh TCM chuyển biến nặng có xu hướng gia tăng.

Mặt khác, hóa chất phục vụ chống dịch tại các địa phương cũng đã cạn kiệt. Sở Y tế Đồng Nai cho hay, toàn tỉnh hiện chỉ còn khoảng 300 lít hóa chất. Nếu phải sử dụng để xử lý dịch trong thời gian tới thì lượng hóa chất trên không đủ đáp ứng. Sở Y tế tỉnh Đồng Nai và các tỉnh đều đề nghị Viện Pasteur TPHCM và Cục Y tế Dự phòng cần chủ động dự trữ hóa chất để hỗ trợ các tỉnh chống dịch trong bối cảnh việc mua sắm hóa chất, thuốc phục vụ phòng chống dịch phải thực hiện theo đúng quy trình, tốn nhiều thời gian.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, hiện tất cả các khoản chi tiêu cho phòng chống dịch đã chuyển về địa phương thành chi thường xuyên. Đề nghị các địa phương chủ động trong dự trù cơ số thuốc điều trị, vật tư tiêu hao, hóa chất... Đề xuất số lượng cần trong năm, trao đổi, làm việc với các đơn vị cung cấp để chủ động phòng chống dịch. Theo bà Hương, hiện đã có công ty sản xuất vắc xin phòng bệnh tay chân miệng gửi hồ sơ đăng ký đến Cục Quản lý dược. Hy vọng từ nay đến cuối năm 2023, vắc xin này được cấp phép.

Để đáp ứng kịp thời, dự phòng bệnh tật, giảm nguy cơ tử vong, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị các tỉnh khẩn trương ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2023, trong đó đảm bảo 4 tại chỗ. Thứ trưởng cũng đề nghị các tỉnh thành tăng cường theo dõi, giám sát tình hình dịch. Phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch. Phân tích diễn biến dịch bệnh và có các biện pháp kịp thời. Ngành y tế các tỉnh phải lưu ý tổ chức tập huấn, hướng dẫn giám sát chặt chẽ dịch bệnh, thực hiện phòng lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế, tổ phân tuyến điều trị, phân luồng khám chữa bệnh, thực hiện nghiêm thông tin báo cáo, tránh chậm trễ thông tin, ảnh hưởng công tác phòng chống dịch, cấp cứu điều trị.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.