Báo động bệnh tay chân miệng lây từ người lớn cho trẻ nhỏ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Khoảng 80% người lớn mắc bệnh tay chân miệng (TCM) không có biểu hiện lâm sàng, đây là nguồn lây đặc biệt nguy hiểm cho trẻ nhỏ nhưng gần như không được biết đến. Thông tin trên được TS.BS Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM chia sẻ tại cuộc họp khẩn về công tác phòng chống dịch của Bộ Y tế với các tỉnh thành phía Nam sáng 23/6.

TS.BS Nguyễn Vũ Thượng cho biết, tính riêng trong tuần thứ 24, các tỉnh ở khu vực phía Nam đã ghi nhận hơn 2.000 ca mới mắc tay chân miệng (tăng hơn 23% so với tuần trước). Trong đó, có 5 trường hợp tử vong được xác định do EV17 và 2 trường hợp tử vong do TCM căn cứ trên triệu chứng lâm sàng nhưng chưa có kết quả xét nghiệm.

Báo động bệnh tay chân miệng lây từ người lớn cho trẻ nhỏ ảnh 1

Một trường hợp mắc bệnh tay chân miệng phải hỗ trợ thở máy tại Bệnh viện Nhi Đồng 1

Tổng số ca mắc TCM tại khu vực phía Nam từ đầu năm đến nay khoảng hơn 11.000 trường hợp. Số liệu phân tích trên ca bệnh nặng cho thấy, hệ số ca mắc đang có xu hướng tăng rất cao những tuần gần đây. Hiện nay, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, TPHCM là những địa phương xuất hiện nhiều ổ dịch TCM, nhiều ca bệnh nặng so với các tỉnh thành khác.

“Số mắc TCM đang có xu hướng gia tăng, EV71 đang chiếm ưu thế. Chủng này có tỷ lệ tử vong cao hơn các chủng khác. Tuy nhiên, trên thực tế, phân độ bệnh TCM đối với những trường hợp nhập viện không được báo cáo rõ ràng. Chỉ tính riêng tại TPHCM, có tới 81% ca bệnh tay chân miệng chưa được phân độ trên lâm sàng. Thực tế trên đang ảnh hưởng đến khả năng đánh giá chính xác độ nặng trên lâm sàng và xu hướng gia tăng của dịch bệnh” – TS Thượng nói.

Nguy hiểm hơn, qua công tác giám sát dịch tễ, đại diện Viện Pasteur TPHCM cho biết có đến 80% người lớn mắc TCM không triệu chứng, đây là nguồn lây rất nguy hiểm cho trẻ em nhưng chúng ta không hề biết. Do đó, vấn đề phòng chống dịch bệnh TCM không còn khu trú trong nhóm đối tượng là trẻ em hoặc bảo mẫu hay nhà trẻ, trường học mà là vấn đề mang tính cộng đồng. Việc phòng chống TCM phải tập trung vào mọi nhóm đối tượng, trong đó chú trọng vấn đề vệ sinh khử khuẩn, rửa tay thường xuyên với phương châm, bàn tay sạch, ăn uống sạch, nhà cửa sạch, đồ chơi sạch.

Báo động bệnh tay chân miệng lây từ người lớn cho trẻ nhỏ ảnh 2

Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương chủ động triển khai phòng chống dịch

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhận định, tình hình dịch bệnh TCM có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, có nhiều trường hợp tử vong. Để đáp ứng kịp thời, giảm nguy cơ đến cộng đồng, Thứ trưởng đề nghị các tỉnh thành cần khẩn trương ban hành kế hoạch phòng chống dịch và bố trí kinh phí cho các hoạt động dự phòng, điều trị. Các sở y tế cần chủ động phân tuyến điều trị, tập huấn cho y tế cơ sở và y tế tư nhân, đảm bảo thuốc vật tư hóa chất trong điều trị bệnh tay chân miệng.

“Các cơ sở y tế ban đầu, y tế tư nhân đang lờ đi việc chẩn đoán bệnh TCM. Cần phải có văn bản của Bộ Y tế lưu ý tất cả các cơ sở khám chữa bệnh để phát hiện bệnh sớm, nhập viện sớm, phòng ngừa biến chứng cho trẻ” - TS.BS Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM.

MỚI - NÓNG
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
TPO - Đơn vị vận hành tuyến metro số 1 dự kiến từ ngày 1/1/2025 đến ngày 9/1/2025 sẽ hoàn thành tính năng đọc thẻ căn cước, căn cước công dân (CCCD) gắn chíp. Người dân có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chip quét thẻ tại thiết bị đầu đọc ở các cổng soát vé để đi tàu điện metro số 1 trong giai đoạn miễn phí.