Báo cáo với Phó Thủ tướng, ông Võ Văn Tám - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Vĩnh Long cho biết, cơ sở CNMT được thành lập từ năm 1993, thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, cắt cơn giải độc, tư vấn điều trị nghiện, tổ chức lao động trị liệu và dạy nghề cho các đối tượng là người CNMT tự nguyện, cai nghiện bắt buộc theo quyết định của tòa án, đối tượng xã hội không nơi cư trú; xác định tình trạng nghiện và cung cấp dịch vụ cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.
Hiện cơ sở đang quản lý 128 học viên, trong đó có 93 học viên cai nghiện bắt buộc theo quyết định của tòa án, 34 học viên cai nghiện tự nguyện và 1 đối tượng xã hội.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thăm các học viên tại cơ sở cai nghiện. |
Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, đến nay, 107 xã/phường/thị trấn trên địa bàn tỉnh đã bố trí được địa điểm, nhân sự tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn việc đăng ký cai nghiện tự nguyện; phân công người thực hiện nhiệm vụ tư vấn tâm lý, xã hội, quản lý, hỗ trợ đối tượng cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và quản lý sau cai nghiện ma túy.
Tỉnh xác định cuộc đấu tranh phòng, chống tệ nạn ma túy còn hết sức khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải có sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia, hỗ trợ của nhân dân. Trong thời gian tới, tỉnh Vĩnh Long tiếp tục bám sát các chương trình, kế hoạch của trung ương, của tỉnh, hoàn chỉnh việc quy định cụ thể hóa các cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện công tác CNMT và quản lý sau CNMT trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cũng đề xuất Chính phủ điều chỉnh, bổ sung Điều 33 Nghị định 116/2021/NĐ-CP. Cụ thể, đối với người cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện vi phạm nội quy, quy chế hoặc tự ý kết thúc hợp đồng cai nghiện sẽ chuyển sang áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.