Cảnh báo gia tăng trẻ em bị tăng huyết áp: Chuyên gia chỉ rõ nguyên nhân

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tăng huyết áp còn được gọi là “kẻ giết người” thầm lặng vì chúng thường không có những biểu hiện hay triệu chứng cảnh báo trước và thậm chí có người còn không biết mình bị bệnh. Tình trạng tăng huyết áp đang trở nên phổ biến và ngày càng gia tăng trên thế giới và ở Việt Nam. Bất kỳ ai cũng có nguy cơ bị tăng huyết áp, kể cả trẻ em và người trẻ tuổi.

Ngày 22/5, Hội tim mạch học Việt Nam tổ chức hội thảo “Quản lý tăng huyết áp”. Chương trình cung cấp kiến thức y khoa trong lĩnh vực chẩn đoán tăng huyết áp đồng thời là khởi đầu cho chuỗi hoạt động nhân Ngày Tăng huyết áp Thế giới và Chương trình tầm soát & quản lý tăng huyết áp cộng đồng MMM 2024.

Ngoài ra, tăng huyết áp cũng tạo gánh nặng, gây giảm năng suất lao động và dân số lao động tiềm năng, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế. Để đối mặt với những thách thức và nhu cầu chưa được đáp ứng của bệnh nhân tại Việt Nam, cần thiết có các chiến lược và giải pháp ưu tiên để giải quyết tình hình này.

Chia sẻ về tầm quan trọng của dược sĩ khi tư vấn cho bệnh nhân tăng huyết áp, GS.TS Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam cho biết: “Tăng huyết áp là vấn đề rất phổ biến trong cộng đồng, mỗi người trong chúng ta đều có thể là ứng viên cho căn bệnh này. Tuy không phải là bệnh lây nhiễm nhưng những biến chứng liên quan tổn thương cơ quan đích do tăng huyết áp gây ra như đột quỵ não, nhồi máu cơ tim, suy tim, rối loạn nhịp, giảm thị lực không thể coi thường. Bên cạnh vai trò của các bác sĩ thì hiện nay dược sĩ đang được quan tâm, có vai trò phối hợp đáng kể trong việc cùng các bác sĩ giúp người dân tăng cường nhận thức, đảm bảo sự tuân thủ điều trị tốt nhất nhằm góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cộng đồng”.

Cảnh báo gia tăng trẻ em bị tăng huyết áp: Chuyên gia chỉ rõ nguyên nhân ảnh 1

Chuyên gia tim mạch hướng dẫn dược sĩ phương pháp đo huyết áp.

Tình trạng tăng huyết áp đang trở nên phổ biến và ngày càng gia tăng trên thế giới và ở Việt Nam. Bất kỳ ai cũng có nguy cơ bị tăng huyết áp, kể cả trẻ em và người trẻ tuổi. Tỷ lệ tăng huyết áp ở trẻ em hiện nay ngày càng gia tăng và nguy cơ kéo dài đến tuổi trưởng thành. Nguyên nhân là do tình trạng thừa cân béo phì gia tăng. Tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ em tăng gấp đôi so với 30 năm về trước. Đa phần tăng huyết áp thường không có triệu chứng. Và hầu hết các bậc cha mẹ đều lầm tưởng rằng bệnh lý này chỉ xảy ra ở tuổi trưởng thành, do đó dẫn đến tâm lý chủ quan, ít quan tâm đến vấn đề tăng huyết áp ở con trẻ và chỉ đưa đến bệnh viện thăm khám khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu như tim đập nhanh, giảm thị lực, chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn, vã mồ hôi…

Theo những báo cáo gần đây, tỷ lệ tăng huyết áp ở trẻ em khoảng 4%. Tuy nhiên, con số thực tế có thể cao hơn vì nhiều trường hợp không đi thăm khám hoặc chưa được phát hiện. Nguyên nhân tăng huyết áp được chia thành hai nhóm lớn: tăng huyết áp thứ phát và tăng huyết áp nguyên phát.

Tăng huyết áp thứ phát là tăng huyết áp do bất thường tại các cơ quan. Trong đó, bệnh lý tại thận (hẹp động mạch thận, thận đa nang, viêm cầu thận cấp, viêm đài bể thận…) chiếm tỷ lệ cao nhất gây tăng huyết áp thứ phát ở trẻ em. Ngoài ra, còn có thể do bệnh lý tim mạch (hẹp eo động mạch chủ, Takayasu…), nội tiết (cường giáp, nhược giáp, tăng sinh tuyến thượng thận bẩm sinh, cường Aldosteron…). Tăng huyết áp thứ phát thường biểu hiện sớm ở trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ, cụ thể là trẻ dưới 9 tuổi.

Tăng huyết áp nguyên phát hay còn gọi là tăng huyết áp vô căn, không xác định rõ nguyên nhân. Bệnh liên quan chặt chẽ với tình trạng thừa cân béo phì, chế độ ăn mặn nhiều muối và dầu mỡ, ít vận động, căng thẳng…

Theo ước tính của WHO, hiện đã có khoảng 1,5 tỷ người trên thế giới mắc bệnh tăng huyết áp và mỗi năm có khoảng 9,4 triệu người bị tăng huyết áp đã tử vong.

Tại Việt Nam, có khoảng 12 triệu người mắc tăng huyết áp, cứ 5 người trưởng thành có 1 người tăng huyết áp. Trong đó còn tỉ lệ tương đối cao bệnh nhân chưa được phát hiện bệnh hoặc đã phát hiện nhưng chưa kiểm soát được bệnh.

MỚI - NÓNG