Ngày 16/5, tại hội thảo Cập nhật những ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và robot trong phục hồi chức năng, PGS. Lê Mạnh Cường, Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh (Học Viện Y học Cổ truyền Trung ương) cho hay, tỉ lệ người mắc bệnh cơ xương khớp đang có xu hướng ngày càng gia tăng và trẻ hóa. Hội thảo là dịp để các bác sĩ cập nhật ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và robot trong điều trị bệnh cơ xương khớp và phục hồi chức năng.
Ở dân văn phòng, tỉ lệ mắc bệnh cơ xương khớp lên đến hơn 65%. Tỉ lệ ngày càng gia tăng do công việc của con người ngày càng liên quan nhiều tới máy vi tính. Nhiều triệu chứng bệnh lí cơ xương khớp ở giới văn phòng diễn ra âm thầm hoặc chỉ là những cơn đau, mỏi ngắn. Công việc văn phòng lại thường tất bật nên ít người chú ý đến các triệu chứng, có tâm lí bỏ qua. Chính sự chủ quan này đã khiến không ít trường hợp bệnh nặng nề hơn và làm cho việc điều trị trở nên khó khăn.
Thống kê của ngành y tế cho thấy, tỉ lệ người mắc bệnh cơ xương khớp ở mức cao, với hơn 30% người trên 35 tuổi và 60% người trên 65 tuổi. Những bệnh liên quan đến cơ xương khớp khá phổ biến như: bệnh liên quan đến bàn tay, bàn chân, đau vai gáy, đau cột sống, thoát vị đĩa đệm, liệt nửa người do hậu quả của bệnh lí mạch máu não, đột quỵ…
PGS. Lê Mạnh Cường cho biết: “Hệ vận động hay cơ xương khớp rất ít khi được chú ý cho đến khi xuất hiện các dấu hiệu của lão hóa, người bệnh mới nhận ra bị các vấn đề cơ xương khớp gây giảm hiệu suất công việc và ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống”.
Chuyên gia đang hướng dẫn nhân viên y tế BV Tuệ Tĩnh điều trị bệnh lí cơ xương khớp bằng công nghệ AI |
Theo các bác sĩ chuyên khoa, người trẻ ngoài các bệnh lí miễn dịch, chuyển hóa thì nguyên nhân môi trường cũng dẫn đến các "bệnh văn phòng" như thoái hóa cột sống, cong vẹo cột sống,… Người cao tuổi hay mắc các bệnh do lão hóa như thoái hóa, loãng xương và đặc biệt là bệnh khớp với các triệu chứng đi kèm: đường ruột, tiêu hóa, hô hấp, tim mạch… Bệnh cơ xương khớp là bệnh mạn tính, phức tạp, có biểu hiện mang tính hệ thống
Đặc biệt, trong lối sống ngày nay, mọi người thường làm việc ngồi ở một vị trí trong nhiều giờ đồng hồ liền, khoảng 3-4 tiếng dễ gây ê cổ vai gáy và các khớp vận động trên cơ thể và cột sống. Tác động của của bệnh lý cơ xương khớp đến mỗi người có thể thay đổi với các triệu chứng nhẹ đến các rối loạn chức năng nghiêm trọng, thậm chí là di chứng tàn tật. Nó gián tiếp làm giảm chất lượng cuộc sống, giảm năng suất lao động, gây mất ngày công lao động và đẩy chi phí y tế tăng lên.
Ứng dụng AI và robot trong điều trị bệnh cơ xương khớp
PGS Lê Mạnh Cường cho hay: “Các kết quả nghiên cứu của thế giới cho thấy, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và robot trong điều trị bệnh cơ xương khớp và phục hồi chức năng đem lại hiệu quả cao, giúp nhanh chóng phục hồi chức năng của cơ thể. Robot giúp phục hồi chức năng có khả năng thu thập các tín hiệu điện cơ tự nhiên từ cơ bắp của bệnh nhân và phân tích chúng. Điều này giúp xác định hoạt động và biểu hiện cảm xúc của cơ bắp, từ đó tăng khả năng chẩn đoán và điều chỉnh trong quá trình phục hồi”. Chuyên gia này thông tin thêm, robot cũng tạo ra tín hiệu phản hồi âm thanh, hình ảnh và rung cơ bắp để hướng dẫn và khích lệ bệnh nhân trong quá trình tập luyện. Tín hiệu phản hồi này giúp bệnh nhân hiểu rõ hơn về hoạt động cơ bắp và thực hiện các động tác một cách chính xác.
Bác sĩ khuyến cáo mỗi người nên thường xuyên vận động, ngồi khoảng 15-20 phút cần đứng lên đi lại để thay đổi tư thế, giúp cơ xương khớp linh hoạt, tránh ngồi hay đứng quá lâu, hạn chế làm việc quá sức, dành nhiều thời gian nghỉ ngơi.