Căng thẳng ngoại tệ: Do nội tại nền kinh tế?

Căng thẳng ngoại tệ: Do nội tại nền kinh tế?
Nguyên nhân căng thẳng ngoại tệ thường được cho là tác động tâm lý găm giữ ngoại tệ của DN, hoạt động đầu cơ của giới đầu tư, tin đồn và gần đây nhất là do giá vàng tăng cao.
Căng thẳng ngoại tệ: Do nội tại nền kinh tế? ảnh 1

Về hiện tượng thì đúng như vậy, nhưng để giải quyết được căn bản vấn đề, chúng ta vẫn phải nhìn nhận những nguyên nhân từ nội tại nền kinh tế.

Đâu là nguyên nhân chính?

Thị trường ngoại hối Việt Nam trong hơn 10 tháng đầu năm có nhiều khó khăn. Nhiều thời điểm thanh khoản ngoại tệ trên thị trường có dấu hiệu khan hiếm, gây áp lực lên tỉ giá và các chính sách quản lý ngoại hối của NHNN.

So với cùng kỳ năm 2008, 10 tháng đầu năm 2009 giá USD tăng 9,09%, trong khi chỉ số giá chung tăng 7,17%. Tuy nhiên, từ trung tuần tháng 10 đến nay người ta chứng kiến đợt tăng giá USD trên thị trường tự do rất mạnh, bỏ xa tỉ giá niêm yết của các NHTM.

Lấy mốc ngày 22/10 (ngày đầu tiên giá USD thị trường tự do lên mức trên 18.400 đồng/USD) so với tỉ giá ngày 11.11 cho thấy, chỉ trong vòng 20 ngày, giá USD trên thị trường tự do đã tăng 8,6%, trong khi đó cùng thời gian tỉ giá niêm yết của NHTM chỉ tăng 0,08%. Đến hôm qua, giá USD trên thị trường tự do tuy giảm vẫn còn cao hơn giá do các NHTM niêm yết 5,7%.

Nguyên nhân căng thẳng ngoại tệ trước tiên thường được một số cơ quan quản lý cho là tác động tâm lý găm giữ ngoại tệ của DN, hoạt động đầu cơ của giới đầu tư, tin đồn và giá vàng tăng... Nhưng nguyên nhân thực sự của vấn đề có lẽ phải là những vấn đề nội tại của nền kinh tế và tác động phụ của cơ chế hỗ trợ lãi suất (HTLS) vay bằng VND.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng giá trị XK 10 tháng đầu năm 2009 giảm 13,8% so với 10 tháng cùng kỳ năm 2008. Nhập siêu 6.883 triệu USD. Những số liệu về hoạt động xuất khẩu giảm sút và con số nhập siêu được phân tích, mổ xẻ nhiều tại các cuộc họp, thảo luận và phương tiện thông tin đại chúng cũng gây lo ngại trong dư luận về cán cân vãng lai của Việt Nam.

Theo NHNN thì do cơ chế HTLS, LS cho vay VND còn khoảng 4%-6,5%/năm, tương đương LS cho vay bằng USD, nhưng do lo ngại rủi ro tỉ giá, các DN nhập khẩu chuyển sang vay VND để mua ngoại tệ, gây sức ép tăng tỉ giá và căng thẳng thanh khoản trên thị trường ngoại hối. Những tháng gần đây khi trù liệu sắp hết thời hạn vay VND được HTLS thì nhu cầu vay ngoại tệ của DN mới bắt đầu tăng lên. Tuy nhiên, việc kéo dài HTLS vay ngắn hạn VND đến hết quý I/2010 (tuy sẽ giảm mức LS hỗ trợ xuống còn 2%/năm), nhưng được dự đoán là vẫn gây áp lực lên tỉ giá.

Vàng hạ, USD sẽ hạ?

Nếu quan sát biến động tăng mạnh giá USD trong những ngày gần đây tại Việt Nam thì thấy hiện tượng khá lạ: Giá vàng và giá USD tăng đột biến cùng chiều (thông thường thì giá vàng lên thì USD hạ và ngược lại). Thời điểm giá vàng lên sát 3 triệu đồng/chỉ, thì giá USD trên thị trường tự do cũng tăng sát 20.000đ/1USD.

Diễn biến này khiến người ta cho là có hiện tượng mua gom USD để nhập lậu vàng. Đây có thể là một suy luận có cơ sở vì ngay sau thông báo của NHNN cho phép nhập khẩu vàng để bình ổn thị trường, chiều ngày 11.11 giá vàng và giá USD cùng giảm mạnh. Vàng từ 3 triệu đồng/chỉ xuống còn khoảng 2,73 triệu đồng/chỉ. USD từ xuống còn 19.500 đồng/1USD.

Hôm qua (12.11), giá vàng và USD trên thị trường tự do tiếp tục giảm, cuối giờ chiều giá vàng xuống còn khoảng trên 26 triệu đồng/lượng, giá 1USD còn khoảng 18.800 đồng.

Theo Thống đốc NHNN thì gốc của vấn đề tỉ giá thị trường tự do tăng trong mấy ngày qua là giá vàng, khi giá vàng ổn định, tỉ giá sẽ ổn định trở lại. Đã có ý kiến lo ngại, quyết định cho phép nhập khẩu vàng của NHNN sẽ ảnh hưởng đến tỉ giá của thị trường và về ngắn hạn sẽ khiến cán cân thanh toán bị thâm hụt.

Tuy nhiên, trong cuộc gặp gỡ một số báo chiều ngày 11.11 vừa qua, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết, các NHTM nhà nước đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn ngoại tệ cho nhập khẩu, không phải đi mua gom từ thị trường nên sẽ không làm tăng tỉ giá của thị trường. Nhập khẩu vàng sẽ khiến nhập siêu tăng lên, nhưng không ảnh hưởng nhiều đến cán cân tổng thể vì đa số người dân cũng không tiêu dùng lớn bằng vàng.

Chưa điều chỉnh tỉ giá

Đây là khẳng định của Thống đốc NHNN. Thời gian tới, NHNN vẫn thực hiện chủ trương của Chính phủ là điều hành tỉ giá linh hoạt, có sự quản lý của Nhà nước, theo hướng ổn định, nhưng không cố định mà tùy theo diễn biến thị trường để điều chỉnh cho hợp lý.

Vừa qua, NHNN có buổi thảo luận về Đề án "Nghiên cứu chính sách tỉ giá áp dụng cho Việt Nam trong điều kiện hiện nay". Đây là một đề án độc lập về chính sách tỉ giá được Chính phủ giao cho NHNN xây dựng nhằm tham mưu cho Chính phủ một chính sách tỉ giá được lựa chọn trên cơ sở phân tích lý luận gắn với thực tiễn Việt Nam hiện nay trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế mang tính toàn cầu. Dự kiến ban lãnh đạo NHNN sẽ thông qua lần cuối dự thảo vào cuối tháng 11.2009 để kịp trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12.2009.

Thị trường còn nghe ngóng

Vẫn có khá nhiều nhận định thận trọng về xu hướng giá vàng và ngoại tệ thời gian tới. Giá vàng trong nước có thể sẽ không sốt nóng vô lý nữa, nhưng cũng không thoát ly giá vàng thế giới. Chừng nào giá vàng thế giới còn cao thì giá vàng trong nước chưa thể giảm mạnh được.

Về tỉ giá, một chuyên gia tài chính nói: "Có thể USD phải xác lập mặt bằng giá mới trong hoàn cảnh thâm hụt gia tăng, nợ quốc gia lớn. Việt Nam là một nền kinh tế hướng vào xuất khẩu, hiện nay tốc độ giảm của XK đang thấp hơn tốc độ giảm của NK, nhưng khi kinh tế hồi phục nhiều khả năng NK sẽ tăng mạnh hơn XK (để có nguyên-nhiên-vật liệu phục vụ sản xuất). Đến lúc đó USD càng bị mất cân đối. Phải một thời gian sau khi đồng tiền thu được từ XK quay lại thì sự mất cân đối mới giảm dần".

Theo Châu Giang
Lao động

MỚI - NÓNG
Hoa hậu Ngọc Hân học thạc sĩ
Hoa hậu Ngọc Hân học thạc sĩ
TPO - Hoa hậu Ngọc Hân vừa nhận tin trúng tuyển với số điểm 14, xếp thứ 5 trong số các học viên của chuyên ngành Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật ứng dụng Việt Nam.