Thay vì phải đến ngân hàng nộp tiền, chuyển khoản để thanh toán các dịch vụ, giờ đây chỉ cần máy tính hoặc điện thoại di động có kết nối internet là bạn có thể thực hiện ngay các dịch vụ này ở bất cứ nơi đâu. Thế nhưng, phương thức thanh toán nhanh gọn này cũng ẩn chứa rủi ro, mất tiền nếu người sử dụng không cẩn thận.
Mất tiền vì chuyển khoản nhầm
Đăng ký sử dụng ngân hàng (NH) điện tử (Internet Banking) hay Mobile Banking (giao dịch thông qua điện thoại di động) đang trở thành phương thức phổ biến đối với nhiều người vì khá đơn giản. Các bước thực hiện cũng nhanh gọn và dễ hiểu với những người đã sử dụng máy tính... Thế nhưng, chỉ vì thiếu cẩn thận, nhiều người đã bị mất tiền trong tích tắc.
Thanh Hoa, một nhân viên văn phòng tại Q.10 (TP.HCM), kể trong tháng 3 cô chuyển khoản qua Internet Banking trả tiền mua hàng gần 2 triệu đồng cho người bán có tài khoản cùng NH. Đây không phải là lần đầu chuyển khoản nên cô vô cùng tự tin. Tuy nhiên, sau khi đã nhấn nút “hoàn tất”, kiểm tra lại thông tin chi tiết trên biên lai thì cô choáng váng vì tên và số tài khoản cô đã chuyển là của một người hoàn toàn xa lạ. Vội chạy ra NH, sau khi “trình bày hoàn cảnh”, cô cũng có được thông tin người được chuyển khoản để liên lạc. Nhưng điện thoại nhiều lần không ai nghe máy, trong khi chủ tài khoản ở tận Ninh Thuận. Vậy là cô đành chịu mất tiền.
“Lỗi do mình, vì cùng NH khi chuyển khoản đều thể hiện rõ tên người nhận mà mình lại không xem kỹ trước khi bấm nút hoàn tất. Đây là một kinh nghiệm đáng giá cho bản thân”, Thanh Hoa chia sẻ.
Tương tự, chị Ngọc Quỳnh (Q.1, TP.HCM) chuyển 5 triệu đồng cho một người bạn bằng điện thoại di động, nhưng qua ngày sau mới biết bị nhầm số tài khoản khi người bạn chờ mãi vẫn không nhận được tiền, gọi lại hỏi. NH của chị Ngọc Quỳnh không cung cấp thông tin người nhận tiền, vì cho rằng quy định không được phép. Tuy nhiên, nhân viên NH thông báo đã liên lạc với chủ tài khoản đề nghị hợp tác giải quyết. Thế nhưng, khi chuyển tiền chị Quỳnh lại không ghi rõ nội dung chuyển tiền cho ai, chuyển để làm gì... nên phía người nhận nhầm trả lời không biết và không đồng ý hoàn trả.
Trường hợp chị Ngân (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), cũng không thể lấy lại tiền sau lần chuyển qua Internet Banking cho một chủ tài khoản ở NH khác. Thời điểm chuyển tiền vào cuối tuần, nên phải sang đầu tuần sau khi người nhận thông báo vẫn chưa nhận được tiền chị Ngân mới kiểm tra lại thì phát hiện mình gõ sai chữ lót tên người nhận và số tài khoản cũng bị sai một số. Do tài khoản người nhận khác NH, chị Ngân không thể kiểm tra lại tên và số tài khoản có tương ứng như chuyển khoản cùng NH, nên đành mất tiền. “Sau lần đó, tôi luôn kiểm tra vài lần để chắc chắn đúng trước khi bấm nút hoàn tất giao dịch”, chị Ngân nói.
NH không thể can thiệp
Tùy theo quy định của NH, nhưng thông thường thông tin của khách hàng như tên, số điện thoại, địa chỉ không được tùy tiện cung cấp cho người khác. Vì vậy, có thể NH sẽ cung cấp thông tin để người chuyển tiền tự liên lạc hoặc chính nhân viên NH sẽ trực tiếp liên lạc để giải quyết khi có sự cố xảy ra.
Một nhân viên NH tại TP.HCM cho biết, trong những trường hợp như trên, nhất là giữa các cá nhân với nhau, thì NH chỉ cố gắng hỗ trợ chứ không thể can thiệp. Vì vậy, người chuyển khoản nhầm có nhận lại được tiền hay không hoàn toàn phụ thuộc vào người nhận được tiền có thiện chí trả hay không.
“Khi chuyển khoản qua Internet Banking hay Mobile Banking, việc kiểm tra thông tin của người được chuyển khoản càng phải được thực hiện kỹ hơn. Ngoài việc kiểm tra chính xác số tài khoản, tên chủ tài khoản (cùng tên NH, chi nhánh nếu khác NH) thì nên ghi rõ nội dung chuyển tiền như chuyển cho ai, để làm gì... Còn nếu chuyển khoản để thanh toán hóa đơn điện, nước hay điện thoại thì kiểm tra xem chính xác mã hóa đơn, mã khách hàng và ghi rõ nội dung thanh toán để hạn chế những nhầm lẫn có thể xảy ra, dẫn đến mất tiền oan uổng”, nhân viên này tư vấn.
Theo Thảo Vy